Thứ hai, 23/5/2011, 08h05

Đưa hàng bình ổn giá đến trường học

Cặp, ba lô HS được bán bình ổn giá tại siêu thị Co.op Mart
Sáng 20-5, các sở: Thông tin - Truyền thông, Tài chính và Công thương đã có buổi họp liên sở để công bố mức giá bình ổn của các mặt hàng gồm gạo, đường, dầu ăn, thuốc Tây, quần áo - tập vở - cặp học sinh…
Tiếp tục giảm giá các mặt hàng thiết yếu
“Sau chín năm triển khai, chương trình bình ổn giá của TP đã trở thành một trong những công cụ điều tiết giá trên thị trường một cách hữu hiệu, thiết thực. Khẳng định được sức lan tỏa và vai trò định hướng dẫn dắt giá cả của các mặt hàng thiết yếu, hạn chế hiện tượng đầu cơ, tăng giá đột biến, góp phần ổn định an sinh xã hội trên địa bàn TP”, bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TP nhấn mạnh.
Câu hỏi đặt ra là làm cách nào để người lao động nghèo được tiếp cận tới những mặt hàng bình ổn này một cách thiết thực và hiệu quả. “Khi tiếp xúc với cử tri, bà con đều có chung một tâm trạng, làm cách nào để mua được hàng bình ổn khi mà gần như trên địa bàn quận không có hệ thống của siêu thị Co.op Mart, Big C? Rồi những cửa hàng thuốc nào bán hàng bình ổn, làm thế nào để kiểm soát giá mặt hàng sữa…?”, đại diện Báo Công An TP.HCM hỏi. Trả lời vấn đề này, bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết: “Chương trình bình ổn của TP được bắt đầu từ năm 2002, với số vốn bình ổn 45 tỷ đồng, với 2 doanh nghiệp tham gia và chỉ triển khai trong dịp Tết. Đến năm 2011 số vốn bình ổn là 412 tỷ đồng, số doanh nghiệp tham gia đã tăng lên 22 doanh nghiệp và triển khai mở rộng suốt cả năm, doanh số bán hàng và lượng hàng bình ổn tăng bình quân 25% mỗi năm. Mục tiêu của chương trình là đưa hàng bình ổn tới tận tay người nghèo, công nhân, người lao động. Tuy nhiên, một số quận, huyện ngoại thành do địa bàn xa, dân cư ở rải rác không tập trung vì vậy mà khi hàng bình ổn đưa xuống đã thông báo cho các cấp chính quyền địa phương về thời gian, địa điểm nhưng một số xã, phường đã không làm tốt việc thông tin của chương trình tới người dân”.
Hiện nay trên địa bàn TP có trên 3.000 điểm bán hàng bình ổn, bình quân mỗi quận huyện có từ 59 điểm bán hàng bình ổn. Đặc biệt, Công ty Trứng Ba Huân có trên 900 điểm bán. Bà Lan khẳng định: “Để góp phần định hướng thị trường cũng như kiềm chế lạm phát, trong năm 2011, cơ chế về giá cho 10 mặt hàng tham gia bình ổn được đảm bảo linh hoạt. Vì vậy, trong ngày 21-5, ba mặt hàng thiết yếu là đường, dầu ăn, trứng gia cầm sẽ tiếp tục giảm giá khoảng 10%”.
Đưa hàng bình ổn đến tận tay phụ huynh và học sinh
Nhằm góp phần chăm lo cho học sinh, sinh viên (HSSV) trên địa bàn TP trong mùa khai giảng năm học 2011-2012 và góp phần đảm bảo hoàn thành mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP năm 2011. UBND TP đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng phục vụ năm học mới gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đối tượng phục vụ của chương trình là HSSV trên địa bàn TP. Lượng hàng hóa trong chương trình có khả năng cân đối cung cầu, đáp ứng đủ nhu cầu của 2,2 triệu HSSV đang học tập tại TP kể cả trong trường hợp có xảy ra biến động thị trường bất thường. “Giá bán của các sản phẩm trong chương trình bình ổn phải đảm bảo luôn thấp hơn giá bán của sản phẩm cùng chủng loại, chất lượng trên thị trường ít nhất là 15% trong suốt thời gian thực hiện bình ổn”, bà Lê Ngọc Đào khẳng định.
Các mặt hàng tham gia bình ổn gồm: tập học sinh, cặp - ba lô - túi xách học sinh và đồng phục học sinh. Lượng hàng hóa tham gia bình ổn chiếm khoảng 20%-33% nhu cầu tiêu dùng của học sinh TP trong mùa khai giảng năm học mới. Cụ thể: tập học sinh: 4,4 triệu quyển (chiếm khoảng 33%); đồng phục học sinh: 560.000 bộ (chiếm 20%); cặp - ba lô - túi xách: 450.000 cái (chiếm 32%). Chương trình bình ổn này có 10 doanh nghiệp tham gia, trong đó có 8 doanh nghiệp nhận vốn và 2 doanh nghiệp không nhận vốn của chương trình. Thời gian thực hiện bình ổn bắt đầu từ nay đến 31-10-2011.
Để thực hiện tốt chương trình, UBND TP yêu cầu Sở GD-ĐT và UBND các quận, huyệncó trách nhiệm,chủ trì, phối hợp tổ chức thông tin, tuyên truyền về chương trình đến ban giám hiệu các trường, PHHS, HSSV trên địa bàn TP. Xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn đưa các sản phẩm đến các trường học. Tổ chức thông tin, tuyên truyền về các điểm bán hàng bình ổn giá của các đơn vị tham gia chương trình để người dân trên địa bàn biết và tham gia mua sắm. Rà soát, bố trí các địa điểm phù hợp để tổ chức bán hàng lưu động trên địa bàn; đăng ký danh sách địa điểm, thời gian, quy mô tổ chức và các yêu cầu khác (nếu có) gửi về Sở Công thương để tổng hợp lập kế hoạch bán hàng lưu động năm 2011. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị bình ổn phát triển điểm bán, bán hàng lưu động trên địa bàn. Giới thiệu các tiểu thương tại các chợ truyền thống, các hộ bán lẻ… liên kết, tiếp nhận nguồn hàng của các đơn vị bình ổn. Tổ chức kiểm tra, giám sát công tác bán hàng bình ổn của các đơn vị. Tăng cường công tác quản lý giá, kiểm tra kiểm soát việc niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết trên địa bàn quận, huyện. Chủ động thông tin, báo cáo về Sở Tài chính các trường hợp biến động giá trên địa bàn (nếu có). Thường xuyên theo dõi diễn biến cung cầu, giá cả thị trường; thông tin, phối hợp kịp thời với Sở Công thương khi có biến động thị trường bất thường. Tổng hợp, báo cáo tình hình thị trường, cung cầu, giá cả các hàng hóa thiết yếu trên địa bàn gửi về UBND TP, Sở Công thương, Sở Tài chính theo quy định.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy