Thứ bảy, 13/5/2017, 22h07

Hết mình vì tình yêu lịch sử

Không chỉ là giáo viên giỏi môn lịch sử cấp thành phố, thầy Nguyễn Mạnh Cường còn là thạc sĩ chuyên ngành lịch sử Việt Nam, làm Tổ trưởng bộ môn, Trưởng ban Văn nghệ và là MC của TT GDTX quận Tân Bình, TP.HCM. Đồng nghiệp nói vợ chồng thầy là “trời sinh một cặp”, vì vợ thầy - cô Nguyễn Thị Hơn cũng là giáo viên giỏi môn sử và cũng là “cây văn nghệ” của Trường THPT Trần Quang Khải (quận 12) nơi cô đang công tác.

Vợ chồng thầy Cường cùng con gái (ảnh nhân vật cung cấp)

Phương pháp giảng dạy hấp dẫn

Có thể nói, niềm yêu thích lịch sử nước nhà của thầy Nguyễn Mạnh Cường đã được nhen nhóm từ khi còn ấu thơ. Do đó, mặc dù là học sinh (HS) chuyên văn của Trường chuyên Hạ Long (TP.Hạ Long), nhưng niềm đam mê và yêu thích môn lịch sử đã thôi thúc chàng thanh niên trở thành sinh viên Khoa Lịch sử của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vào năm 1995.

Sau khi tốt nghiệp ĐH, vào năm 1999 cho đến năm 2006, chàng cử nhân trẻ trở thành giáo viên dạy sử của các trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Thủ Dầu Một, Bình Dương), Hermann Gmeiner (Gò Vấp), THPT Hòa Bình (Tân Bình), Trường Trung học quốc tế Á Châu (quận 3), Trung học quốc tế Khai Sáng (quận 7)… Tuy giảng dạy ở nhiều nơi, dù tâm lý HS không trọng môn phụ nhưng không khiến cho thầy Cường nản lòng. Năm 2006, nhận lời mời của cô Đoàn Thị Nga (Phó Giám đốc TT GDTX quận Tân Bình), thầy đã nhận công tác và giảng dạy cho đến nay. Trong một môi trường mới, nhờ nỗ lực học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp và tự tìm tòi để kiện toàn phương pháp giảng dạy, nên các tiết học sử của thầy Cường ngày càng trở nên hấp dẫn và thu hút hơn. Với kim chỉ nam “Giáo viên dạy sử khi vào lớp phải tạo sự gần gũi với HS và không tạo áp lực cho các em về môn học”, nên giờ học sử luôn được thầy Cường “mở màn” bằng những sự kiện lịch sử vừa mới diễn ra của ngày hôm trước để thầy trò cùng trao đổi. Sau đó mới tập trung vào kiến thức trọng tâm trong sách giáo khoa và lại tiếp tục được minh họa bằng những sự kiện, tranh ảnh có liên quan do thầy đã cập nhật từ truyền hình, sách báo, phim ảnh trước đó. Trong suốt giờ học, bất kể khi nào thấy HS có vẻ uể oải, thầy lại tiếp tục xua tan mệt mỏi cho học trò bằng những câu chuyện vui. Đặc biệt, đối với các sự kiện, diễn biến, chiến dịch lịch sử trong bài học có liên quan đến lược đồ, thầy luôn trực tiếp vẽ lại lược đồ trên bảng và chỉnh màu để HS nhìn rõ được các ký hiệu, vì trong sách giáo khoa các ký hiệu quá nhỏ rất khó quan sát.

Thầy Cường cũng là Trưởng ban Văn nghệ của trung tâm từ khi mới về nhận công tác, đã biết bao lần thầy Cường đồng hành với đội văn nghệ tham gia Liên hoan nhóm ca khúc Chú ve con và hầu như năm nào cũng có giải thưởng. Ngoài ra, thầy còn dành nhiều thời gian cùng các em tập luyện và tham gia văn nghệ của quận đoàn, các hội diễn văn nghệ của quận trong những dịp lễ, hoặc phục vụ văn nghệ tổng kết năm học của Sở GD-ĐT TP…

Theo thầy Cường, môn lịch sử ngày càng trở nên thu hút, sinh động phần lớn là nhờ ban giám đốc trung tâm chủ động tổ chức các chuyến về nguồn, qua đó tạo được nguồn hứng khởi mới cho HS khi các em được đến Cần Giờ, Tây Ninh, quê hương chị Võ Thị Sáu, thăm khu căn cứ Xẻo Quýt, khu di tích cụ Nguyễn Sinh Sắc… Bên cạnh những chuyến về nguồn, nhà trường còn thường xuyên tạo hứng khởi học tập cho HS thông qua các chuyên đề trong giờ chào cờ đầu tuần. Cụ thể như trong tháng 5 này, trung tâm đã tổ chức chuyên đề nhân kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đặc biệt vào ngày 19-5 kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ sắp tới, vòng chung kết cuộc thi Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng sẽ được tổ chức với sự tham gia tranh tài của 32 lớp thuộc các khối trong toàn trường.

Cả nhà cùng yêu lịch sử

Bên cạnh việc giảng dạy chương trình chính quy, thầy Nguyễn Mạnh Cường còn là một trong những người cốt cán thực hiện nhiều chuyên đề lịch sử cho thành phố, trong đó có chương trình “Vang mãi bản hùng ca Điện Biên” nhân dịp kỷ niệm 63 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vừa qua, và người cha kính yêu của thầy cũng là một trong những nhân chứng lịch sử trong sự kiện trọng đại này. Cũng trong suốt thời gian công tác, người tổ trưởng tổ sử còn nỗ lực phụ trách công tác bồi dưỡng HS giỏi và kết quả là năm nào trung tâm cũng có HS giỏi môn lịch sử cấp thành phố. Như năm 2015, trung tâm có 4 HS giỏi sử cấp thành phố, trong tháng 3 vừa qua có thêm 2 em nữa đạt danh hiệu này. Nói về người bạn đời hiền hậu và nết na, thầy Cường kể rằng họ quen nhau từ thời ĐH, trong những lần thầy đi nhờ xe đạp của bạn đến Công viên Gia Định để học quân sự. Rồi dần dà quen thân vì chung lớp, chung trường và ở chung ký túc xá. Đến khi về chung một mái nhà, họ trở thành hai nhân tố tương hỗ cho nhau trong chuyên môn giảng dạy cũng như việc giáo dục con gái. Vốn được sinh ra và lớn lên trong “cái nôi lịch sử”, nên môn học này cũng đã trở thành niềm đam mê và yêu thích của em Nguyễn Hoài Nguyệt An. Hiện đang học chuyên ban D tại Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12), nhưng môn lịch sử của em luôn đạt điểm cao từ 9-10. Sau 18 năm đứng trên bục giảng, bên cạnh niềm hạnh phúc với mái ấm riêng, niềm ước mong của thầy Cường lúc này là “sẽ tiếp tục nỗ lực hết tâm, hết sức để hoàn thành trách nhiệm được giao, qua đó giúp HS học tốt và thêm yêu lịch sử đất nước mình”.

Bích Vân