Thứ ba, 18/8/2015, 16h22

Học sinh VN giành 18 huy chương ở kỳ thi Thách thức toán học quốc tế

Tại kỳ thi Olympic thách thức toán học quốc tế Singapore - SIMOC 2015, đoàn học sinh Việt Nam đã xuất sắc giành nhiều giải thưởng, gồm 4 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 11 huy chương đồng và 18 bằng khen. 

Đặc biệt, em Lê Nguyễn Khôi Nguyên, học sinh lớp 10 chuyên toán trường Phổ thông Năng khiếu đạt điểm cao nhất trong các thí sinh ở khối lớp 9. Các em Lê Trung Nghĩa và Nguyễn Kim Huế Nam đạt số điểm cao thứ nhì và thứ ba ở khối lớp 6.

ND-5180-1439874761.jpg

Học sinh Lê Nguyễn Khôi Nguyên nhận giải thưởng lớn ở khối lớp 9, Nguyễn Kim Huế Nam, giải thưởng lớn khối lớp 6.

Olympic thách thức toán học quốc tế Singapore năm nay có 405 thí sinh đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ (Bulgaria, Campuchia, Indonesia, Hong Kong, Kazakstan, Malaysia, Myanmar, Philippines, Pakistan, Singapore, Trung Quốc, Uzbekistan, Việt Nam) tham dự. Các thí sinh tranh tài ở các khối lớp từ lớp 2 đến lớp 10.

Đề thi gồm 15 câu hỏi trắc nghiệm (riêng khối lớp 2, 3, 4 chỉ có 10 câu) và 10 câu hỏi tự luận (dạng chỉ cần ghi đáp số cuối cùng) làm trong 90 phút. Ở phần trắc nghiệm, mỗi câu trả lời đúng được 2 điểm, không trả lời 0 điểm và sai bị trừ 1 điểm. Ở phần tự luận, mỗi câu trả lời đúng được 4 điểm, sai không bị trừ điểm. Để tránh thí sinh bị điểm âm, Ban tổ chức cho trước mỗi thí sinh 15 điểm (tương ứng 10 điểm ở khối lớp 2, 3, 4).

TS Trần Nam Dũng (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM), trưởng đoàn học sinh Việt Nam đi thi cho biết, đề thi không quá hóc búa nhưng rất thú vị, với nhiều bài toán đòi hỏi khả năng đọc hiểu và phán đoán nhanh. Áp lực phải giải nhanh và đúng 25 bài toán trong vòng 90 phút là không đơn giản. Có duy nhất một học sinh khối lớp 4 của Philippines đạt điểm tối đa (perfect score). Em Lê Trung Nghĩa, học sinh lớp 6 đạt số điểm 75/85 là thành tích tốt nhất về điểm số của đoàn Việt Nam.

"Tuy các đề thi SASMO và SIMOC còn rất xa về độ khó so với các đề thi toán quốc tế (IMO) vì thí sinh phải giải 25 bài toán nhỏ trong 90 phút so với 3 bài trong 270 phút của IMO, nhưng những điều học sinh rèn luyện được qua các bài thi là trực giác toán học, đoán nhận quy luật, tư duy logic, đọc hiểu tình huống. Những điều này rất có ích ở những cuộc thi tiếp theo, trong đó có IMO", TS Trần Nam Dũng nói và tin tưởng rằng sau vài năm nữa, sẽ có những em đạt giải SIMOC hôm nay đạt huy chương ở kỳ thi toán quốc tế.

Bên cạnh bài thi Olympic cá nhân, Ban tổ chức còn tổ chức cuộc thi đồng đội "Chiến binh toán học", một trò chơi vừa mang tính thể thao, vừa mang tính trí tuệ, vừa có một chút ngẫu nhiên (đổ các loại quân xúc sắc khác nhau). Để tăng cường tính giao lưu, Ban tổ chức ghép học sinh các nước khác nhau vào một đội (mỗi đội 3 người).

Tổng cộng có 135 đội, chia thành 3 nhóm P (Primary), M (Middle) và S (Secondary). Các đội đấu vòng loại, mỗi đội đấu 5 trận, chọn 16 đội xuất sắc nhất mỗi nhóm để vào vòng đấu loại trực tiếp. Tất cả thành viên của 24 đội xuất sắc nhất (8 đội mỗi nhóm) đều được giải thưởng. Đoàn Việt Nam có 8 học sinh đạt giải thưởng này, trong đó em Nguyễn Vũ Thanh Triều tiến xa nhất vào đến tận trận chung kết.

ND2-7845-1439874761.jpg

Toàn đoàn học sinh Việt Nam.

Để đề cao tính chất giao lưu trí tuệ của cuộc thi, ngoài các giải thưởng riêng, Ban tổ chức đã đưa ra giải thưởng lớn dành cho thí sinh đạt tổng điểm cao nhất, nhì, ba ở cả hai môn thi (cá nhân và đồng đội) của tất cả khối lớp. Kết quả là hai em Nguyễn Kim Huế Nam (lớp 6) và Lê Nguyễn Khôi Nguyên (lớp 9) đã dành giải nhất ở giải thưởng này.

Cuộc thi SIMOC 2015 (Singapore International Mathematical Olympiad Challenge) là tiếp nối của cuộc thi SASMO 2015 (Singapore and Asian Schools Mathematical Olympiad) đã diễn ra vào tháng 4/2015. Ở cuộc thi SASMO, được tổ chức tại mỗi nước, có 32.000 thí sinh đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Các học sinh được giải SASMO sẽ được mời tham dự SIMOC trong thành phần đoàn của nước đó.

Mục tiêu của kỳ thi là thúc đẩy phong trào học toán trong các trường tiểu học và phổ thông thông qua các cuộc thi, trò chơi toán học, các hoạt động giao lưu, giúp các trường tìm kiếm tài năng toán học để tiếp tục bồi dưỡng ở những mức độ cao hơn như thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

Trần Nguyễn Nam Hưng (Theo VNE)