Thứ bảy, 5/11/2011, 17h11

Đừng “đánh trống bỏ dùi”

Vấn đề nghiện game online (GO) ở lứa tuổi thanh thiếu niên Việt Nam đang là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Em L.Đ.D (HS lớp 11) cho biết: “Mỗi ngày, em đều “luyện game” không dưới 5 tiếng đồng hồ. Sau giờ học ở trường, em xin tiền ba mẹ đi học thêm, học phụ đạo nhưng thật ra là dùng tiền ấy để mà chơi game online. Em viện cớ là đi học thêm, học nhóm ở nhà bạn mà các bữa cơm với gia đình cũng thưa dần”. Các em HS rơi vào mức độ này thì việc chơi GO đã thành thói quen và là một nhu cầu bắt buộc. Những lời nhắc nhở hay dỗ dành từ người khác không có tác dụng mà phải dùng đến các biện pháp kỷ luật để bắt các em rời khỏi máy tính. Biểu hiện nổi bật nhất là các em dần trở nên cách biệt với người xung quanh và quan hệ gia đình, bạn bè trở nên nhạt dần, không quan tâm đến học hành và liên tục có nhiều hành vi chống đối. Đáng chú ý là tình trạng của em L.Đ.D hiện tại vẫn chưa được gia đình và nhà trường phát hiện ra. Ranh giới chuyển sang mức độ nghiện nặng của em đã rất mong manh.
Điều làm chúng tôi trăn trở hơn là với con số 0,71% cho mức độ nghiện nặng. Tuy con số này không phải cao, chưa tới 1% nhưng nó có thể sẽ thấp hơn nếu như nhiều trường hợp giống em L.Đ.D được quan tâm và phát hiện kịp thời. Ở giai đoạn nghiện GO nặng, các em sẽ không kiểm soát được bản thân mà thay vào đó là GO sẽ kiểm soát các em. Việc rời khỏi trò chơi là một việc gì đó rất đau khổ, các em quên mất thời gian, quên hết mọi việc, bỏ rơi các mối quan hệ xung quanh. Tinh thần cũng như sức khỏe của các em lúc này có dấu hiệu khủng hoảng trầm trọng. Nhưng con số 0,71% cho mức độ nghiện GO nặng này có dừng lại ở đó? Và thực tế tình trạng của những học sinh này có được “hỗ trợ” kịp thời không?
Số lượng học sinh nghiện GO ở các cấp học và hậu quả thực tế của nó đang ở mức báo động. Nhiều giải pháp được đưa ra nhưng chỉ “đánh trống bỏ dùi”. Trách nhiệm ngăn chặn vấn nạn nghiện GO không thể quy vào cho bất kỳ một tổ chức, nhà trường hay gia đình nào. Mà điều quan trọng là mỗi cá nhân, chính quyền, nhà trường, gia đình nhận thức đúng vai trò và tầm quan trọng của mình trong việc ngăn chặn vấn đề này ở HS phải thật sự cụ thể, thiết thực. Một phụ huynh đã bối rối hỏi chúng tôi trong nước mắt: “Con tôi nghiện GO thì phải đưa cháu đến đâu điều trị ngoài bệnh viện tâm thần?”. Chỉ có người cha người mẹ có con vướng vào con đường này mới thật sự cảm nhận được nỗi đau mà GO đem lại. Chỉ có họ mới thấu hiểu hết được rằng nghiện GO cũng nguy hiểm như các cơn nghiện khác. Và họ là những người mong mỏi nhất sự hỗ trợ, mong mỏi nhất có một trung tâm cai nghiện GO để không bối rối “trói con mình vào cột, dùng roi vọt mạnh tay để ngăn con không đi chơi GO”. Trách nhiệm này cần được thực hiện một cách rốt ráo. Không thể bày ra rồi để đấy hay “đánh trống bỏ dùi” khi các nguy cơ tiềm ẩn của nó cứ chực bùng phát một cách mãnh liệt.
Chuyên viên Tư vấn tâm lý Mai Mỹ Hạnh (TP.HCM)