Thứ tư, 3/2/2010, 08h02

Học sinh được dạy làm người

Một tiết mục trong chương trình Sử ca học đường của Trường TH Lê Ngọc Hân – Q.1

Ngày 2-2, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức sơ kết học kỳ I năm học 2009-2010 bậc tiểu học. Qua đó cho thấy nhiều trường tiểu học đã làm tốt công tác dạy chữ và dạy làm người cho học sinh. Các em cảm nhận được mỗi ngày đến trường là một ngày vui…
Đổi mới vì học sinh
Có lẽ dư luận hẳn chưa quên việc kê bàn theo kiểu “làm việc theo nhóm” ở Trường Tiểu học (TH) Lương Định Của - Q.3 hồi đầu năm học đã gây rất nhiều ý kiến trái ngược nhau. Thậm chí có một tờ báo còn lên án gay gắt sự đột phá này của nhà trường.
Tại buổi lễ, cô Vũ Thị Mỹ Hạnh – Hiệu trưởng Trường TH Lương Định Của cho biết: “Để học sinh được trao đổi ý kiến, chủ động tiếp thu kiến thức, giáo viên phải tăng cường cho các em tham gia học nhóm. Muốn việc học nhóm có hiệu quả thì bắt buộc phải kê bàn theo kiểu “làm việc theo nhóm”. Ưu điểm của kiểu kê bàn này là tạo ra sự thoải mái cho học sinh do các em thường xuyên được vận động trong quá trình trao đổi, thảo luận với bạn bè. Giáo viên thường xuyên di chuyển đến các nhóm, giao việc và giúp đỡ học sinh. Với phương pháp dạy học tích cực theo nhóm, tạo cho học sinh được tiếp thu kiến thức đa chiều, không chỉ từ giáo viên mà còn từ bạn bè nữa. Các em cũng tỏ ra dạn dĩ hơn, thể hiện được tinh thần thân thiện, chia sẻ với các bạn khó khăn…”.
Ngoài Trường TH Lương Định Của - Q.3, trên địa bàn thành phố còn có thêm Trường TH Nguyễn Đức Cảnh - Q.5 áp dụng phương pháp dạy học tích cực theo nhóm. Hình ảnh giáo viên ngồi trên nhìn xuống và học sinh ngồi dưới nhìn lên, giáo viên bảo bài toán này khó thì học sinh biết toán đó khó, giáo viên nói chữ này khó phát âm thì học sinh biết chữ đó khó phát âm… điều này hiện nay trở nên quá xa lạ đối với thầy và trò Trường TH Nguyễn Đức Cảnh. Bằng phương pháp học nhóm, học sinh sẽ thảo luận với nhau để tìm ra trong bài tập đọc này từ nào khó phát âm, trong 4 – 5 bài toán, bài nào khó nhất. Quan trọng hơn, các em hiểu được tại sao nó lại khó. Do vậy khi giáo viên giảng bài các em rất chăm chú nghe giảng…
Trường TH Lê Ngọc Hân - Q.1 lại có hướng đi rất đặc biệt. Nhà trường đã dạy học sinh biết yêu quê hương đất nước, biết tự hào về dân tộc và qua đó các em biết cố gắng học tập để cống hiến cho xã hội thông qua chương trình sử ca học đường. Lịch sử về dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã được trên 300 học sinh của trường (từ lớp 1 đến lớp 5) tái hiện qua các hoạt cảnh như “Âu Cơ – Lạc Long Quân”, “Vua Hùng Vương”, “Hai Bà Trưng”, “Phù Đổng Thiên Vương”, “Cờ lau tập trận”, “Trần Quốc Toản”
Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm - Q.1, Trường TH Huỳnh Kiến Hoa - Q.5, Trường TH Bàu Sen - Q.5... đã biết giáo dục học sinh ý thức tự phục vụ, biết xếp hàng chờ đến lượt khi mua đồ ở căn tin...
Hiệu trưởng phải là người “dũng cảm”
Tại buỗi lễ, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hoài Chương ghi nhận sự “dũng cảm” của các thầy, cô hiệu trưởng trong việc đưa những cái mới, lạ vào trường học. Việc kê bàn ghế theo kiểu “làm việc theo nhóm” ở Trường TH Lương Định Của – Q.3, Trường TH Nguyễn Đức Cảnh – Q.5 đã được các nước có nền giáo dục tiên tiến áp dụng từ lâu, nhưng với Việt Nam thì vẫn còn mới mẻ. Chính sự mới mẻ này đã tạo ra nhiều ý kiến trái nhau gây không ít khó khăn cho ban giám hiệu các trường…
Hay như việc Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm – Q.1 yêu cầu học sinh xếp hàng khi mua đồ ở căn tin cũng bị một số ý kiến “lên án”. Có ý kiến cho rằng, như vậy là hình thức, mất thời gian của học sinh vì các em chỉ có mười mấy hai chục phút ra chơi, bây giờ lại phải xếp hàng mua đồ thì làm gì còn thời gian để vui chơi.
Trong giờ ăn trưa, thay vì bảo mẫu dọn sẵn cơm và thức ăn ra bàn, học sinh chỉ việc ngồi vào ăn thì Trường TH Huỳnh Kiến Hoa và Trường TH Bàu Sen - Q.5 lại yêu cầu học sinh tự vào nhà bếp bưng suất ăn ra. Cũng có ý kiến nói rằng, phụ huynh đã đóng tiền học phí bán trú sao không để bảo mẫu phục vụ học sinh. Nhưng ban giám hiệu các trường có lý do của mình. Việc giáo dục học sinh ý thức tự phục vụ sẽ giúp các em biết yêu quí, tôn trọng các bảo mẫu. Và trên hết là biết quí trọng sức lao động của bản thân và của mọi người…
“Ngành giáo dục chỉ mạnh khi các cơ sở giáo dục tốt. Chất lượng giáo dục tiểu học là do các thầy, cô hiệu trưởng quyết định. Do vậy, hiệu trưởng cần phải mạnh dạn đổi mới, có làm thì mới rút kinh nghiệm được. Và trong sự đổi mới cần có sự dũng cảm, sự vững vàng. Tôi lưu ý các hiệu trưởng là nhiệm vụ của ngành GD-ĐT thành phố năm nay là không có các trường học yếu kém. Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và khó thực hiện. Vì vậy, hiệu trưởng cần xem xét lại tình hình của trường mình coi đã làm được việc gì, việc gì chưa làm được để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. Không chỉ có vậy, ngay từ bây giờ hiệu trưởng cần phải quan tâm đến cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cho năm học tới…”, ông Nguyễn Hoài Chương chỉ đạo.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Trưởng phòng Giáo dục tiểu học - Sở GD-ĐT Lê Ngọc Điệp cho biết: “Trong học kỳ II, Phòng Giáo dục tiểu học sẽ phối hợp với Phòng Giáo dục mầm non hướng dẫn các trường tiểu học tổ chức đón cha mẹ học sinh chuẩn bị vào lớp 1 năm học 2010-2011 thăm trường. Qua đó, Ban giám hiệu nhà trường sẽ giới thiệu về cơ sở vật chất, chương trình và các hoạt động giáo dục, học tập của học sinh. Khi biết được môi trường học của con em mình chất lượng, an toàn thì phụ huynh sẽ không có ý định “chạy trường”…”.