Thứ bảy, 7/3/2009, 13h03

Giáo dục trung cấp chuyên nghiệp: Để nâng chất lượng, cần đẩy mạnh đầu tư

Học nghề điện dân dụng Ảnh: TX

Cả nước hiện có 506 cơ sở đào tạo TCCN bao gồm 276 trường TCCN (trong đó có 71 trường TCCN ngoài công lập) và 230 trường CĐ, CĐ nghề, đại học và học viện có đào tạo TCCN. Quy mô đào tạo đã tăng gấp 2,4 lần (từ 255.000 học sinh năm 2.000 tăng lên 614.000 học sinh vào năm 2008) cho thấy vai trò quan trọng của bậc học TCCN hiện nay là hết sức quan trọng trong cơ cấu lao động xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh việc phát triển trên, chất lượng giáo dục TCCN và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực có trình độ TCCN ở các địa phương, cũng như hình thức đào tạo của bậc học này đang gặp nhiều khó khăn trong việc hội nhập và đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn xã hội.

Cần phải đào tạo theo nhu cầu xã hội

Tại ĐH Công nghiệp TP.HCM hội thảo về nâng cao chất lượng giáo dục TCCN do Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức đã diễn ra với nhiều ý kiến hết sức đáng lưu ý.Đánh giá chung của các đại biểu là: Chất lượng giáo dục TCCN nhìn chung vẫn còn thấp, nhiều ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu về kiến thức và kỹ năng thực hành mà xã hội cần. Chất lượng học sinh không đồng đều và biến động giữa các vùng, học sinh TCCN ra trường còn thiếu kỹ năng thực hành trên thiết bị công nghệ hiện đại, khả năng ngoại ngữ yếu kém, việc quản lý hệ thống trường nghề còn quá bất cập, chồng chéo. Chất lượng đào tạo so với yêu cầu của doanh nghiệp có khoảng cách… Đáng lưu ý là tình trạng cơ sở vật chất ở hệ thống các trường TCCN phục vụ việc học tập, thực hành còn quá yếu, ngân sách đầu tư cho giáo dục TCCN còn rất hạn chế, lại bị phân tán dàn trải, chồng chéo, chương trình đào tạo và giáo trình chưa được đổi mới, chất lượng giáo viên chưa đồng bộ, thiếu và yếu…

Trong bối cảnh còn nhiều bất cập, khó khăn này, thì vấn đề đòi hỏi phải nâng chất lượng giáo dục TCCN theo nhận xét của nhiều người không phải là một việc làm trong ngày một ngày hai. Muốn nâng cấp chất lượng giáo dục TCCN theo ý kiến nhiều đại biểu tại hội nghị chẳng còn cách nào khác là phải đẩy mạnh việc đào tạo theo nhu cầu xã hội, đào tạo có trọng điểm, mở rộng khung chương trình đào tạo, linh động hơn về khung học phí, nâng cao chất lượng phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất, đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác và đào tạo theo yêu cầu của Doanh nghiệp… Có vậy mới hy vọng nhanh chóng nâng chất giáo dục TCCN, đáp ứng đòi hỏi của xã hội.

TS Trần Thanh Xuân, một thành viên trong Ban quản lý KCN Đồng Nai đưa ra ý kiến rằng: Nếu Bộ GD-ĐT không nhanh chóng giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu các trường đào tạo theo nhu cầu Doanh nghiệp trong khi vẫn yêu cầu các trường giữ nguyên khung chương trình đào tạo thì rất khó để nói đổi mới, nâng chất. Theo TS Xuân học sinh trường nghề cần được chú trọng dạy học cái cần thiết, đào tạo sát với thực tế và nhu cầu xã hội hơn, thiết thực phục vụ cho công việc của mình sau này hơn là học một cách dàn trải (học nhiều môn không có tính hữu dụng). Bên cạnh đó TS Xuân cũng đề nghị các trường TCCN cần chú trọng việc nâng cao trình độ ngoại ngữ cho học sinh trường nghề nhiều hơn nữa, đồng thời đẩy mạnh việc hỗ trợ, đãi ngộ tốt hơn nữa cho giáo viên thì mới mong thực hiện được mục tiêu Bộ đề ra đó là nâng chất giáo dục TCCN. Còn theo Th.S Đinh Văn Đáng, hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Hà Nội và đại diện của Sở GD-ĐT Hà Nội thì việc muốn nâng chất giáo dục TCCN không thể không đẩy mạnh việc xã hội hoá giáo dục, đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc học tập, tăng cường ngân sách hàng năm cũng như cần siết chặt hơn nữa công tác tuyển sinh của các trường ngoài công lập .

