Thứ sáu, 8/3/2024, 23h06

Giáo viên cần thay đổi quan điểm “năm trước dạy bộ sách nào, năm sau chọn bộ sách đó”

Theo Tiến sĩ Trịnh Cam Ly - đồng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt, bộ Chân trời sáng tạo, hiện nay giáo viên cần mạnh dạn thay đổi quan điểm “năm trước dạy bộ sách nào, năm sau chọn bộ sách đó”, thể hiện rõ nét quyền chọn sách giáo khoa của mình.


Giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Thái Học nghiên cứu chọn sách giáo khoa lớp 5

Tại TP.HCM, theo tiến độ, việc chọn sách giáo khoa lớp 5, 9 và 12 sẽ được nhà trường hoàn tất trước ngày 10-3. Sau khi được UBND TP.HCM phê duyệt kết quả, các trường sẽ thông báo danh mục sách giáo khoa sử dụng trong các cơ sở giáo dục đến giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh trước ngày 30-4.

Theo Tiến sĩ Trịnh Cam Ly - đồng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt, bộ Chân trời sáng tạo, Thông tư 27 về chọn sách giáo khoa có sự khác biệt rất rõ rệt trong việc chọn sách. Đó là nhà trường được trao quyền chọn sách song đi từ chính tổ chuyên môn. Do đó, vai trò chọn sách giáo khoa của mỗi giáo viên - người trực tiếp sử dụng bộ sách - là cực kỳ quan trọng. Kết quả bỏ phiếu của tổ chuyên môn có tính chất quyết định việc sách giáo khoa nào sẽ sử dụng trong nhà trường trong năm học mới.

Tiến sĩ Ly nêu dẫn chứng: Trước đây, với Thông tư 01 nhà trường cũng được chọn sách giáo khoa song đến vòng cấp trường sẽ tiếp tục được bỏ phiếu để chọn. Song đến thông tư 27, việc bỏ phiếu chỉ dừng ở cấp tổ chuyên môn. Thành viên hội đồng trường chỉ phản biện, làm rõ hơn sự lựa chọn của giáo viên để đi đến thống nhất.

Hơn nữa, Thông tư 27 còn nhân văn ở chỗ giáo viên có quyền chọn lại sách giáo khoa đã lựa chọn sau một năm triển khai, áp dụng trên một đối tượng học sinh, sao cho hướng tới tính phù hợp nhất. Vì vậy, quyền chủ động chọn sách giáo khoa của giáo viên được thể hiện càng rõ nét.

“Với Thông tư 27 về chọn sách giáo khoa được áp dụng từ lần chọn sách giáo khoa lớp 5 này, các thầy cô hãy thể hiện quyền chọn sách giáo khoa của mình, thay đổi quan điểm rằng năm trước chọn bộ nào, năm sau phải chọn bộ đó. Giáo viên phải nghiên cứu thật kỹ, có trách nhiệm với lựa chọn của mình. Thậm chí trong cùng một khối lớp, các môn học cũng có thể chọn bộ sách khác nhau. Quan trọng nhất là tính phù hợp với đặc thù đối tượng học sinh, giáo viên. Bởi trên thực tế, cho dù học bộ sách nào thì hết một lớp, học sinh vẫn phải đạt chung yêu cầu cần đạt mà chương trình quy định về kiến thức, kỹ năng. Do đó, sẽ không có khó khăn gì nếu như khối lớp trước dạy bộ sách A chuyển sang khối lớp sau dạy bộ sách B” - Tiến sĩ Trịnh Cam Ly lưu ý.

