Thứ sáu, 2/1/2009, 10h01

GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức VN: Chất lượng GD: yên tâm về “mũi nhọn” !

 

GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục khi trao đổi với chúng tôi về Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục năm 2009 - 2020 đã bày tỏ rất nhiều trăn trở và tâm huyết với nền giáo dục nước nhà…
GS có nhận xét gì về nền giáo dục Việt Nam hiện nay?
Trong chiến lược, chúng ta phải xác định nền giáo dục của Việt Nam đang đứng chỗ nào. Phải nhìn vào thực tế, hệ thống GD quốc dân sau nhiều cuộc chiến tranh liên miên và sau 20 năm đổi mới, có 22 triệu HS SV/hơn 80 triệu dân là một con số rất lớn, không thể nói là khủng hoảng. Vì vậy, Chiến lược này cần đưa ra những giải pháp để giải quyết dứt điểm “các điều kiện đầu vào” của hoạt động dạy - học. Bởi vấn đề lo nhất là mục tiêu đào tạo. Theo tôi, trong báo cáo này cần đề cập đến triết lý giáo dục, vì từ lâu dân ta có truyền thống hiếu học và có triết lý dạy dỗ con em mình, nhất là tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng ta về giáo dục trong suốt 70 năm qua. Nhờ vậy, ta mới có hệ thống giáo dục quốc dân như ngày nay.
Theo GS cần làm gì để đánh giá khách quan chất lượng GD?
Chúng ta nên đánh giá từng cấp học riêng ra, vì chất lượng các cấp học hiện nay rất khác nhau. Chẳng hạn, ở Tiểu học không có nhiều vấn đề, nhưng ở ĐH lại quá nhiều gay cấn. ở THCS hầu như không có vấn đề nổi cộm lắm. Các trường THPT chuyên(mũi nhọn) nhiều em đạt đỉnh cao (thi Olympic Toán quốc tế VN luôn đứng ở tốp 10…). Gần 20 năm nay giữa trường THPT chi nhánh của Liên Hiệp Quốc, con em cán bộ Liên Hiệp Quốc của ta học ở đó, có những thầy giáo vừa dạy toán ở trường Việt vừa dạy trường quốc tế, thầy nói toán cấp 3 ở ta khó hơn. Có một vấn đề ở phổ thông là việc phân luồng. Phần lớn HS ngay từ lớp 9, lớp 10 đã chỉ có một mục tiêu là vào ĐH,CĐ. Nhưng ở ĐH lại quá nhiều vấn đề: SV tốt nghiệp các trường kỹ thuật nổi tiếng đạt trình độ kỹ sư có thể hành nghề được chỉ đạt 10-30%. Tại các chợ lao động cao lắm 30% người dự tuyển được tuyển. Hiện nay, yếu kém nhất là dạy nghề. Những năm sắp tới cần phát triển trường nghề. ở các nước tiên tiến cứ 1 ĐH-4 CĐ-10 TC còn ở ta tỷ lệ đó lại là ngược lại. Đồng thời, cũng cần đánh giá chất lượng giáo dục của các khu vực như thành thị, nông thôn, vùng khó khăn.
Theo CLGD dự thảo 13, nâng tỷ lệ SV trên một vạn dân là 450 vào năm 2020 liệu có đạt được không, thưa GS?
Tôi sợ từ nay đến 2020 mà nâng từ 180 lên 450, tức là 2,5 lần, sợ không đảm bảo được chất lượng (trước hết là đội ngũ, số SV sẽ lên khoảng 5 triệu, số CBGD phải gần 200.000, 30% số này phải là TS, tức là phải có 50.000 TS, kế hoạch đào tạo theo văn bản này là 20.000 TS, số đã được đào tạo là 16.000 TS, số còn đang làm việc khoảng dưới 10.000, tức là mới được gần 50.000 - mâu thuẫn ngay trong Chiến lược. Chưa kể tới trường lớp, cơ sở vật chất... Rồi chuyện xếp hạng nữa, ai xếp hạng? Nhân đây, tôi băn khoăn mục tiêu năm 2020 ta có 5 trường ĐH xếp hạng trong số 200 trường ĐH hàng đầu thế giới, tôi sợ không thực tế với tất cả những gì chúng ta đang có trong hiện tại. Hàn Quốc hiện đã có ĐH cao vời vợi, cũng tính khoảng 50 năm nữa mới có trường đứng vào tốp đầu thế giới. Nước Nga giờ cũng mới có 1-2 trường được xếp vào tốp 200. Chúng ta đang quá nặng về quy mô, bởi điều kiện đảm bảo cho chất lượng hiện đang rất thiếu thốn. Ngay như năm học này là năm Công nghệ thông tin nhưng máy tính không có là bao nhiêu. Thêm nữa, tài liệu giảng dạy trong các trường chỉ được khoảng 50%. Ngay cả những môn giỏi như môn Vật lý (ĐH KHTN), tài liệu giảng dạy không có.
Vậy “những việc cần làm ngay” là gì, thưa GS?
Trong thời gian tới, dù cải cách hay đổi mới toàn diện, triệt để, trong một thời gian không dài phải ổn định được tình hình GD-ĐT. Trước hết, chúng ta phải giải quyết 3 vấn đề: điều kiện về cơ sở vật chất (trường phải ra trường); đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục phải đủ tiêu chuẩn; ổn định chương trình - sách giáo khoa thì mới nói được đến chất lượng. Trước hết về chương trình SGK, cần có một bộ SGK phổ thông ổn định để yên lòng giảng dạy trong 10 năm như kinh nghiệm của thế giới, được đảm bảo về chất lượng (về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội đạt trình độ hiện đại của các nước phát triển và nước ta; không đổ lỗi về khoa học,về văn phạm, đảm bảo tính văn phạm, tiến tới Nhà nước cung cấp SGK cho HS... Bên cạnh đó là việc phổ cập giáo dục; chủ trương “tự chủ, tự chịu” trách nhiệm bị lợi dụng, nhiều tiêu cực; với các trường có yếu tố nước ngoài hoặc có yếu tố nước ngoài Bộ KHĐT cho phép mở, hầu như buông lỏng quản lý nội dung GD… Nên cân nhắc việc “dạy song ngữ Anh- Việt ở một số môn học”, có thể chỉ nên bắt đầu ở một số trường như trường chuyên...
Xin trân trọng cảm ơn GS!
Thảo Nguyên (GD&TĐ)