Thứ bảy, 21/4/2018, 20h43

Du lịch ĐBSCL còn khiêm tốn

Đó là khẳng định của ông Lê Văn Tâm - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ tại Hội thảo quốc tế “Tầm nhìn phát triển du lịch ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu với Cần Thơ là trung tâm”. Hội thảo được tổ chức tại Cần Thơ mới đây...

Theo ông Tâm, thời gian qua tuy du lịch ĐBSCL có những bước phát triển, song việc đầu tư, khai thác chưa được kết nối một cách tổng thể dưới góc độ của vùng, còn thiếu chiến lược về thị trường khách có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày. Tốc độ phát triển du lịch của khu vực còn rất khiêm tốn so với các vùng du lịch trọng điểm của cả nước...

Để khắc phục tình trạng này, ông Christopher Malone - Trưởng khối Phát triển kinh tế toàn cầu của Tập đoàn BCG - cho rằng, ĐBSCL cần thực hiện 3 chủ đề chiến lược gồm: “Nghỉ dưỡng trên sông”, “Safari ĐBSCL” và “Khám phá sinh thái - nông nghiệp”. Tài sản lớn nhất của ĐBSCL là cảnh quan độc đáo và đa dạng sinh học. Sự tăng trưởng của số lượt khách đến và sự phát triển cơ sở hạ tầng cần phải được quản lý để đảm bảo giữ được vẻ đẹp tự nhiên và những gì được ban tặng. Nếu không chúng ta sẽ làm mất tài sản quý giá này.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Thiên - chuyên gia quốc tế về sự bền vững ĐBSCL - tâm tư: “Tình trạng các đô thị bị ngập nặng hiện nay là do ĐBSCL ngày càng bị chìm xuống. Nguyên nhân không phải hoàn toàn do biến đổi khí hậu hoặc triều cường mà vì chúng ta khai thác nước ngầm quá mức. Trong vòng 20 năm qua, khu vực bị chìm khoảng 18cm. Trước đây ĐBSCL thuộc giai đoạn kiến tạo, hiện nay là giai đoạn suy thoái, tình trạng sạt lở khắp nơi, mũi Cà Mau không còn được bồi đắp mà ngày càng bị sạt lở đất sâu vào bên trong. Trước đây hầu hết dòng sông tại ĐBSCL có nguồn nước trong xanh, người dân thoải mái dùng trong sản xuất, sinh hoạt, tắm giặt. Nhưng đến nay, do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu, phân bón hóa học khiến nhiều con sông bị ô nhiễm nặng, người dân không thể sử dụng nước để phục vụ đời sống, trẻ em nông thôn không thể tập bơi vì sợ mắc bệnh…”.

Theo đó, để phát triển tối đa du lịch nhưng vẫn bảo vệ được môi trường, tại hội thảo, các chuyên gia giới thiệu một số mô hình phù hợp đã thành công trên thế giới như: hệ thống du lịch kênh đào ở Hà Lan; hệ thống du lịch đồng bằng sông Mississippi của Mỹ với điểm đến nổi bật là thành phố New Orleans; tuyến du lịch đồng bằng sông Nile ở Ai Cập; chợ nổi Thái Lan... có thể áp dụng hiệu quả cho ĐBSCL. Muốn vậy, khu vực cần một giải pháp tổng thể, kết nối giữa các tỉnh, thành, có sản phẩm du lịch đa dạng phù hợp đặc trưng từng địa phương. Đặc biệt không còn để xảy ra tình trạng đến một tỉnh là biết hết các địa phương còn lại...

Ông John Lindquist, chuyên gia du lịch toàn cầu, cho rằng: “Để thực hiện tầm nhìn ngắn hạn với đặc điểm sông nước, Cần Thơ cần thành lập khoảng 250 tàu du lịch có lưu trú, đạt tiêu chuẩn như khách sạn 3, 4 sao. Đội tàu này sẽ đưa khách đến các điểm du lịch nổi tiếng của khu vực, giúp khách trải nghiệm cuộc sống trên sông nước, hoặc đến những khu du lịch sinh thái để khách trải nghiệm cuộc sống và sản xuất cùng nông dân. Ngoài ra tàu có thể đưa khách “liên thông” đến các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Campuchia. Những tour du lịch dài ngày này giúp kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách”...

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, ĐBSCL cần đẩy mạnh công tác GD-ĐT nguồn nhân lực phục vụ du lịch, bởi hiện nay rất thiếu. Đồng thời trang bị cho người dân ý tưởng và quyết tâm “cùng làm du lịch”... Đặc biệt phải thành lập Trung tâm Phát triển du lịch ĐBSCL - Đơn vị đầu mối này sẽ đề ra chiến lược phát triển và cơ chế điều phối hoạt động tại các địa phương trong vùng.

Lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL đánh giá cao những giải pháp của các chuyên gia quốc tế. Đồng thời cho biết sẽ nỗ lực thực hiện.

Riêng Cần Thơ, ông Tâm cam kết: “Là thành phố được Chính phủ giao nhiệm vụ đầu mối phát triển cho vùng, trong điều kiện kinh phí cho phép, thành phố sẽ lập kế hoạch kêu gọi đầu tư và triển khai những giải pháp thuộc tầm nhìn ngắn hạn mà các chuyên gia đề xuất, như đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, các khu resort nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp và đội tàu du lịch. Dự kiến tháng 8 tới, Cần Thơ sẽ tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư, trong đó đặc biệt kêu gọi đầu tư vào những dự án phát triển du lịch bền vững”...

Đan Phưng