Thứ tư, 24/11/2010, 15h11

Dự án đầu tư vào lĩnh vực giáo dục của Công ty QLQ Bản Việt: Hướng đến sản phẩm giáo dục chất lượng cao

 

Trường TC KT&NV Nam Sài Gòn tăng cường các hoạt động dạy tốt học tốt

Được thành lập vào năm 2006, Công ty cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư chứng Khoán Bản Việt (Viet Capital Asset Management - VCAM) hiện là một trong những công ty quản lý quỹ nội địa hàng đầu Việt Nam, quản lý hai quỹ đầu tư – Quỹ đầu tư đa ngành và Quỹ đầu tư Y tế, với tổng tài sản gần 1.500 tỷ đồng. Hiện tại, VCAM đang có kế hoạch mở rộng đầu tư sang lĩnh vực giáo dục - đào tạo thông qua một định chế đầu tư mới. Báo Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Cung Trần Việt, Thành viên HĐQT của VCAM kiêm Giám đốc Nghiên cứu, phụ trách dự án đầu tư vào lĩnh vực giáo dục.
PV: Tại sao VCAM quyết định triển khai dự án đầu tư giáo dục, thưa ông?
Xã hội đang có nhu cầu rất lớn về các sản phẩm giáo dục đẳng cấp quốc tế nhưng được Việt Nam hóa phù hợp. Bên cạnh đó, chủ trương xã hội hóa lĩnh vực giáo dục đã được Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện về khung pháp lý để các dự án tư nhân trong lĩnh vực giáo dục (cả trong và ngoài nước) tại Việt Nam có cơ sở hình thành và phát triển khá mạnh mẽ suốt thời gian qua. Tuy nhiên, hiện nay việc thu hút vốn của các nhà đầu tư vào giáo dục không đơn giản. Một phần do đặc thù xã hội của lĩnh vực này không thể thương mại hóa hoàn toàn, một phần xét cả trên hai phương diện đào tạo và kinh doanh giáo dục là lĩnh vực đòi hỏi đầu tư dài hạn mới tạo ra hiệu quả. Dự án đầu tư giáo dục mà VCAM chuẩn bị triển khai tham gia vào xu thế trên nhằm thu hút được thêm nhiều nguồn vốn đáp ứng được phần nào nhu cầu tạo ra thêm sản phẩm giáo dục có chất lượng ngày càng cao hơn.
Ông có thể cho biết về quy mô, khả năng huy động vốn của dự án ra sao trong tình hình khó khăn trên thị trường tài chính hiện nay? Nếu huy động thành công, dự án giáo dục sẽ được triển khai như thế nào?
Khó khăn chung của các công ty quản lý quỹ hiện nay sẽ không ảnh hưởng tới việc huy động vốn cho dự án. Dự kiến quy mô của dự án ban đầu ở mức 500 tỷ đồng, hoạt động trong khoảng 10 năm. Đối tượng góp vốn vào dự án phần lớn là các định chế tài chính và các cá nhân có tiềm lực tài chính quan tâm đến việc đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và thực sự là các nhà đầu tư dài hạn. Với tình hình thị trường hiện tại, việc thu hút vốn đầu tư nhìn chung là rất khó khăn. Tuy nhiên, những khó khăn này chỉ là nhất thời và vẫn có rất nhiều các nhà đầu tư có tiềm lực quan tâm đến những lĩnh vực đầy tiềm năng như lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam. Hiện tại, dù đang trong giai đoạn triển khai các thủ tục pháp lý để hình thành dự án nhưng VCAM đã nhận được cam kết tham gia của một số định chế tài chính như ngân hàng và công ty bảo hiểm. Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, VCAM sẽ triển khai xen kẽ các dự án có thời gian tạo dòng tiền nhanh (với thời gian hoàn vốn từ 3 - 4 năm), với các dự án trung dài hạn có thời gian hoàn vốn từ 5 - 10 năm. Hiện nay chúng tôi đã có trong tay một số dự án tiềm năng.
