Thứ tư, 8/9/2010, 08h09

Giáo dục ĐH vẫn tiếp tục tìm đường đổi mới

Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Ảnh: M.Tâm

Bộ GD-ĐT vừa tổ chức tổng kết năm học 2009-2010 và triển khai nhiệm vụ năm học mới khối các trường ĐH, CĐ. Cách đây tròn 1 năm, cũng tại hội nghị tổng kết năm học, những vấn đề tồn tại của giáo dục ĐH đã được nêu ra. Nhưng sau một năm, những tồn tại đó vẫn là những yếu kém, hạn chế của giáo dục ĐH. Vì sao?
Vẫn chuyện “tiền”

Là một trường được báo chí “soi” khá nhiều về chuyện lạm thu, ông Hoàng Văn Điện, Hiệu trưởng ĐH Công nghiệp Hà Nội đã nêu ra những lý do khiến trường gặp khó khăn trong đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng giáo dục. Đó là chuyện kinh phí. Theo ông Điện, là một trường công nhưng mỗi năm ĐH Công nghiệp Hà Nội chỉ được cấp 14 tỷ đồng. Trong khi đó, trường đã phải chi 6 tỷ đồng để miễn giảm học phí, 6 tỷ đồng để cấp học bổng. Như vậy, trường chỉ còn 2 tỷ đồng để chi thường xuyên.
Vì kinh phí Nhà nước cấp “eo hẹp”, đồng thời ông Điện cũng cho rằng kinh phí Nhà nước cấp không bình đẳng giữa các trường. Ông đề nghị Nhà nước nên tính toán cụ thể mức chi phí cho từng cấp học, không chia theo từng trường.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Đình Ngộ, Hiệu trưởng ĐH DL Phú Xuân, Huế lại ao ước có được “14 tỷ đồng” của ĐH Công nghiệp.
Cũng bài ca về “tiền”, đại diện ĐH Bình Dương lại đưa ra khó khăn về vấn đề đất cát. Sau 4 năm, trường mua được một mảnh đất trị giá 16 tỷ đồng. Đến khi xây dựng lại còn bị mất một lần tiền nữa. Theo đại diện này thì điều ấy đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các trường ngoài công lập.
Không những thế, vị đại diện này còn cho rằng các ĐH ngoài công lập đang phải đóng thuế. Trong khi đó, không thể xem một trường ĐH như một doanh nghiệp, góp tiền vào đó rồi chia.
Chuyện tự chủ
Vấn đề tự chủ về tuyển sinh một lần nữa lại được các đại biểu nhắc tới trong hội nghị lần này.
Theo GS. Huỳnh Hữu Tuệ, Hiệu trưởng ĐH Quốc tế Bắc Hà nâng cao chất lượng đào tạo là tự thân của các trường. Sinh viên chỉ là mục tiêu. GS. Tuệ đề nghị bỏ điểm sàn ĐH.
Trái ngược với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng cần phải có điểm sàn. Đây là cái ngưỡng yêu cầu thí sinh phải đạt được.
Tuy nhiên, theo ông Nam kỳ thi ĐH nên giao về cho các trường để các trường tự tổ chức thi. Nếu được tổ chức thi, ĐH Kinh tế quốc dân có thể tổ chức thi cả toán, văn, ngoại ngữ và toán, lý, hóa để thí sinh có quyền lựa chọn.
Đồng ý với quan điểm này, nhiều đại biểu cho rằng bộ nên làm tốt vai trò quản lý Nhà nước bằng cách giám sát các trường thực hiện, còn nên phân cấp cho các trường.
Trước ý kiến này, bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho hay bộ sẽ tiếp tục cải tiến thi cử theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, để giảm áp lực, giảm căng thẳng, tốn kém, bảo đảm quyền lợi và công bằng cho thí sinh. Trong năm 2010-2011, bộ sẽ tổ chức hội thảo chuyên đề về tuyển sinh và tham khảo ý kiến rộng rãi các trường, các sở GD-ĐT và trong toàn xã hội để xác định phương thức tuyển sinh hợp lý cho những năm sắp tới.
Xây dựng qui chế tuyển sinh đặc thù thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu của xã hội ở các khu công nghiệp tập trung, các vùng miền khó khăn.
Chuẩn đầu ra: vẫn là hình thức
Chỉ ra những yếu kém của các trường, bà Hà khẳng định về việc xây dựng chuẩn đầu ra, bộ đã có văn bản chỉ đạo về vấn đề này. Hầu hết các trường đã xây dựng. Nhưng qua theo dõi, thực tế các trường xây dựng chuẩn rất tốt nhưng các điều kiện đi kèm để chuẩn có thành chuẩn hay không thì còn phải bàn.
Bên cạnh đó, năm 2010, theo lộ trình, các trường phải có lộ trình chuyển sang đào tạo tín chỉ. Nhưng đến nay con số các trường thực hiện tốt mới chỉ có 42. Các trường khác có kế hoạch nhưng chưa có giải pháp.
Về đổi mới quản lý theo Chỉ thị 296 của Chính phủ, hầu hết các trường đã có báo cáo về vấn đề này. Nhưng kết quả đến đâu cũng cần phải xem lại.
Bà Hà lấy một ví dụ rất thực tế về việc “trên bảo dưới không nghe” của các trường. Đó là đổi mới quản lý phải thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ.
“Nhưng nếu tính ra, không có đơn vị nào giống Bộ GD-ĐT. Bộ đã gửi tới 2 lần liền công văn yêu cầu các trường gửi báo cáo. Nhưng đến nay mới chỉ có chưa đến 50% các trường gửi báo cáo về” - bà Hà bức xúc. Tuy nhiên, những yếu kém hạn chế mà Bộ GD-ĐT đưa ra được ông Nguyễn Đức Hưng, Phó giám đốc ĐH Huế cho rằng đó là “chuyện biết rồi khổ lắm nói mãi” nhưng các giải pháp mà bộ đưa ra giải quyết lại quá chậm.
Trước thực tế này, phát biểu tại buổi lễ tổng kết, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các trường phải chủ động tổ chức triển khai Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ một cách nghiêm túc.
Phó thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT rà soát thí điểm trên 30 trường tại 3 miền để có báo cáo cụ thể với Quốc hội ngay trong kỳ họp tới.

Nghiêm Huê