Thứ bảy, 13/8/2016, 21h14

Dùng năng lượng mặt trời phục vụ đời sống

Tận dụng nguồn năng lượng ánh sáng mặt trời, nhóm Thế hệ ưu tú (bao gồm cựu sinh viên các trường ĐH trên cả nước) đã hợp tác chuyển hóa chúng thành điện năng hữu ích phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của con người. Nổi bật nhất là Thiết bị sạc pin di động đa năng và Cây mặt trời (Solar Trees).

Thiết bị sạc pin di động đa năng

Thiết bị an toàn, tiện lợi

Với Thiết bị sạc pin di động đa năng, người đi phượt có thể gắn lên áo khoác, balo - nơi tiếp xúc nhiều ánh nắng mặt trời. Theo đó, tấm pin năng lượng mặt trời đặt phía ngoài vật dụng sẽ hứng ánh sáng, từ đó chuyển hóa năng lượng ánh sáng mặt trời thành điện năng và tích điện vào hộp pin sạc với thời gian khoảng 5 giờ là đầy. Trong trường hợp trời mưa hoặc ban đêm, người dùng có thể rút giắc cắm của tấm pin năng lượng ra, cắm sạc vào ổ điện. Khoảng hơn 1 giờ pin sẽ đầy, lúc này mạch điện sẽ trở thành một cục pin dự phòng để dự trữ điện năng.

Theo một thành viên trong nhóm, thiết bị này là hệ thống chuyển hóa trực tiếp năng lượng ánh sáng mặt trời thành điện năng và cho ra dòng điện ổn định. Tuổi thọ thiết bị trên 600 lần sạc, người dùng có thể sạc được điện thoại và các thiết bị sử dụng nguồn USB 5V hoặc thắp sáng đèn LED được thiết kế như một chiếc đèn học trong quá trình đi du lịch, hoặc đến những nơi chưa có lưới điện quốc gia.

Nhóm Thế hệ ưu tú được thành lập tháng 8-2014 với 3 thành viên ban đầu. Đến nay nhóm có 7 thành viên chính thức, bao gồm các bạn trẻ đã tốt nghiệp các trường ĐH khác nhau trên cả nước nhưng có cùng đam mê nghiên cứu khoa học, thích sáng tạo. Nhóm đang hoạt động tại TP.HCM, tập trung trong 2 mảng là nông nghiệp và môi trường; đặc biệt chú trọng vào sự bền vững. Đây là lý do khiến nhóm hướng đến phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng bằng cách tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Cây mặt trời (Solar Trees)

Bạn Lê Minh Vương (cử nhân khoa học môi trường, Trường ĐH Sài Gòn, trưởng nhóm) cho biết: “Thiết bị có kích thước 105x50x30 mm, nặng 150g được thiết kế theo dạng module, gồm tấm pin năng lượng mặt trời (Solar panel), hộp pin sạc, cáp sạc điện cho các thiết bị di động có thể tháo lắp dễ dàng. Giá thành mà nhóm dự trù sẽ dưới 400 ngàn đồng/sản phẩm, dự kiến giữa năm sau nhóm sẽ ra mắt sản phẩm”.

Vương cho biết thêm: “Ưu điểm của thiết bị không chỉ nhỏ gọn, giá mềm mà còn có khả năng tự động ngắt mạch điện khi pin đầy, tạo ra sự an toàn, giảm thiểu các tai nạn cháy nổ, sự cố điện và tùy biến mà trở thành các sản phẩm điện khác nhau. Đối với người dùng không chỉ tiết kiệm năng lượng mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường do thiết bị giảm thải CO2. Trong tương lai, nhóm sẽ nâng cao tính ứng dụng cho thiết bị, bằng cách cung cấp điện linh động cho tất cả máy tính bảng, iPad…”.

Tạo mỹ quan đô thị

Theo tiết lộ của Vương, Cây mặt trời có kiểu dáng giống như cây xanh tự nhiên. “Lá cây” là các tấm pin năng lượng mặt trời, “thân cây” được thiết kế nhỏ gọn, làm tăng tính thẩm mỹ. Tính năng hoạt động của cây cũng tương tự như thiết bị sạc pin di động. Theo đó, dưới ánh nắng mặt trời, tấm pin có chức năng chuyển hóa năng lượng ánh sáng thành điện năng và tích điện vào trạm.

Phát triển TP.HCM từ những ý tưởng sáng tạo trẻ

Thành đoàn TP.HCM vừa phát động cuộc thi Ý tưởng sáng tạo trẻ TP.HCM lần 8 năm 2016 dành cho thanh thiếu nhi Việt Nam (từ 6 đến 35 tuổi) đang sinh sống, học tập và công tác ở trong nước hoặc nước ngoài. Theo đó, nội dung ý tưởng phải có tính mới, sáng tạo và có khả năng ứng dụng, tập trung vào việc góp phần chỉnh trang và phát triển đô thị TP.HCM như: Cải tạo các tuyến kênh, rạch (tập trung vào 5 tuyến chính là kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ, kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tham Lương - Bến Cát, rạch Nước Lên); di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên kênh, ven kênh, rạch; di dời nhà ở lấn chiếm làm hình thành nhiều khu dân cư tự phát; xây dựng - cải tạo - sửa chữa các công trình hạ tầng, hệ thống chiếu sáng, tăng diện tích cây xanh, mảng xanh; giải quyết ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường.

Theo Ban tổ chức, thí sinh có thể lựa chọn một trong hai hình thức dự thi là ý tưởng trên giấy hoặc ý tưởng online. Bài dự thi phải được trình bày rõ ràng, đầy đủ các phần (đặt vấn đề, nội dung ý tưởng, giải pháp, đề xuất…). Thời gian đăng ký dự thi từ nay đến ngày 20-9.

Ngọc Anh

Vương cho biết, với Cây mặt trời này, có thể lắp đặt ở khu phố đi bộ hay thậm chí là đường phố nhộn nhịp xe cộ. Do cây tích hợp cổng USB 5V 1A-2A, đầu sạc phù hợp với các dòng điện thoại thông minh, máy tính bảng hiện nay vì thế con người có thể ngồi dưới gốc cây sạc thiết bị bất cứ lúc nào. Ngoài ra, điện từ hệ thống các “lá cây” có thể cải tiến tích hợp thiết bị phát wifi miễn phí, sử dụng chiếu sáng vào ban đêm.

Theo các thành viên trong nhóm, Cây mặt trời ra đời là ý tưởng phụng sự cộng đồng mà nhóm mong muốn ứng dụng để đáp ứng các tiêu chí về mỹ quan đô thị, nâng cao nhận thức sử dụng năng lượng hiệu quả, bảo vệ môi trường. “Ở nước ta, tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời với cường độ bức xạ khoảng 4,6 kWh/m2/ngày, với các thiết bị chuyển hóa năng lượng mặt trời thì người dân không lo thiếu điện để sử dụng. Thời gian tới, dự kiến nhóm sẽ cho ra Cây mặt trời và lắp đặt tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM).

N.Trinh