Thứ hai, 25/10/2010, 16h10

Đường sắt Việt Nam khi nào phát huy được thế mạnh?

(Tiếp theo và hết)

Tàu hỏa Bắc - Nam chạy qua địa phận TP.HCM

Hiện nay, tại nước ta mới có 31 trong 63 tỉnh thành có đường sắt đi qua; chưa có mạng đường sắt phục vụ vận tải công cộng tại các thành phố lớn. Cơ sở hạ tầng và đầu máy toa xe nói chung còn nghèo nàn, lạc hậu, các thông số kỹ thuật giữa đường ray và đầu máy toa xe không còn phù hợp.
Cần phải đầu tư nâng cấp
Theo chiến lược phát triển từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, GTVT đường sắt tại Việt Nam cần chiếm tỷ trọng 25%-30% về tấn/km, 20%-25% về hành khách/km trong tổng khối lượng vận tải của toàn ngành. Bên cạnh đó, tỷ trọng vận chuyển hành khách đô thị bằng đường sắt phải đạt ít nhất 20% khối lượng hành khách tại Hà Nội và TP.HCM. Không những thế, đường sắt Việt Nam cần duy trì khổ đường sắt hiện tại, gồm các khổ đường 1.000mm, 1.435mm và đường lồng (1.000mm và 1.435mm) để nâng cấp, cải tạo đạt cấp kỹ thuật. Khi xây dựng các đoạn, tuyến đường sắt mới phải phù hợp và kết nối thuận tiện với khổ đường sắt hiện có ở khu vực đó. Riêng đường sắt cao tốc Bắc - Nam xây dựng theo tiêu chuẩn khổ đường 1.435mm. Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng đường sắt đến năm 2020 là 98.051 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 1 (năm 2001 đến năm 2010) là 23.530 tỷ đồng, giai đoạn 2 (năm 2011 đến năm 2020) là 74.521 tỷ đồng. Thực tế, từ năm 2005 đến nay, nhiều nhóm nghiên cứu đường sắt cao tốc từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… đã đến Việt Nam, tìm hiểu song phải bỏ cuộc vì thấy rõ những khó khăn trong việc thu hồi vốn. Đến nay, tính mạng nhân dân cũng như sự tồn vong của hệ thống đường sắt Việt Nam vẫn đang chờ một quyết định mang tính lịch sử. Đến lúc phải khẩn cấp đầu tư, hiện đại hóa đường sắt Việt Nam bằng chính nội lực. Phải để các tuyến đường sắt hiện tại hoạt động đáp ứng yêu cầu cần tăng cường vốn cho bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt hàng năm.
Kinh nghiệm đường sắt các nước
Theo nhận định của các chuyên gia nghiên cứu về môi trường, giao thông đường sắt là loại hình vận chuyển ít gây ô nhiễm không khí nhất (với lượng khí thải CO2 chỉ chiếm 1%, trong khi ô tô tải là 30%). Bên cạnh đó, mức độ gây tai nạn của phương tiện đường sắt chỉ có 1%, trong khi ô tô con là 24%, xe buýt và ô tô tải là 2,5% và tàu thủy nội địa là 2%. Mức tiêu hao nhiên liệu của tàu hỏa thì thấp hơn hẳn so với các loại phương tiện vận tải khác. Vì những lợi ích nêu trên mà nhiều cường quốc trên thế giới đã chọn giao thông đường sắt làm loại hình vận chuyển chính tại nước mình. Cụ thể, Mỹ có tới 226.800km, Nga 85.500km, Trung Quốc 74.897km, CHLB Đức 36.642km, Pháp 31.423km đường sắt. Ngoài những ưu điểm nổi bật vận tải đường sắt còn có khả năng vận chuyển khối lượng lớn siêu trường siêu trọng, đi xa với tốc độ cao. Ngành đường sắt lại ít bị ảnh hưởng của thời tiết, thích hợp với nhiều tầng lớp dân cư, ít chiếm dụng diện tích đất. Với cùng khối lượng vận chuyển, phương tiện đường sắt chỉ chiếm bề rộng đất là 28m cho đường đôi hai chiều riêng biệt, trong khi các phương tiện đường bộ lại chiếm từ 50 đến 100m mà khả năng vận chuyển hàng hóa cùng hành khách cao gấp 5-8 lần đường bộ cao tốc.
Thế nhưng hiện nay, hệ thống 3.200km đường sắt ở nước ta hầu hết là khổ 1m và đều đã già cỗi rệu rã, tốc độ chạy tàu bình quân chỉ 50km/h, thấp hơn cả ô tô và tàu thuyền trên sông. Theo đó, tình hình an toàn đường sắt vẫn chưa có gì cải thiện. Tính mạng nhân dân và cán bộ nhân viên đường sắt vẫn đang “treo lơ lửng” trên những chuyến tàu mà không ai có thể khẳng định được sẽ không xảy ra bất kỳ tai nạn nghiêm trọng nào như vụ tàu Thống Nhất E1 vừa diễn ra cách đây không lâu.
Bài, ảnh: Hà Anh

Theo số liệu chính xác từ Bộ GTVT, hiện nay tổng chiều dài của đường sắt Việt Nam là 3.200km. Trong đó có 2.214km khổ 1.000mm (84,1%), 161km khổ 1.435mm (6,1%), 220km đường lồng 1.000mm và 1.435mm (8,4%) và 506km đường tránh, đường nhánh.