Thứ năm, 4/9/2008, 09h10

Đừng để thư viện là… “kho sách”

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Lẽ ra thư viện phải là thế giới lý tưởng cho hoạt động dạy và học của giáo viên, học sinh nhưng tại sao thời gian qua thư viện vẫn chưa thực sự trở thành bạn đồng hành cùng với họ? Hội thảo “Nâng cao hiệu quả trong hoạt động thư viện nhà trường và phòng bộ môn” do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức trước thềm năm học mới là dịp những người làm công tác giáo dục cùng nhìn nhận và tìm ra giải pháp kéo thư viện lại gần với giáo viên, học sinh hơn…

Thiếu kinh phí đầu tư cho thư viện

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Nhung (Phòng Giáo dục quận 11) giải thích: “Thông tư 30 Liên bộ Tài chính - Giáo dục đào tạo quy định cần dành tối thiểu từ 6%-10% tổng ngân sách chi sự nghiệp giáo dục phổ thông hằng năm để mua sắm trang thiết bị đồ dùng dạy học, sách giáo khoa và các thiết bị cho thư viện trường học nhằm tạo điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học. Thực tế, thông tư này trong những năm gần đây không còn được áp dụng. Dù các quận huyện, các trường đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu để thư viện là trung tâm văn hóa giáo dục của nhà trường”. Bà Nhung còn cụ thể hóa như sau: “Tại  một trường học, với số giáo viên, học sinh trung bình từ 800 đến 2.000 người và kinh phí trong một năm được cấp mua sách báo trung bình từ 6 triệu đến 10 triệu đồng thì mỗi giáo viên học sinh chỉ được khoảng 5.000 đồng/năm để bổ sung sách. Trước các yêu cầu đổi mới về dạy và học của nhà trường với việc đòi hỏi thư viện phải được trang bị về cơ sở vật chất, phải đáp ứng số lượng lẫn chất lượng sách nhiều hơn… thì với số kinh phí trên quả là ít ỏi”. Không chỉ vậy, với nguồn kinh phí eo hẹp giữa một thị trường sách quá đa dạng và rộng lớn như TP.HCM, thực sự “gây khó” cho các trường trong việc chọn mua những đầu sách chất lượng. Thầy Cao Văn Phước Thọ, phụ trách thư viện Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1) cho biết: “Thư viện trường chỉ mới thành lập hai năm nay. Nhu cầu riêng về sách tham khảo cho gần 2.500 học sinh đang theo học tại trường là khoảng 10.000 bản, phấn đấu đạt tiêu chuẩn 1 học sinh/4 bản sách tham khảo. Thực tế, lượng sách tham khảo của trường hiện mới chỉ khoảng 4.000 bản. Năm  học trước, trường đã chi trên 20 triệu đồng bổ sung thêm sách phục vụ nhu cầu giáo viên, học sinh. Năm nay, trường vẫn chủ trương tiếp tục bổ sung thêm sách nhưng phải thật sự cân nhắc trong việc chọn lựa đầu sách vì kinh phí thì hữu hạn mà giá sách lại ngày càng tăng”.

Thư viện không nên chỉ là “kho sách”

Vấn đề “con người” được đặt ra như một trong những điểm nhấn quan trọng đối với việc nâng cao hiệu quả của hoạt động thư viện. Một đại biểu ý kiến: “Điều 7 của Quy chế về tổ chức và hoạt động thư viện trường phổ thông có quy định về chức danh của người làm công tác thư viện. Qua đó, người phụ trách thư viện trường học được thống nhất với chức danh “giáo viên thư viện”. Thực tế, việc triển khai quy chế đến các cơ sở gần như không có. Tại trường học, người phụ trách thư viện vẫn được gọi là nhân viên thư viện. Họ vẫn không được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ. Có những người làm công tác thư viện hơn 10 năm, về mặt chuyên môn nghiệp vụ vẫn ở mức bồi dưỡng ngắn ngày”. Vấn đề không chỉ ở chức danh mà nếu được quan tâm đào tạo đúng mức thì người làm công tác thư viện sẽ hoàn thành tốt công việc, hiệu quả hoạt động thư viện được nâng cao.

Công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, tạo cho người ta công cụ nắm bắt thông tin hữu hiệu. Kết nối internet sẽ hiện đại hóa thư viện, góp phần nâng cao vai trò của thư viện trong giáo viên, học sinh khi họ được thỏa mãn những thông tin cập nhật không chỉ từ sách.

Nhiều đại biểu cũng đã “hiến kế” để cải tiến hoạt động của thư viện bằng chính kinh nghiệm tổ chức thư viện từ đơn vị mình. Ông Nguyễn Văn Thanh, Phòng Giáo dục Củ Chi đề nghị nên chú trọng việc lập danh mục và đánh dấu mã số tài liệu để thuận tiện cho người sử dụng; căn cứ chương trình dạy của giáo viên để lập ra những tài liệu và thiết bị cần thiết cho từng môn học trong suốt 1 tuần học; lập “bảng theo dõi sử dụng tài liệu và thiết bị” trong suốt 35 tuần học… Trong đó, khâu khó khăn, mất nhiều thời gian và công sức là lập kế hoạch hàng tuần và suốt cả 35 tuần học. Khâu này cần huy động nhiều cán bộ thư viện, thiết bị và giáo viên có phân công cụ thể. Các tài liệu, thiết bị mỗi năm luôn mới nên kế hoạch này phải được cập nhật mỗi năm. Cũng theo ông Thanh: “Trường nhờ vào mạng lưới thư viện học sinh để đưa sách đến các em. Mỗi học sinh xem như một điểm phát hành sách cho học sinh khác. Mỗi học sinh đến thư viện mượn nhiều quyển sách, về các bạn khác mượn lại. Sau thời gian quy định mang trả lại thư viện rồi mượn sách mới. Chúng tôi vận động thành lập tủ sách tại lớp để bổ sung sách cho thư viện”. Việc thành lập tủ sách tại lớp là biện pháp hữu hiệu bổ sung thêm nhiều đầu sách cho hoạt động của thư viện. Thực tế, đây là cách làm của rất nhiều trường. Nói về cách thức tổ chức hoạt động thư viện của trường, bà Nguyễn Thị Thu Tâm, Phó hiệu trưởng Trường THCS Bình Thọ (Thủ Đức) đề nghị “đưa việc sử dụng đồ dùng dạy học vào chỉ tiêu thi đua đánh giá theo từng đợt; hướng dẫn học sinh thực hiện bảng chủ đề môn học từng tháng tại các phòng thực hành bộ môn; Ban giám hiệu thường xuyên dự giờ đánh giá, rút kinh nghiệm các tiết thực hành; kiểm tra định kỳ và đột xuất việc sử dụng đồ dùng dạy học của giáo viên, tổ chức thi làm đồ dùng dạy học hàng năm”…  Năm học mới đã gần kề, vấn đề cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện ở các trường càng phải được chú trọng để làm sao thư viện thực sự trở thành công cụ hữu hiệu của thầy và trò chứ không đơn thuần chỉ là kho sách…

Mê Tâm