Song song các việc làm trên theo đại diện sở GD-ĐT Hà Nội thì Bộ, Vụ Giáo dục chuyên nghiệp cần phải xác định rõ mục tiêu trọng điểm, cần phải làm ngay trong kế hoạch nâng chất giáo dục TCCN; đồng thời Bộ cần phải có chính sách phân rõ trách nhiệm ở tầm quản lý, tránh sự chồng chéo để giúp các Sở, trường chủ động hơn. Hiệu trưởng Trường TC Du lịch & Khách sạn Sài Gòn thì lại nhấn mạnh việc các trường phải xác định rõ mục tiêu dạy cái gì cho người học và người học cần cái gì để dạy cho họ hơn là đào tạo kiểu dàn trải, thiếu trọng tâm và tràn lan như hiện nay ở một số trường. Ông cũng đề nghị Bộ nên xem lại việc hiện nay có quá nhiều trường CĐ nghề ra đời khiến cho áp lực tuyển sinh của các trường TCCN ngày càng cao, làm cho chất lượng đầu vào của các trường TCCN ngày càng thấp, dẫn đến chất lượng đào tạo không cao. Việc liên kết đào tạo, đào tạo liên thông cũng cần được thông thoáng hơn để các trường thực hiện tốt nhiệm vụ nâng chất giáo dục TCCN.

Giải pháp nào?

Trả lời cho những thắc mắc, ý kiến đưa ra tại hội thảo, cũng như những đóng góp, hiến kế từ các Sở, các trường cho Bộ về kế hoạch nâng chất giáo dục TCCN, TS Hoàng Ngọc Vinh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cũng đồng tình với ý kiến của một vài đại biểu về việc phải thực hiện tốt hơn nữa công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, những bất cập của cái gọi là khung chương trình đào tạo mà Bộ đang quy định hiện nay với nhu cầu đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo vụ trưởng, dù hệ thống giáo dục TCCN còn một số bất cập, nhưng quan trọng nhất là bản lĩnh của người thầy. Theo vụ trưởng, nhà trường, giáo viên cần phải biết cái gì mình cần phải đổi mới, phải quyết tâm, sáng tạo để thực hiện tốt nhiệm vụ trên (nâng chất giáo dục TCCN).

Trong bối cảnh chất lượng giáo dục TCCN đang là vấn đề hết sức cấp thiết trước đòi hỏi của xã hội, doanh nghiệp như hiện nay, hầu hết đại biểu cho rằng ngoài những giải pháp mang tính chiến lược như: Đổi mới chính sách đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng và đãi ngộ giáo viên, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, đẩy mạnh việc đào tạo theo nhu cầu xã hội, đa dạng hoá các phương pháp giáo dục nghề nghiệp…thì cũng cần khuyến khích các địa phương nên có chính sách sử dụng lao động qua đào tạo nghề một cách hiệu quả và tốt hơn nữa. Bộ cũng cần yêu cầu các địa phương có biện pháp phân luồng tốt hơn nữa học sinh phổ thông vào các trường TCCN, hạn chế việc giao chỉ tiêu tuyển sinh với các trường ĐH, xây dựng một cơ chế thống nhất về quản lý để tránh sự chồng chéo, bất cập. Đặc biệt, Bộ cần phải yêu cầu các trường thường xuyên thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục, kiểm định và đánh giá chất lượng đào tạo “sản phẩm” đầu ra của mình thông qua các tổ chức kiểm định độc lập.

Góp ý về những giải pháp nhằm nâng chất giáo dục TCCN, theo bà Bùi Thị Ngọc Anh, chủ tịch HĐQT, hiệu trưởng Trường TCCN Kinh tế kỹ thuật Vạn Tường thì ngoài những giải pháp mang tính chiến lược trên, Bộ cần phải đi sâu vào cơ sở để hiểu hơn những khó khăn của các trường để nhanh chóng có những biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ. Tránh sự bất cập, bất công giữa trường công và trường ngoài công lập như hiện nay. Bên cạnh đó cần xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống đào tạo nghề nghiệp, trong đó tập trung đầu tư xây dựng trường, ngành đào tạo chất lượng cao cho một số ngành mũi nhọn phục vụ nhu cầu hội nhập và phát triển.

Anh Tú (GD&TĐ)