Thứ sáu, 14/8/2009, 08h08

Học nghề: Con đường song song đại học

Giờ thực hành của sinh viên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức

Sáng 12-8, Báo Giáo Dục TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm “Thực trạng - giải pháp đào tạo nghề và nhu cầu nguồn nhân lực tại TP.HCM”. Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu đã nêu lên một thực trạng hiện nay: nhận thức về nghề nghiệp của thanh niên còn mù mờ; quan niệm xã hội về bằng cấp nặng nề; đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp...
Quan niệm học nghề là bước đường cùng
GS.TS Nguyễn Xuân Thu, Hiệu trưởng Trường Viễn Đông chia sẻ: “Hiện nay, xã hội chúng ta vẫn còn nặng tâm lý trọng bằng cấp. Đã học hành thì nhất thiết phải trở thành bác sĩ, kỹ sư, phải có bằng thạc sĩ, tiến sĩ… mới được coi là thành đạt. Mặt khác, còn tồn tại quan niệm người có bằng càng cao làm việc càng giỏi. Hệ quả là người thợ giỏi, những người có “bàn tay vàng”… bị xem nhẹ và khi học sinh không còn con đường nào khác để học mới vào học tại các trường đào tạo nghề, đây là quan niệm hết sức sai lầm”. GS. Nguyễn Xuân Thu lấy ví dụ: “Một phụ huynh nói với tôi là dù biết con mình vào học nghề thì ngày sau ra trường chỉ trở thành thợ mà thôi, nhưng cháu rớt đại học nên phải cho học nghề”.
Ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng dạy nghề Sở LĐ-TB-XH TP.HCM nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác: “Đào tạo nghề hiện nay có nhiều điều cần phải được hiểu rõ hơn từ công tác quản lý đến xã hội để phát triển công tác dạy nghề. Đó là các quan niệm và giá trị về “nghề”, lĩnh vực lao động nào cũng có thể gọi là “nghề” trong khi hầu như cả xã hội chỉ nghĩ đến “nghề” đồng nghĩa với “làm công nhân”, sự không thống nhất và có phần phân biệt giữa các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giá trị lao động thật sự của người lao động chưa được đánh giá đúng... Cần làm sáng tỏ rằng học nghề là con đường song song đại học”.
GS.TS. Vũ Gia Hiền, Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Âu Việt băn khoăn: “Chúng ta phải “gào” lên về thực trạng đào tạo nghề nghiệp hiện nay. Thật đau lòng khi học sinh sau khi tốt nghiệp THPT là khư khư ôm giấc mộng vào các trường đại học. Trong khi sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường phải loay hoay tìm việc thì với các trường nghề, trường TCCN luôn rộng cửa, cơ hội việc làm nhiều, học sinh vẫn “quay lưng””. GS. Hiền cũng cho rằng cái thiếu của học viên học nghề, học sinh TCCN là về kỹ năng, ý thức, kỷ luật trong lao động, đặc biệt là ngoại ngữ... Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Hiệp cho rằng: “Không thể đổ lỗi hết cho các trường đào tạo, vì học sinh có bảy năm học ngoại ngữ trong trường phổ thông mà chưa có kết quả gì thì 1-2 năm trong trường nghề, cùng với việc đào tạo chuyên môn nghề, việc yếu ngoại ngữ là chuyện đương nhiên. Vì vậy, cần sớm hình thành được ý thức về nghề nghiệp cho học sinh từ bậc phổ thông”.
Đào tạo chưa đáp ứng được
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TP.HCM dự báo: “Trong giai đoạn 2009 - 2010, mỗi năm TP.HCM có nhu cầu tuyển trên 270 ngàn lao động, trong đó xu hướng phát triển tập trung ở các ngành, nghề như: công nghệ thông tin-viễn thông, điện, điện tử, điện công nghiệp, điện lạnh, hóa thực phẩm, du lịch, tài chính… Tuy vậy đào tạo vẫn chưa đáp ứng được cả về chất lượng lẫn số lượng”.
 Bà Phan Thị Thanh Hương, Giám đốc điều hành Công ty Robert Bosch Việt Nam cho rằng: “Vì xem nhẹ việc học nghề nên nhiều học sinh thiếu hiểu biết về nghề. Đã đến lúc phải định hướng học nghề từ THCS, THPT mạnh mẽ hơn. Hầu hết lao động kỹ thuật mà chúng tôi tuyển dụng chỉ mới được đào tạo lý thuyết chứ chưa có kỹ năng, kỷ luật... Thậm chí cả những người có kinh nghiệm cũng cần phải được đào tạo thêm để có thể đáp ứng với yêu cầu của công việc mới”. Bà Thanh Hương đưa ra ví dụ: Robert Bosch Việt Nam đã tuyển 50 nhân viên làm việc tại dự án cơ khí chính xác trị giá 55 triệu euro (khoảng 1.300 tỷ đồng) tại KCN Long Thành (Đồng Nai), nhưng sau đó công ty phải đưa 15 người đi tu nghiệp lại tại Hà Lan với kinh phí đào tạo khoảng 30.000 - 40.000 USD/người.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Ban quản lý KCN-KCX TP.HCM (Hepza) chia sẻ: “Nguồn cung nhân lực từ các trường dạy nghề vẫn còn kém xa so với nhu cầu thực tế cả về số lượng lẫn chất lượng. Thực tế khi doanh nghiệp có nhu cầu về nhân lực chúng tôi phải chắt lọc những người giỏi từ các trường nghề. Tuy nhiên chỉ số ít trong đó đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp”. Ở góc độ khác, ThS. Tạ Văn Doanh, Tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM kiến nghị: “Các doanh nghiệp nên đặt hàng cho trường đào tạo theo kế hoạch tuyển dụng dài hạn và cho học viên thực tập ngay tại nhà máy của họ, chứ không phải lúc cần thì mới đăng báo tuyển dụng. Đồng thời trong công tác đào tạo không nên dạy lý thuyết xong mới cho học viên thực tập mà phải tạo điều kiện cho học viên được thực hành xen kẽ với lý thuyết”. Ông Nguyễn Minh Thành, Chủ tịch Hội dạy nghề thành phố đề nghị: “Cần có chính sách thích hợp để khuyến khích các doanh nghiệp tiếp nhận học viên đến thực tập, tham gia vào đào tạo và đồng thời gắn kết doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo. Vì sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp hiện nay chưa chặt chẽ nên dẫn tới trình trạng không có tiếng nói chung”.
Văn Mạnh