Thứ năm, 1/2/2018, 21h42

Hỏi - đáp du học

Làm thế nào để đi du học khi điều kiện kinh tế, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế? - nhiều học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn, TP.HCM) hỏi.

- TS. Lê Thị Sen (đại diện Sài Gòn Tech) cho biết không hẳn phải có thật nhiều tiền mới có thể du học được. Khi tài chính hạn hẹp, người học vẫn có thể thỏa sức với đam mê du học qua những hướng lựa chọn khác. “Du học Mỹ gần hơn các em nghĩ. Vẫn là chương trình học theo giáo trình của ĐH Mỹ, tốt nghiệp nhận bằng ĐH Mỹ, có cơ hội làm việc tại bất cứ quốc gia nào, được chuyển tiếp học lên với bất cứ trường ĐH Mỹ nào nếu muốn. Nhưng lại học ngay tại Việt Nam”, TS. Sen nói.

Theo TS. Sen, khi học tại Sài Gòn Tech (phân hiệu của ĐH Mỹ tại Việt Nam), người học sẽ được trải nghiệm hoàn toàn một chương trình du học tại Mỹ mà chỉ phải chi trả mức học phí Việt Nam và không đòi hỏi cao về trình độ ngoại ngữ bởi khi vào trường, người học sẽ được đào tạo lại về ngoại ngữ.

Mong muốn được qua Nhật học tập và làm việc cũng là khát khao của nhiều học sinh trong trường. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thùy Linh (đại diện Trung tâm Nhật Ngữ và du học Redbook) cảnh báo rằng, Nhật Bản không hẳn thật sự là mảnh đất màu mỡ trước những lời quảng cáo rằng làm thêm tại Nhật có thể trang trải được học phí và gửi về cho gia đình. “Làm thêm tại Nhật rất đa dạng, từ quán ăn, nhà hàng, xưởng, với mức thu nhập từ 25-30 triệu đồng/tháng. Ngược lại, mức sinh hoạt phí tại Nhật cũng rất đắt đỏ. Và khi làm thêm, các em phải tuân thủ quy định làm thêm nghiêm ngặt của Chính phủ Nhật Bản, tối đa 28 tiếng/tuần. Đối với kỳ nghỉ lễ thì tối đa 8 tiếng/ngày”, bà Linh cho hay.

Y.Hoa (ghi)