Thứ bảy, 18/11/2017, 17h19

Gọi trẻ đến trường

Thầy Nguyễn Mai Trọng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Phùng - nói: “Nếu không có những tấm lòng vì trẻ em đồng bào vùng cao như ông Hồ Doi, bao nhiêu năm qua, không chỉ nhà trường gặp phải muôn vàn khó khăn trong công tác vận động trẻ đến trường mà nhiều con em miền biên viễn này đứt gánh chữ”.

Hồ Doi lặn lội vào các bản làng xa xôi để động viên trẻ đến trường

Những bước chân “gọi” chữ

Ngôi nhà của cựu chiến binh Hồ Doi nép mình bên cung đường Trường Sơn, đoạn qua trung tâm xã Hướng Phùng (huyện miền núi Hướng Hóa, Quảng Trị). Một chiếc tủ gỗ được kê ngay ngắn bên dưới đựng những cuốn sổ với ngổn ngang nét mực cũ, mới. Hồ Doi nói, đó là “tài sản” ghi dấu bao nhiêu năm ông đồng hành cùng công tác khuyến học của xã nhà, gọi trẻ đến trường. Vừa tiếp khách, Hồ Doi vừa lật lại cuốn sổ chi chít nét chữ, kiểm đếm lại những trường hợp chưa kịp đến vận động, ông rủ chúng tôi cùng theo. Những cung đường đất dẫn vào bản ngoằn ngoèo, đôi khi chỉ là một vệt mòn đủ đặt bàn chân trên bạt ngàn cây dại, khi lao dốc, lúc lại băng qua suối. 70 tuổi, đôi tay ông vẫn vững vàng tay lái cho chiếc xe máy qua những cung đường núi hiểm trở. Hành trình gọi trẻ của Hồ Doi cứ thế đã ngót 20 năm có lẽ: “Hồi trước bản làng heo hút, chỉ toàn đi bộ thôi, hôm nào không về kịp thì ở lại với bà con. Lần đầu thuyết phục không được, thì quay lại lần 2, lần 3… cho đến khi thấy trẻ mang sách vở đến lớp mới thôi. Ngày trước chiến tranh, mình không được học đã đành, nay hòa bình rồi, các cháu phải biết cái chữ”, ông nói.

Hồ Doi ngừng câu chuyện, dựng xe trước sân ngôi nhà sàn cheo leo sườn dốc ở bản Xa Ry. Một người đàn ông nước da đen nhẻm chạy nhanh xuống bậc thang gỗ, cười tươi: “May mà có bác động viên, mấy hôm nay cháu nó đã đến trường đều đặn rồi. Nó còn bảo bố chuẩn bị bới thêm cơm trưa để ở lại học nữa”. Anh tên là Hồ Văn Rai, có 3 con đều theo học tiểu học, đời sống kinh tế khó khăn, đường xa nên con đường đến trường của ba đứa trẻ khá nhọc nhằn, và có lẽ đã đứt đoạn nếu thiếu đi sự quan tâm của thầy cô Trường TH Hướng Phùng và ông.

Thầy Nguyễn Mai Trọng chia sẻ, dù việc vận động học trò đến trường không còn khó khăn như nhiều năm trước nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước… Nhưng đâu đó ở vùng núi cao như Hướng Phùng với địa hình hiểm trở, công tác vận động phải thực hiện thường xuyên để đảm bảo không có tình trạng trẻ bỏ học giữa chừng. Để vận động được, phải dựa vào những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để bà con tin tưởng. “Bác Hồ Doi là nhân tố quan trọng trong công cuộc vận động ấy, nhất là trong việc vận động học trò mang cơm trưa đến trường theo mô hình bán trú dân nuôi”, thầy Trọng nhấn mạnh.

Khát vọng cho người khác

Trên cung đường gọi trẻ đến trường, Hồ Doi hào hứng điểm lại những dấu mốc cuộc đời dày đặc những con số về tháng ngày và những vị trí công tác khác nhau từ quân ngũ cho đến Chủ tịch xã, rồi Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội khuyến học xã… Mỗi vị trí công tác trong ký ức ông đều xâu chuỗi bởi niềm trăn trở về sự học ở vùng cao.

Sinh ra và lớn lên ở rẻo cao Hướng Phùng, năm 1973, chàng trai Vân Kiều Hồ Doi tham gia quân ngũ, là một chiến sĩ công an vũ trang thuộc đồn Biên phòng Cù Bạc đóng ở xã Vĩnh Hà (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị). Đến tháng 2-1975, khi các đồn Biên phòng đóng dọc tuyến Trường Sơn như Đồn 56, Đồn 57 và Đồn 241 (còn gọi là Cù Bạc) sát nhập với nhau dưới tên gọi Đồn Sen Bụt - đóng chân ở địa bàn xã Hướng Phùng, quê hương ông. Hồ Doi chuyển về công tác tại đây. Một tháng sau ngày về Sen Bụt, ông được cử theo học lớp trung cấp y tế kéo dài hơn 2 năm tại Trường Hậu cần Quân Khu 4 (tỉnh Thừa Thiên Huế). Kết thúc khóa học với nghề y tương đối vững, ông trở về làm nhiệm vụ của một y tá chăm lo công tác y tế cho các đồng đội và khám chữa bệnh cho bà con xã nhà.