Tiêu chí nào để nhận vốn đầu tư và hình thức đầu tư của VCAM vào các dự án giáo dục là gì, thưa ông?
Phân khúc sản phẩm giáo dục mà chúng tôi muốn hướng tới đó là các sản phẩm giáo dục chất lượng cao. Lý do là bởi vì những dự án này không chỉ tiềm năng về mặt hiệu quả tài chính mà còn có ý nghĩa góp phần nâng cao mặt bằng chất lượng giáo dục tại Việt Nam thông qua việc chuyển giao và ứng dụng “công nghệ” từ các mô hình giáo dục và đào tạo tiên tiến. Đối tượng nhận vốn của dự án khá rộng, từ bậc mẫu giáo đến đại học, các trung tâm đào tạo và các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trong ngành giáo dục như sản xuất thiết bị, tư vấn quản lý giáo dục. Về nguyên tắc, VCAM là nhà đầu tư tài chính và không tham gia công tác quản lý chuyên ngành trực tiếp tại các đơn vị được rót vốn, việc điều hành vẫn do bộ máy cơ sở đó tự chủ. Chính vì vậy, trình độ và kinh nghiệm quản lý của đội ngũ điều hành là yếu tố quyết định để VCAM góp vốn đầu tư.
Cụ thể hình thức đầu tư của VCAM như thế nào, thưa ông?
Các khoản đầu tư của dự án đầu tư vào lĩnh vực giáo dục này chủ yếu sẽ ở hai hình thức: cung cấp vốn cho phát triển (growth capital) và mua bán sáp nhập (M&A).
Trong hình thức đầu tiên, dự án sẽ đầu tư vào các doanh nghiệp có thương hiệu, hoạt động hiệu quả và đang cần vốn để nâng cấp chất lượng cơ sở vật chất, mở rộng hoạt động của mình.
Hiện nay, rất nhiều trường và cơ sở đào tạo đang đứng trước yêu cầu pháp lý phải nâng cao năng lực về tài chính và chất lượng đào tạo. Vì vậy, sẽ có những yêu cầu về mua lại và sáp nhập giữa các cơ sở trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo để nâng cao hiệu quả hoạt động. Với kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực đầu tư tài chính và kinh nghiệm tương tự trong lĩnh vực đầu tư y tế, sự tham gia của chúng tôi chắc chắn sẽ có đóng góp tích cực và hiệu quả cho hoạt động này.
Ông đánh giá thế nào về đầu tư vào lĩnh vực giáo dục hiện nay? Liệu dự án này ra đời sẽ thổi “làn gió mới” đến việc xã hội hóa đầu tư vào giáo dục, đặc biệt trong một số phân khúc sản phẩm trung cao cấp?
Giáo dục đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển, tương lai của mỗi cá nhân, gia đình và của cả xã hội, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi Việt Nam bắt đầu hội nhập với thế giới. Chất lượng của nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để tồn tại và phát triển trong môi trường hiện nay. Xã hội ngày càng cần thêm nhiều những sản phẩm giáo dục có chất lượng cao và đạt đẳng cấp quốc tế. Vì vậy, bên cạnh những cơ sở đào tạo mang tính chiến lược và xã hội cao do Nhà nước đầu tư, chúng ta cần ngày càng nhiều những cơ sở giáo dục chất lượng cao và đặc biệt có thể phát triển bền vững trên cơ sở chủ động, tự chủ về tài chính. Nói cách khác, đấy là những doanh nghiệp thực thụ hoạt động trong ngành giáo dục, đáp ứng được yêu cầu về lợi nhuận cho các cổ đông và đưa ra những sản phẩm có chất lượng cao tương xứng. Về điều này thì tiêu chí và tầm nhìn của dự án phù hợp với nhu cầu và thực tế cuộc sống xã hội.
Xin cảm ơn ông.
Bài, ảnh: T.Bảo