Thứ năm, 20/4/2017, 16h42

Hội đồng ở các trường đại học chỉ để cho... có

Tại hội thảo “Hội đồng trường - khâu đột phá trong việc thực hiện tự chủ đại học” do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức hôm nay 20.4, nhiều đại biểu phản ánh, hội đồng trường đang tồn tại một cách hình thức.

Theo GS Phạm Phụ, Nhà nước cần lưu ý cơ cấu và cách làm việc của hội đồng trường /// Quý Hiên
Theo GS Phạm Phụ, Nhà nước cần lưu ý cơ cấu và cách làm việc của hội đồng trường. Ảnh QUÝ HIÊN
Theo GS Lâm Quang Thiệp, Trường ĐH Thăng Long thì để thực hiện tự chủ đại học, hội đồng trường là một công cụ quan trọng, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của một tổ chức dân chủ. Việc đưa thể chế hội đồng trường vào hệ thống giáo dục đại học nước ta từ năm 2003 là một bước tiến đáng ghi nhận. Tuy nhiên quá trình áp dụng thể chế hội đồng trường cho đến nay xảy ra không suôn sẻ, mà nguyên nhân chủ yếu là do đưa vào một thể chế mới mà không có sự chuẩn bị.
Còn PGS Lê Minh Thắng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng chia sẻ những thông tin về cơ chế hoạt động của hội đồng trường của một số trường ĐH ở các nước phát triển và đang phát triển, qua đó để có căn cứ so sánh với cơ chế hoạt động của hội đồng trường trong nước. Theo bà Thắng, ở nước ngoài, dù với mô hình trường nào thì hội đồng trường của các nước vẫn là một tổ chức quyền lực. Đối với những quyết định của hiệu trưởng mà không được hội đồng trường ủng hộ, hội đồng trường có thể gây áp lực đến mức hiệu trưởng phải xin từ chức. Hội đồng trường bầu hiệu trưởng, miễn nhiệm hiệu trưởng là đương nhiên. Trong khi đó ở ta thì nhìn chung hội đồng trường các trường ĐH được thành lập ra hầu như chỉ để cho… có. Hội đồng trường không có ban kiểm soát hoặc bộ phận riêng có nhiệm vụ giám sát các hoạt động của nhà trường. Hoạt động của hội đồng trường vì thế vẫn mang tính hình thức, chưa phát huy được tính dân chủ trong nhà trường.
GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cũng xác nhận hiện nay số trường có hội đồng trường còn ít (58 trường/ 169 trường ĐH công lập có hội đồng trường) mà còn yếu. “Ngay cả những đơn vị có hội đồng trường thì hoạt động của hội đồng này cũng chỉ mới có tính chất tư vấn mà chưa thực sự thể hiện là một hội đồng quyền lực như lẽ ra phải thế”, GS Quân nhận xét.
Theo GS Phạm Phụ, ĐH Quốc gia TP.HCM, những khó khăn nêu trên là một tất yếu, vì đó là bản chất của công cuộc chuyển giao quyền lực. Để hội đồng trường thực sự thể hiện đúng vai trò của mình, trong vấn đề giao quyền tự chủ đại học, Nhà nước cần lưu ý cơ cấu hội đồng trường và cách làm việc của hội đồng trường. Chính phủ phải chỉ đạo một cách kiên quyết và chỉ giao quyền tự chủ đầy đủ khi đã có hội đồng trường đúng nghĩa.  

Quý Hiên/TNO