Thứ ba, 22/11/2011, 10h11

Hơn nửa thế kỷ đi tìm cái đẹp

Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm trên biển Vũng Tàu

Hơn 50 năm qua, người yêu tranh Việt Nam biết đến bà như một họa sĩ hàng đầu về những tác phẩm tranh lụa; học trò nhắc đến bà như người thầy khả kính. 75 tuổi đời, hơn 50 năm tuổi nghề bà đã đặt chân đến nhiều vùng miền của đất nước và hàng chục chuyến xuất ngoại… chỉ để vẽ và triển lãm tranh.
Đó là nhà giáo, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm, nguyên giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Sinh năm 1936, tại Tiền Giang, năm 1958 bà tốt nghiệp khóa 2, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định - Sài Gòn (nay là Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM) - cái nôi của hội họa miền Nam lúc bấy giờ - với thành tích học tập xuất sắc. Sau đó hơn một năm bà lại tốt nghiệp thủ khoa khóa Sư phạm Hội họa và được giữ lại làm giảng viên dạy vẽ tại trường.
Hơn 50 năm vẽ và dạy

Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm với lớp vẽ Mặt trời đỏ (khiếm thính)

Tôi gặp bà tại căn nhà số 5B, cư xá Bạch Đằng, Q.Bình Thạnh lúc này đã hơn 21 giờ đêm nhưng bà vẫn đang miệt mài vẽ. Tôi hỏi “Hơn nửa thế kỷ đã dành cho tranh, nay đã gần 80 sao bà vẫn miệt mài vẽ đến vậy?”. Bà cười vui bảo: “Cả đời tôi cầm cọ, ngồi bên giá vẽ quen rồi, nếu không được vẽ tôi sẽ thiếu đi nguồn sống”. Bà đặt cây cọ vẽ xuống giá, quay sang lần giở cuốn ký họa mà bà vẽ trong mỗi lần đi thực tế ở nhiều địa danh trên khắp mọi miền đất nước. Có những trang ký họa bà đang ngồi trên mỏm núi cheo leo ở Việt Bắc, cũng có những bức ký họa bà đang vẽ bên dòng suối ở hang Pác Bó; hay ngồi vẽ bên bờ sông Hương thơ mộng. Bà bảo niềm tự hào nhất là đôi chân bà đã đi từ Bắc chí Nam, từ vùng sơn cước đến miền quê sông nước, biển khơi; và cả những chuyến xuất ngoại để vẽ. Từ đó những hình ảnh hoang sơ, huyền ảo của thiên nhiên được bà chuyển tải vào tranh, để rồi từng bức tranh thành những tác phẩm nghệ thuật giá trị. Đó cũng là lý do vì sao mà tranh của bà sống động, thực đến từng chi tiết. Bà Tâm cho rằng tranh là phải thực, phải gắn với cuộc sống, mang hơi thở đời thường. Không hư cấu, bóp méo sự thật, không vẽ theo tưởng tượng mà phải thực tế. Và đó cũng là quan điểm, khuynh hướng sáng tác của bà suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Ông Chủ tịch Hội Mỹ thuật tặng hoa ngày khai mạc triển lãm tranh của họa sĩ Nguyễn Thị Tâm

Ngay khi học trong trường bà đã được đào tạo về vẽ tranh sơn dầu, thế nhưng sau khi ra trường bà lại chọn hướng vẽ tranh lụa. Và chính dòng tranh này đã đưa bà đến đỉnh vinh quang của nghề nghiệp trong sáng tạo nghệ thuật. Để trả lời sự băn khoăn của tôi về bước ngoặt đó, bà trải lòng: “Sau khi lập gia đình và có con nhỏ, khi vẽ tranh sơn dầu mẹ vẽ thì con cũng vẽ. Nhiều lúc ham mê vẽ tranh lúc quay lại nhìn con thì mặt mũi, quần áo dính đầy sơn. Để cải thiện tình hình đó tôi đã chọn vẽ tranh lụa để vừa vẽ vừa trông con nhỏ. Cứ thế, niềm đam mê vẽ tranh lụa lớn dần lên theo năm tháng và cho đến tận bây giờ”.
Tranh cũng như cuộc đời
Cuộc đời nhà giáo - họa sĩ của bà Nguyễn Thị Tâm là một tấm gương về sự tận tụy trong lao động sáng tạo nghệ thuật, trong sự nghiệp trồng người và trong đào tạo tài năng về nghệ thuật hội họa. “Đất nước Việt Nam đẹp lắm, phải giới thiệu cho mọi người trong và ngoài nước biết để tự hào. Tôi yêu nghề, yêu cái đẹp như hơi thở của mình. Vì vậy, bao năm nay tôi đã đi tìm, giới thiệu những nét đẹp như thế. Và tôi sẽ dành trọn niềm tin yêu, đam mê đó cho đến hết đời mình”, bà Tâm bộc bạch. Nhiều người khi thưởng lãm tranh của bà nhận xét rằng: Có lẽ vì yêu da diết cái đẹp của thiên nhiên đất nước nên mỗi tác phẩm sáng tác của bà là một sự biểu lộ nội tâm, với những cảm nhận sâu lắng về vẻ đẹp của cảnh mây, núi, cây cối, sông hồ… với những tâm tình kín đáo.

Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm hướng dẫn vẽ tranh lụa cho lớp vẽ người nước ngoài tại Thảo Điền, Q.2, TP.HCM năm 1998

Hơn 50 năm trong nghiệp làm nghề giáo của bà, niềm vui, hạnh phúc nhất là đã có rất nhiều lớp học trò được bà tạo dựng trưởng thành. Trong đó, không ít học trò đã thành danh và theo nghiệp làm thầy, như các họa sĩ: Nguyễn Diệu Thúy, Trần Quốc Định, Võ Ngọc Phượng, Nhã Uyển, Quốc Bảo, Nguyễn Phi Long, Ngọc Diệp, Ngọc Mai, Trương Tuấn Kiệt... Bên cạnh sự thành công trong nghề nghiệp, bà có một gia đình hạnh phúc, một người chồng bao năm gắn bó và cũng là người thầy, người bạn, người đồng nghiệp; cùng với những đứa con ngoan và thành đạt.
Gần 23 giờ khuya, tôi chào bà ra về. Tiễn khách xong, tôi thấy bà quay trở lại bàn vẽ để tiếp tục cho tác phẩm còn đang dang dở. Có lẽ bà muốn thực hiện nốt cái ước nguyện một đời làm họa sĩ của mình là “Bao năm vẽ và dạy, nhưng tôi chưa đưa được hết những nét văn hóa, những cảnh vật trên mọi miền đất nước qua tranh vẽ đến gần hơn với các em học sinh, sinh viên. Những điều đó sẽ giúp các em yêu hơn văn hóa đất nước mình”, nhà giáo Nguyễn Thị Tâm thổ lộ.
Văn Mạnh