Cô Đỗ Thị Kiều Hạnh - giáo viên mỹ thuật, Trường THCS Ngô Quyền (quận Tân Bình) - tác giả sách giáo khoa mỹ thuật lớp 8, 9 bản 1, bộ Chân trời sáng tạo cho hay, đặc điểm của cuốn mỹ thuật bộ Chân trời sáng tạo ở bậc THCS là có 5 hoạt động được trải dài trong mỗi bài học. Xuyên suốt cuốn sách ở mỗi khối lớp là các hoạt động trải nghiệm, học sinh học thông qua chính các trải nghiệm để phát triển phẩm chất, năng lực theo đúng mục tiêu mà Chương trình GDPT 2018 hướng tới.

“Sau 3 năm lựa chọn sách giáo khoa giảng dạy Chương trình GDPT 2018 ở các khối 6, 7, 8, thầy cô đã hình thành được trình tự của bài dạy trong môn học, học sinh cũng hình thành được cách học, cách thực hành. Do vậy, việc chọn sách ở khối lớp cuối cùng, giáo viên cũng cần quan tâm làm sao giúp học sinh hệ thống được kiến thức trong suốt quá trình bậc THCS, yếu tố kế thừa của các cuốn sách bộ môn trước đó mà các em đã học” - cô Hạnh nói.

Giáo viên chịu trách nhiệm với sách mình chọn

Ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, điểm mới của công tác chọn sách giáo khoa năm nay đó là thực hiện theo Thông tư 27 của Bộ GD-ĐT, trong đó rõ rệt nhất là giao quyền chủ động chọn sách giáo khoa cho từng cơ sở giáo dục. Mỗi thầy cô là nhân tố quan trọng nhất quyết định việc sách giáo khoa sẽ sử dụng trong đơn vị mình trong năm học tới, do vậy việc lựa chọn sách cần có trách nhiệm và chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình.  


Với tính trao quyền trong Thông tư 27, giáo viên sẽ chịu trách nhiệm với đầu sách mình lựa chọn

Theo ghi nhận, đến thời điểm này, các trường học tại TP.HCM đang hoàn tất các công đoạn chọn sách giáo khoa của đơn vị, đảm bảo theo đúng tiến độ.

Cô Bùi Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh) cho biết, sau thời gian nghiên cứu, đánh giá, bồi dưỡng, các tổ bộ môn nhà trường đã thống nhất chọn bộ Chân trời sáng tạo để sử dụng cho khối lớp 5 năm học 2024-2025.

Năm nay, việc chọn sách được thực hiện theo thông tư 27 với những điểm mới rõ rệt là giáo viên được quyền tự quyết bộ sách mình sẽ dạy, sao cho phù hợp nhất với học sinh của mình. So với trước đây, thông tư 27 đã “mở” rất rộng quyền chọn sách của thầy cô.

“Giáo viên là người trực tiếp đứng lớp giảng dạy nên sẽ đánh giá được sát nhất bộ sách nào là phù hợp để lựa chọn. Với thông tư 27, chọn sách nào, thầy cô sẽ dạy sách đó, và chịu trách nhiệm với bộ sách mình chọn. Tinh thần này được Hội đồng chọn sách giáo khoa của trường quán triệt đến tất cả giáo viên, đảm bảo rằng các đầu sách được chọn là sát sườn nhất với đặc thù học sinh, nhà trường…” - cô Yến chia sẻ.

Tương tự, các tổ bộ môn của Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1) đã thống nhất chọn bộ Chân trời sáng tạo sử dụng giảng dạy ở khối lớp 5 trong năm học 2024-2025.

Theo cô Trần Bé Hồng Hạnh - Hiệu trưởng nhà trường, nhà trường đang hoàn tất các công đoạn trong chọn sách giáo khoa theo quy trình. Để lựa chọn được sát nhất, phát huy hết tính ưu việt của thông tư 27, nhà trường cho giáo viên tiếp cận sớm các mẫu sách, đường link để thầy cô đọc, nghiên cứu, so sánh, đánh giá. Từng thầy cô phải có trách nhiệm với sách giáo khoa mình chọn vì đó là sách thầy cô sẽ trực tiếp giảng dạy…

Yến Hoa