Thứ hai, 23/5/2011, 09h05

Giáo viên phải tham gia phòng chống… game

Chiều 20-5, tại TP.HCM, Bộ GD-ĐT phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức Hội thảo triển khai chương trình hành động phòng chống tác hại của trò chơi trực tuyến đối với học sinh sinh viên (HSSV).
Game lành mạnh và bạo lực đều xấu
Ông Dương Văn Bá - Phó vụ trưởng Vụ Công tác HSSV, Bộ GD-ĐT cho biết: “Tỷ lệ HSSV chơi game rất nhiều, không ít HSSV trả lời một tuần chơi tới 5-10 lần, mỗi lần vài tiếng đồng hồ. Nói về hậu quả của game thì ngay cả Chính phủ cũng phải khẳng định là HSSV đánh nhau một phần xuất phát từ game. Hiện ở Bệnh viện Tâm thần Hà Nội có không ít HSSV đang điều trị. Nhiều SV năm thứ nhất học giỏi, năm thứ hai bắt đầu chơi game, năm thứ ba thì bỏ học vào bệnh viện nằm”…
Một cuộc khảo sát với 3,5 ngàn HSSV trên địa bàn TP.HCM cho thấy, game là một hình thức giải trí của hầu hết HSSV. Trong số 1,8 ngàn HSSV nữ thì có tới 600 em cho biết có chơi game.
Cô Nguyễn Phạm Minh Thu – Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương tâm tư: “Trước đây, giờ chuyển tiết HS vui vẻ tham gia các trò chơi. Nhưng bây giờ các em nằm nghỉ, hỏi thì trả lời là do chơi game. Những em chơi mà được gia đình quan tâm thì sức học tạm được. Những em không được cha mẹ quan tâm thì việc học hành ngày càng sa sút. Thứ bảy, chủ nhật nhà trường tổ chức sinh hoạt ngoại khóa rất khó tập hợp HS. Các em cho biết ở nhà chơi game thích hơn. Theo tôi, game dù lành mạnh hay không thì cũng có tác hại. Cụ thể như con tôi chơi game đá banh, nếu không có game đá banh con tôi sẽ ra sân đá banh thật với các bạn vừa có sức khỏe vừa được giao lưu với bạn bè. Vì vậy chúng ta nên cấm hẳn game…”.
Không đồng ý với quan điểm của cô Thu, ông Mai Sĩ Nhật – Trưởng phòng Công tác HSSV, Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định: “Trường học không phải là một ốc đảo, xã hội có cái gì thì nhà trường có cái đó. Vì vậy, giáo viên không nên cực đoan quá, không thể cái gì không quản lý được cũng nói cấm. Vấn đề của ngành GD-ĐT là giáo dục, tuyên truyền để hạn chế tác hại của game. Nhà trường bây giờ không chỉ dạy chữ mà còn dạy người”.
Tuy vậy, ông Nhật cũng phải thừa nhận rằng một khi đã nghiện game rồi thì dù là game bạo lực hay game đá banh, cờ tướng cũng đều xấu. Vì nghiện game, HSSV sẽ trốn học, thậm chí bỏ học. Nghiện game các em cũng có thể bỏ ăn, bỏ ngủ có hại cho sức khỏe… Đó là chưa kể nếu nghiện game bạo lực, HSSV trở nên máu lạnh, vô cảm, giết người không nhát tay.
Muốn HSSV không chơi game thì giáo viên phải biết chơi
Trước những bức xúc của dư luận về game, ngày 7-4-2011, Bộ GD-ĐT đã có Quyết định số 1387 ban hành Chương trình hành động về phòng, chống tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh đối với HSSV giai đoạn 2011-2015. Chương trình sẽ được triển khai vào năm học mới 2011-2012.
Mục tiêu của chương trình là: 100% cán bộ, giáo viên và HSSV nhận thức được tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh; 100% HSSV ký cam kết với nhà trường và các tổ chức đoàn thể không tham gia trò chơi này; 100% phụ huynh học sinh (PHHS) ký cam kết với nhà trường quản lý không để HS chơi các trò chơi này.
Để đạt được những mục tiêu này, theo ông Trần Khắc Huy – Trưởng phòng Công tác HSSV Sở GD-ĐT TP.HCM thì: “Nhà trường phải tăng cường hoạt động Đoàn – Đội. Chúng ta cấm cái này thì phải mở cái kia, phải tổ chức nhiều hoạt động vui chơi để HSSV tự nguyện xa rời game. Ngoài ra, nhà trường còn phải giáo dục kỹ năng sống cho HSSV. Trên thực tế, nhiều HS chưa biết từ chối cái xấu, thậm chí học theo cái xấu rất nhanh”…
Thầy Trần Thanh Phượng – Phó hiệu trưởng Trường THPT Thanh Đa chia sẻ: “Tôi đã nhiều lần tiếp xúc với HS và PHHS do HS nghiện game. Có PH cho biết, trước đây HS chơi game ở nhà, gia đình cắt internet, em này ra ngoài chơi. Giờ tan học, PH tới đón không thấy HS, chạy đi tìm thì thấy con trong tiệm net. Tôi nói với PH không cho con tiền ăn sáng mà hãy nấu hoặc mua cho con ăn; dẫn HS tới tiệm net mà các em hay chơi và nói với chủ tiệm rằng nếu nó chơi thì không cho chơi, chơi nợ tiền gia đình không trả. Với cách làm này, tình trạng HS bỏ học chơi game, ngủ gật trong lớp (do chơi game) đã giảm đáng kể”.
Trong khi đó, ông Bá khẳng định: “Ngành GD-ĐT có trách nhiệm quản lý HSSV trong giờ học, tuyên truyền để PHHS hiểu và cùng nhà trường quản lý HS để hạn chế những tác động xấu của game. Riêng giáo viên phải biết được game là như thế nào, nội dung của trò chơi ấy ra sao để giáo dục, định hướng cho HS. Giáo viên mà không biết game thì làm sao nói HS nghe…”.
Hòa Triều