Thứ bảy, 22/10/2016, 21h25

Kế toán làm 20 năm, sao chưa chuyển?

Vừa qua, Báo Giáo dục TP.HCM đã nhận đơn kiến nghị của một số công nhân viên Trường THCS Bạch Đằng, Q.3 về kế toán trường công tác nhiều năm vẫn không luân chuyển và thu chi tài chính chưa rõ ràng.

Theo các công nhân viên Trường THCS Bạch Đằng, họ không hiểu vì lý do gì mà kế toán này công tác hơn 20 năm tại trường vẫn không phải luân chuyển.

Ông Nguyễn Vạn Phúc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Kế toán này công tác ở trường khá lâu. Tuy nhiên, trong công tác tổ chức cán bộ, nhà trường không có quyền thuyên chuyển mà là do UBND quận thực hiện”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Huỳnh Long, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT TP, khẳng định: “Theo quy định, vị trí công tác kế toán tại một trường học không được quá 5 năm, sau 5 năm là phải chuyển đổi. Đối với những trường hợp khó khăn thì nhà trường, quận huyện phải làm đơn báo cáo với cấp trên. Việc luân chuyển cán bộ, viên chức ở các trường THCS đặt dưới sự chỉ đạo của UBND quận, huyện, Sở GD-ĐT chỉ quản lý ở các trường THPT nhưng quy định không quá 5 năm đối với vị trí công tác này là quy định chung của Chính phủ”.

Tại điều 8, Nghị định số 158/2007/NĐ-CP về danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi công tác đối với công chức, viên chức có quy định rõ 21 danh mục vị trí công tác trong các lĩnh vực, ngành, nghề phải định kỳ chuyển đổi. Trong đó, danh mục đầu tiên phải chuyển đổi là hoạt động quản lý tài chính, ngân sách, tài sản của Nhà nước. Điều 7 của nghị định này cũng nêu rõ thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là 3 năm (đủ 36 tháng) đối với cán bộ, công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan đến việc quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân. Nghị định 150/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158, nêu rõ thời hạn chuyển đổi là từ 2 năm (đủ 24 tháng) đến 5 năm (đủ 60 tháng) theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.

Bên cạnh đó, đơn kiến nghị cũng cho rằng kế toán này thu tiền bạc thường không rõ ràng. Điển hình như thu tiền đi du lịch hè trong năm 2015-2016, trường trợ cấp 500 ngàn đồng/người đi Đà Lạt nhưng kinh phí trợ cấp quá ít nên mỗi người đóng thêm 1,5 triệu đồng. Vì thế, trường chỉ có ban giám hiệu, chủ tịch công đoàn và 4 giáo viên tham gia. Những công nhân viên này thắc mắc: Số tiền của những người không đi hiện đang ở đâu? Tại sao không phát cho những người không tham gia?

Nói đến chuyện thu chi, thầy Nguyễn Vạn Phúc cho rằng vì mới thuyên chuyển về trường công tác từ đầu năm học này nên không rõ. Tuy nhiên, thầy Phúc chia sẻ: “Việc tổ chức cho giáo viên tham quan du lịch hè để giao lưu, trải nghiệm không phải là định mức do Nhà nước quy định nên chi phí không nằm trong ngân sách mà do nhà trường tổ chức. Số chi phí để trả cho du lịch thông thường được các trường trích từ thu nhập tăng thêm theo Nghị định số 43 của Chính phủ quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với sự nghiệp công lập. Nếu không đủ thì tập thể nhà trường phải đóng góp thêm”.

Từ vấn đề này, thầy Phúc nêu rõ nếu giáo viên, nhân viên hay ban giám hiệu không tham gia thì sẽ không được nhận lại tiền, trừ các trường hợp có lý do chính đáng như bảo vệ phải ở lại trông giữ trường, giáo viên được Sở GD-ĐT cử đi chấm thi, ban giám hiệu ở lại trực trường…

Minh Châu