Hồ Doi kể: “Những năm tháng sau giải phóng, bố được đơn vị tạo điều kiện cho học hành, rồi đi nhiều nơi. Đất nước hòa bình, khắp nơi phát triển thì bố lại ước mong những đứa trẻ quê mình biết chữ. Nhìn những chiến sĩ quân hàm xanh miệt mài với công tác xóa mù cho bà con, bố mừng cái bụng lắm. Lúc đó chưa có điều kiện nhưng luôn tâm niệm sẽ góp chút công sức vào việc xóa mù”. Thế là mỗi dịp về bản khám bệnh cho bà con, ngoài việc tuyên truyền xóa bỏ hủ tục tin vào con ma rừng, thầy cúng đuổi bệnh tật, Hồ Doi còn động viên con trẻ đến trường. Ông kể về những ngôi trường ở thành phố, những ánh đèn điện sáng rực và những cô cậu tân sinh viên lên giảng đường thực hiện ước mơ đỗ đạt… “Mưa dầm thấm lâu, ban đầu bà con và bọn trẻ không tin, nhưng lâu dần họ hiểu ra và tìm đến lớp học”, Hồ Doi nói.

Băng rừng, xin trường cho trẻ

Nhưng cậu chuyện gọi trẻ đến trường của Hồ Doi chưa dừng lại ở đó. Tâm nguyện của người con sinh ra và lớn lên bên dãy Trường Sơn hùng vĩ này là sự học cần được tiếp nối mạnh mẽ hơn, vượt ra ngoài mục tiêu xóa mù. Năm 1993, Hồ Doi nghỉ hưu, ông về làm công tác ở thôn, xã. Đó chính là những tháng ngày ngọn lửa khuyến học trong ông có dịp bùng cháy, thỏa ước nguyện ấp ủ bấy lâu. “Những năm tháng đó nhắc đến Hướng Phùng, không ai hình dung được sự hẻo lánh, cách biệt nếu chưa đặt chân đến. Bố về hưu, tham gia vào công tác chính quyền địa phương là bắt tay vào vận động trẻ đến trường”. Những năm 2000 trở đi, ông liên tục giữ các vị trí chủ chốt của xã từ phó cho đến Chủ tịch xã, ngoài việc chú trọng phát triển kinh tế, ông dành mối quan tâm lớn nhất cho giáo dục. Hồi đó, xã đã có 6 cô giáo từ miền xuôi lên cắm bản. Những buổi đầu thiếu thốn trăm bề, dân bản mỗi nhà người góp công, người góp của cùng nhau dựng lên những căn chòi lá đơn sơ làm nơi ăn chốn ở cho các cô. Lán dựng xong không được bao lâu thì mưa rừng gió núi làm tả tơi. Đông cũng như hè, trời sập tối là sương giăng tận giường ngủ. Lòng những cô giáo trẻ miền xuôi đôi khi lung lạc. Lòng Hồ Doi cũng như lửa đốt. “Quan trọng nhất là có thầy giáo, có học trò, và phải đảm bảo nơi ăn ở, học hành mới nghĩ xa đến giáo dục được”, Hồ Doi bộc bạch. Hôm sau, ông cùng Hiệu trưởng Trường TH Hướng Phùng lúc bấy giờ, khăn gói, băng rừng tìm đường về phố, tìm đến lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở GD-ĐT trình bày ý kiến, xin kinh phí xây trường. 

Hai mươi năm qua, Hồ Doi vẫn âm thầm nhen lên ngọn lửa khuyến học giữa đại ngàn Trường Sơn 

Xin được tiền xây trường nhưng tới lúc đó lại nảy sinh thêm vấn đề đau đầu khác. Đó là lấy quỹ đất đâu để xây? Thế là hàng chục cuộc họp dân được Hồ Doi mở ra để phân tích, vận động bà con hiến đất. Luôn là người đi trước, làm đầu nên Hồ Doi được chữ tín với bà con, cuối cùng cuộc vận động đi đến kết quả thuận lợi. Ba tháng sau đó, ngôi trường mang tên trường dành cho cả hai bậc TH và THCS Hướng Phùng được xây dựng khang trang trên một quả đồi cao, ngay trung tâm xã, thuận tiện cho việc đến trường của các em học sinh. Tỷ lệ trẻ đến trường ngày càng cao, Trường TH và THCS tách riêng cơ sở để mở mang thêm trường lớp. Hồ Doi hồ hởi: “Từ 6 cô giáo và những em học trò đầu tiên, đến nay Trường Tiểu học Hướng Phùng có 32 lớp học với hơn 600 em học sinh, chia thành 5 cụm: 1 cụm chính và 4 cụm lẻ. Tỷ lệ phổ cập luôn đạt trên 95%. Tính trong thời gian khoảng chục năm trở lại đây, trong xã đã có hàng trăm em theo học hết cấp 3, nhiều em thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ trở về công tác tại địa phương”.

Có trường, rồi Hồ Doi nghỉ phụ trách Chủ tịch xã, chuyển về làm Chủ tịch Hội CCB, tham gia công tác khuyến học… ông vẫn miệt mài đi gọi trẻ ở những bản làng xa xôi. Xã có đường biên giới giáp nước bạn Lào dài 25 cây số, có 13 thôn bản, bản xa nhất cũng ngót chục cây số heo hút giữa rừng. Dù điều kiện đường sá, đời sống kinh tế đã khá hơn, phụ huynh ý thức hơn trong việc cho con đến trường nhưng Hồ Doi vẫn đều đặn cùng các thầy cô giáo Trường TH Hướng Phùng tìm đến tận từng nóc nhà có trẻ trong độ tuổi, mỗi khi cần.

Hồ Doi chậm rãi thổ lộ từng câu khi đưa tiễn chúng tôi: “Giờ đường sá thông suốt rồi, bản xa nhất cũng đã có đường vào. Vì vậy, đôi chân của bố không việc gì phải dừng lại cả, cứ thế mà đi thôi. Tới các bản làng xa nhất, nói cho bà con hiểu, động viên con cháu tới trường học cái chữ. Chỉ có cái chữ mới đem lại hy vọng về tương lai, bắt kịp với miền xuôi…”.

Phan Vĩnh Yên