Thứ sáu, 16/9/2016, 15h07

Hỗ trợ giáo dục mầm non: Loay hoay trong tấm áo quá chật

Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐND do HĐND TPHCM ban hành ngày 14-6-2014 về hỗ trợ giáo dục mầm non được xem là một trong những bước ngoặt to lớn của TP trong việc chăm lo, hỗ trợ phát triển bậc học này. Tuy nhiên, sau hai năm thực hiện, nhiều quy định vẫn chưa đi vào cuộc sống, công tác hỗ trợ gặp nhiều khó khăn.

Nhân viên nuôi dưỡng: Quy định có, thực tế không

Phát biểu tại buổi làm việc giữa đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP với UBND quận 9 về một số chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non vào sáng 15-9, bà Châu Thị Minh Quyên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Hồng (quận 9) nêu thực tế rằng hiện nay trường có hơn 300 học sinh nhưng chỉ có 2 nhân viên nuôi dưỡng. Toàn bộ công việc quét dọn, giặt giũ, vệ sinh trường, lớp, đồ chơi, hỗ trợ giáo viên chăm sóc trẻ tại lớp đều do 2 nhân viên này đảm nhận, bình quân mỗi cô phục vụ hơn 150 cháu. Công việc nhiều nhưng không được tính trong biên chế nên trường phải ký hợp đồng lao động khoán, tái ký 6 tháng/lần với tổng thu nhập chưa đến 4 triệu đồng/người/tháng. Đồng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Duyên Hồng, Hiệu trưởng Trường Mầm non 19/5 (quận 8) cho biết, do chưa được giao biên chế nhân viên nuôi dưỡng nên trường phải hợp đồng thêm một giáo viên/lớp để hỗ trợ chăm sóc học sinh. Chi phí trả lương cho đội ngũ này lấy từ tiền ăn sáng và phí phục vụ bán trú của học sinh. Tuy nhiên, dù đã hết sức co kéo nhưng tổng thu nhập một giáo viên có trình độ đại học, mới ra trường đang làm việc tại đây chưa đến 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Giờ ăn của các bé lớp từ 19-24 tháng, Trường Mầm non Tuổi Ngọc (quận 8)

Ở góc độ quản lý, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) quận 9 cho biết, từ đầu năm học 2015-2016, địa phương đã có kế hoạch xét tuyển vị trí nhân viên nuôi dưỡng, đáp ứng nhu cầu phục vụ của các trường. Từ 10 hồ sơ đăng ký, Phòng GD-ĐT chọn được 2 ứng viên đáp ứng đầy đủ tất cả yêu cầu nhưng do vướng quy định về biên chế nên chưa bố trí được về các trường. Trong khi đó, theo quy định của Nghị quyết 01/2014, mỗi lớp mầm non được bổ sung thêm một biên chế nhân viên nuôi dưỡng. Trước thực tế này, bà Trương Thị Việt Liên, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT) bày tỏ: Quy định giao biên chế hiện nay là 2,2 giáo viên/lớp đối với hệ mẫu giáo và 2,5 giáo viên/lớp đối với nhà trẻ, cứ 50 bé có 1 nhân viên cấp dưỡng nhưng thực tế các trường mầm non ở TPHCM đều đang hoạt động với 2 giáo viên/lớp, 100 học sinh mới có 1 nhân viên cấp dưỡng. Nếu việc phân bổ thêm biên chế nhân viên nuôi dưỡng vướng các quy định về giao biên chế, vì sao không thể lấy biên chế dôi dư từ đội ngũ giáo viên, nhân viên cấp dưỡng điều tiết qua làm nhiệm vụ nuôi dưỡng?”. Bất hợp lý này đã khiến bài toán phân bổ đội ngũ rơi vào cảnh “người cần thì xin mãi không có, vị trí có thì không sử dụng hết quy định cho phép.         

Loay hoay xét tuyển biên chế

Thống kê từ Phòng Nội vụ UBND quận 9 cho biết, năm 2015, toàn quận được giao chỉ tiêu 2.113 biên chế cho lĩnh vực giáo dục. Đến năm 2016, con số này chỉ còn 1.999 biên chế, giảm 124 người so với năm 2015. Trong đó, “miếng bánh biên chế” phải chia sẻ 27 vị trí việc làm cho trường trung cấp nghề và trường bồi dưỡng giáo dục, 7 người cho Trung tâm Kỹ thuật hướng nghiệp. Đội ngũ hiện có từ những năm trước cũng thâm hụt các trường hợp nghỉ hưu, thai sản, thuyên chuyển công tác, khiến số lượng giáo viên đã thiếu nay càng thiếu hơn. Chưa kể, năm học này quận 9 có thêm 2 trường mới đưa vào sử dụng và chuẩn bị khởi công thêm 4 dự án xây mới, khiến bài toán biên chế càng khó giải.

Giải thích điều này, ông Phan Lộc Hồ, Phó trưởng phòng Tổ chức biên chế (Sở Nội vụ) cho biết, trước đây trường mầm non có 4 vị trí việc làm riêng biệt là văn thư, thủ quỹ, y tế và kế toán. Nhưng từ khi Thông tư liên tịch hai Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập (ban hành ngày 16-3-2015) có hiệu lực, 4 chức danh này chỉ được phân bổ tối đa 2 vị trí việc làm khiến các trường gặp khó về nhân sự. Ông Hồ cũng cho biết, vừa qua, hai Sở GD-ĐT và Nội vụ đã tham mưu UBND TP kiến nghị liên Bộ GD-ĐT và Nội vụ xem xét, cấp bổ sung thêm biên chế cho TPHCM. Theo đó, đối với những trường học hạng 1 được giữ nguyên 4 vị trí việc làm, trường hạng 2 sẽ căn cứ tình hình thực tế để giao chỉ tiêu phù hợp. Trong thời gian chờ đợi kết luận cuối cùng từ liên bộ, các trường mới thành lập chỉ được phân bổ 2 vị trí việc làm cho 4 chức danh nói trên.

Về quy định hỗ trợ tiền lương cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đang làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non theo Nghị quyết 01, đại diện các đơn vị cho biết đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo. Cụ thể, quận 9 trong hai năm 2014, 2015 đã cấp bổ sung kinh phí gần 7 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ thêm 25% tiền lương/người/tháng đối với các lớp nhà trẻ, mẫu giáo và 35% tiền lương/người/tháng đối với đội ngũ trực tiếp giảng dạy nhóm lớp từ 6 - 18 tháng tuổi. Riêng đối tượng giáo viên mới ra trường, hai năm qua, quận 8 đã cấp bổ sung hơn 930 triệu đồng hỗ trợ thu nhập trong 2 năm đầu công tác, mức hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng đối với năm đầu tiên và 70% lương cơ sở/người/tháng đối với năm thứ hai công tác. Tuy nhiên trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp, về lâu dài vẫn cần có thêm nhiều chính sách mở để các trường đẩy mạnh xã hội hóa, cải thiện thu nhập cho giáo viên, giúp các cô yên tâm bám trụ công việc đã lựa chọn.

MINH QUÂN/SGGP