Thứ sáu, 11/9/2009, 15h09

Giáo viên “chạy” theo sách giáo khoa: nên hay không?

Bài 1: Dạy bám sát chuẩn tối thiểu

Giờ giảng văn tại TTGDTX quận Tân Bình

Từ trước đến nay SGK được coi như một tài liệu bắt buộc để giáo viên (GV) bộ môn bám sát chương trình nhằm truyền tải kiến thức cho học sinh. Tuy nhiên trước nhu cầu đổi mới phương pháp dạy và phát huy tính tích cực của người học, sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ ban hành bộ tài liệu dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với cả bậc giáo dục tiểu học và trung học. Trong đó có việc GV không cần dạy hết những gì trong SGK.
Cây gậy… dẫn đường
Trước đây khi soạn bài, GV bộ môn thiếu rất nhiều tài liệu để tham khảo nhưng không thể thiếu SGK. Trước hết SGK không chỉ là toàn bộ kiến thức của một môn học mà còn là “kim chỉ nam” để thầy cô định hướng kế hoạch lên lớp theo đúng phân phối chương trình. Cũng có thể coi đó là “cây gậy dẫn đường” để GV không đi chệch “đường ray”, dạy bám sát nội dung hơn. Vì thế đã có một thế hệ GV luôn lấy SGK làm cuốn “cẩm nang” mang theo suốt cuộc đời dạy chữ của mình, xem chúng là những tri thức “bất di bất dịch”. Những tri thức đã được định lượng từ SGK bắt buộc người dạy không thể bỏ qua hoặc giản lược bất cứ một nội dung nào. Thầy Lê Đức Dân - một GV dạy văn bậc THPT từng tâm sự: “Có những tiết dạy tôi đã làm cho học sinh thích thú, cả lớp chú ý lắng nghe. Nhưng nhìn lại đồng hồ và dò theo giáo án thì còn các bước khác mình chưa thực hiện, thế là đành phải vội vàng “trở về với thực tế” dù biết các em vẫn còn muốn nghe thầy giảng tiếp”. Cách dạy khuôn phép đó thể hiện rõ nhất trong các tiết dự giờ. Nỗi lo của GV bộ môn không phải là truyền thụ kiến thức có hay hoặc học sinh có tiếp nhận được kênh thông tin từ GV… mà là ở chỗ dạy có khớp với SGK? Có đảm bảo đúng thời lượng lên lớp chưa? Vì thế một giờ dạy dù gặt hái được thành công nhưng chỉ cần bỏ sót qua một công đoạn hay mở rộng một vấn đề nào đó cũng bị chê trách thẳng thừng. Như vậy, khi đánh giá một tiết dạy người ta luôn đặt chuẩn hình thức lên trên chuẩn nội dung, coi trọng tính bài bản của từng bước thực hiện mà xem nhẹ tính vượt trội của khả năng sáng tạo của người thầy. Cách dạy này luôn “nhồi no” kiến thức cho học sinh với một kết cấu bài học theo kiểu kịch “tam duy nhất: không gian, thời gian và địa điểm tại một chỗ” mà không biết có em đang bị “bội thực”.
Qua các đợt tập huấn thay SGK trước khi bước vào năm học mới, phương pháp dạy học tích cực đã giúp giáo viên “cởi trói” được những ràng buộc cũ. Cô Nguyễn Thị Thu Ba – Phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu, TP.HCM trao đổi: “Nếu trước đây Bộ GD-ĐT quy định GV phải thực hiện đúng thứ tự và thời lượng tiết dạy trong 37 tuần học theo phân phối chương trình giảng dạy môn ngữ văn thì hiện nay đã cho phép GV có quyền gia giảm thời lượng hoặc thay đổi thứ tự bài giảng của chương trình”.
Giáo viên cần linh hoạt  
Có thể nói, việc cho phép GV có quyền gia giảm thời lượng đã giúp GV có cơ hội thoát ly khỏi cách truyền thụ kiến thức một chiều, lối dạy đọc - chép theo kiểu từ chương. Tuy nhiên khoảng không gian sáng tạo của người thầy vẫn chưa được “kéo dài biên giới”. Từ thực tế đó, sau “chiến dịch” thay SGK, Bộ GD-ĐT ban hành bộ tài liệu dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với bậc giáo dục tiểu học và trung học làm cho GV quan tâm vì tài liệu này cho phép người dạy có thể thoát ly SGK. Điều đó cũng đồng nghĩa là GV không cần truyền thụ hết những gì có trong SGK vốn từ trước đến nay luôn ràng buộc về mặt pháp lý. Thầy Đỗ Văn Minh – Hiệu trưởng Trường THCS Gò Vấp 2, TP.HCM bày tỏ: “Chúng tôi ủng hộ quan điểm này vì đây là quy định đem lại nhiều thuận lợi cho người dạy. Nếu có tài liệu hướng dẫn giảng dạy mới theo chuẩn kiến thức thì GV sẽ không bị trói buộc về những kiến thức mà SGK đã đưa vào”. Thực tế cho thấy, người biên soạn SGK luôn đề cập tới chuẩn tối thiểu phải đạt được trong quá trình dạy học nhưng không vì thế mà đi sâu được vào những chi tiết cụ thể. GV có kinh nghiệm đứng lớp có thể không cần trông cậy nhiều vào tài liệu hướng dẫn, họ tự “đong, đo, cân, đếm” được chuẩn tối thiểu của chương trình từng cấp, từng lớp để bám sát vào đó mà dạy. Những GV khá giỏi này luôn chủ động trong việc chọn lọc kiến thức để cho các em những “món ăn” luôn vừa bụng và hợp khẩu vị. Khi “cung đáp ứng được cầu” thì sự tiếp nhận tri thức có hiệu quả cao hơn, các tiết học luôn đem đến niềm vui và lực hấp dẫn cho người học. Ngược lại, nếu GV thiếu tầm xác định và bám sát chuẩn tối thiểu, luôn thụ động trong cách truyền thụ thì khi “chiếu” vào SGK họ thấy mình như “chim chích lạc vào rừng sâu” xem kiến thức nào cũng cần thiết, không biết “đãi cát tìm vàng” nên dạy ôm đồm, tham lam. Hậu quả là người học bị nhồi nhét kiến thức, luôn phải chịu áp lực quá tải. Đặc biệt với những em học sinh có học lực trung bình và dưới trung bình, việc dạy học vượt chuẩn tối thiểu làm cho các em khó tiếp thu kiến thức và dù có dạy nhiều thì cũng như “nước đổ lá khoai”.
Thực tế cho thấy, người biên soạn SGK luôn đề cập tới chuẩn tối thiểu phải đạt được trong quá trình dạy học. GV có kinh nghiệm đứng lớp có thể không cần trông cậy nhiều vào tài liệu hướng dẫn, họ tự “đong, đo, cân, đếm” được chuẩn tối thiểu của chương trình từng cấp, từng lớp để bám vào đó mà dạy. Họ luôn chủ động trong việc chọn lọc kiến thức để cho các em những “món ăn” luôn vừa bụng và hợp khẩu vị, các tiết học luôn hấp dẫn cho người học. Ngược lại, GV thiếu tầm xác định và bám sát chuẩn tối thiểu thì khi “chiếu” vào SGK họ thấy mình như “chim chích lạc vào rừng sâu” xem kiến thức nào cũng cần thiết, không biết “đãi cát tìm vàng” nên dạy ôm đồm, tham lam.
 
Phan Ngọc Quang
Bài 2: Phải biết “rút tỉa” kiến thức từ SGK