Thứ hai, 22/4/2024, 21h42

Giáo viên TP.HCM phải có… thường trú tại TP mới được vay vốn ưu đãi mua nhà

Giáo viên TP.HCM có cơ hội vay vốn ưu đãi tạo lập nhà ở của Quỹ Phát triển Nhà ở TP.HCM, với mức vay tối đa là 900 triệu đồng và không quá 70% giá trị căn nhà/căn hộ. Thời gian vay tối đa 20 năm, lãi suất cho vay 4,7%/năm và được tính theo dư nợ giảm dần.


Nhu cầu mua nhà ở của giáo viên TP.HCM là rất cao để ổn định cuộc sống, an tâm công tác

Ngày 22-4, Quỹ Phát triển Nhà ở TP.HCM đã có công văn gửi Sở GD-ĐT TP.HCM về việc hỗ trợ phổ biến, tạo điều kiện cho cán bộ công chức, viên chức vay tiền tạo lập nhà ở.

Theo đó, ông Ngô Tấn Phát - Phó Giám đốc Quỹ Phát triển Nhà ở TP.HCM cho biết, quỹ đang triển khai chương trình cho vay vốn ưu đãi tạo lập nhà ở dành cho đối tượng hưởng lương từ ngân sách thành phố.

Để có thể vay vốn ưu đãi tạo lập nhà ở, ông Ngô Tấn Phát cho biết người vay phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Tại thời điểm vay tiền, người vay (gồm người đứng tên vay cùng vợ hoặc chồng) không đứng tên sở hữu về nhà ở, quyền sử dụng đất ở, và bản thân cũng như vợ/chồng chưa từng được nhà nước giải quyết các chính sách về nhà ở, đất ở. Riêng trường hợp được nhà nước giải quyết cho mua nhà ở xã hội thì vẫn được xem xét vay tiền tại Quỹ theo chủ trương của UBND TP.

- Về nơi cư trú: Người vay tiền tại Quỹ phát triển Nhà ở thành phố phải có nơi thường trú tại TP.HCM.

- Người vay tiền phải có thời gian làm việc từ 3 năm liên tục trở lên. Thời gian công tác được tính bao gồm cả thời gian trước đó đã làm việc tại đơn vị cùng thuộc khu vực hưởng lương ngân sách thành phố.

- Người mua nhà phải có khả năng tài chính trả trước tiền mua nhà tối thiểu là 30% giá trị căn nhà/căn hộ và chứng minh nguồn thu nhập ổn định để trả vốn và lãi vay.

Ông Ngô Tấn Phát thông tin thêm, hạn mức vốn vay ưu đãi tạo lập nhà ở có mức cho vay tối đa hiện nay là 900.000.000 đồng/hồ sơ, nhưng không quá 70% giá trị căn nhà/căn hộ. Về thời hạn cho vay tối đa 20 năm. Lãi suất vay hiện nay Quỹ đang áp dụng mức lãi suất cho vay là 4,7%/năm. Lãi vay được tính theo dư nợ giảm dần.

Tài sản thế chấp khoản vay bằng chính căn nhà/căn hộ dự kiến mua có giấy tờ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

“Chính sách cho vay vốn tạo lập nhà ở dành cho cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách thành phố rất có ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội, mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội của thành phố, đồng thời giúp cho cán bộ công chức, viên chức có nhà ở ổn định, yên tâm công tác. Do vậy, để hỗ trợ tạo điều kiện cho cán bộ công chức, viên chức trong ngành giáo dục có điều kiện vay vốn tạo lập nhà ở, Quỹ rất mong lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, Ban chấp hành Công đoàn ngành giáo dục TP.HCM hỗ trợ phổ biến thông tin đến cán bộ công chức, viên chức…” - Phó Giám đốc Quỹ phát triển Nhà ở TP Ngô Tấn Phát nhấn mạnh.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cũng đã có thông tin đến Phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức và các quận, huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở yêu cầu thực hiện triển khai đến toàn thể đơn vị tham khảo nội dung chương trình, đối tượng, điều kiện và chính sách cho vay ưu đãi tạo lập nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức. Trường hợp có nhu cầu, cá nhân tự tham khảo chi tiết nội dung chương trình và liên hệ trực tiếp với Quỹ Phát triển nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh để được hướng dẫn cụ thể.

Ràng buộc “thường trú” khiến giáo viên khó khăn khó tiếp cận chính sách

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về chương trình cho vay vốn ưu đãi tạo lập nhà ở dành cho đối tượng hưởng lương từ ngân sách thành phố, nhiều giáo viên thành phố “chưa kịp mừng đã vội lo” vì yêu cầu: “Phải có nơi thường trú tại TP.HCM” mới đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi mua nhà gần như là quá khó với hầu hết giáo viên… có nhu cầu mua nhà.

Thầy Huỳnh Thanh Phú  - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) cho biết, trong tổng số hơn 103 công chức, viên chức đang công tác tại trường thì có khoảng 12 giáo viên đã gắn bó với trường trên 10 năm, đang phải đi thuê nhà, hầu hết đều có gia đình, con nhỏ và đều là người ở các tỉnh thành khác…

“Việc hỗ trợ thầy cô vốn vay ưu đãi để tạo lập nhà ở là chính sách nhân văn, ý nghĩa của thành phố nhưng theo tôi cần nghiên cứu, mở rộng đối tượng thụ hưởng của chính sách, để làm sao những thầy cô khó khăn nhất, có nhu cầu mua nhà nhất được tiếp cận chính sách, để thầy cô ổn định cuộc sống, an tâm công tác, gắn bó. Những thầy cô thường trú tại TP.HCM thì thực sự là đã có nhà ở TP.HCM, hầu hết sẽ không gặp khó khăn về nhà ở” - thầy Phú kiến nghị.

Cô T - giáo viên một trường THCS trên địa bàn TP.Thủ Đức cùng chồng và 2 con hiện đang thuê nhà với mức thuê 3 triệu đồng/tháng. Cô cho biết, chi phí thuê nhà cùng sinh hoạt phí của cả gia đình đã ngốn hết tháng lương của cô, việc học tập của các con chỉ phụ thuộc vào chồng hiện cũng là giáo viên một trường THCS khác…

“Hơn 10 năm gắn bó với ngành giáo dục, mong ước có nhà tại TP.HCM để ổn định cuộc sống, gắn bó công tác luôn là mơ ước của vợ chồng, để không còn cảnh thỉnh thoảng lại phải chuyển chỗ trọ…” - cô T. tâm tư.

Tại TP.HCM, từ năm 2017, ngành giáo dục đã bỏ quy định điều kiện về hộ khẩu thường trú trong tuyển dụng viên chức giáo dục với tất cả các bậc học, từ đó thu hút được đông đảo giáo viên từ các tỉnh thành bạn về gắn bó, công tác và cống hiến cho ngành giáo dục. Trong đó có không ít giáo viên giỏi.

Ông Tống Phước Lộc - Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, từ sau khi bỏ quy định về hộ khẩu trong tuyển dụng giáo viên, trong mỗi mùa tuyển dụng giáo viên hàng năm, ngành giáo dục đã thu hút được rất lớn người lao động từ các tỉnh thành bạn. Từ đó giúp ngành giáo dục không chỉ phần nào giải quyết được bài toán về thiếu giáo viên mà còn thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng…

Yến Hoa