Thứ tư, 2/9/2015, 16h34

Kết quả bước đầu trong đổi mới toàn diện GD-ĐT

LTS: Nhân dịp khai giảng năm học mới 2015-2016, nhằm đánh giá những thành quả mà ngành GD-ĐT TP.HCM đã gặt hái được trong thời gian qua, đồng thời đề ra những định hướng phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là việc đưa nghị quyết 29-NQ/TW vào thực tiễn cuộc sống về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Giáo dục TP.HCM xin trân trọng giới thiệu bài viết “Một số kết quả bước đầu trong công tác tham mưu và triển khai thực hiện nghị quyết 29-NQ/TW về “đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” của ngành GD-ĐT TP.HCM” của ông Lê Hồng Sơn - Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM.

Điểm xuất phát

Hội nghị lần 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành nghị quyết 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, có thể khẳng định, những nội dung của nghị quyết 29-NQ/TW là hết sức cấp thiết và toàn diện, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, giúp định hướng và đẩy nhanh tốc độ phát triển của GD-ĐT.

TP.HCM là một TP trẻ; có truyền thống năng động, sáng tạo; có tốc độ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội khá cao. Lãnh đạo TP, trong bất kỳ thời điểm nào cũng luôn quan tâm nhiều đến công tác GD-ĐT, dành nhiều ưu tiên hỗ trợ cho ngành. Đáp ứng niềm tin yêu, sự kỳ vọng của lãnh đạo và nhân dân TP, ngành GD-ĐT TP liên tục là ngọn cờ đầu của GD cả nước, là đơn vị tiên phong, đi đầu trong mọi chủ trương, chính sách về đổi mới GD, liên tục đột phá, phát triển không ngừng và hoàn thành nhiệm vụ nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển của TP.

Nhờ truyền thống tích cực đổi mới, năng động, sáng tạo, hăng hái đi đầu trong mọi công cuộc đổi mới, ngành GD-ĐT TP đã được lãnh đạo Bộ GD-ĐT và lãnh đạo TP tin tưởng, giao nhiệm vụ triển khai thí điểm những chủ trương, chính sách, đề án để cụ thể hóa nội dung của nghị quyết vào cuộc sống.

Tham mưu

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của thường trực Thành ủy, Sở GD-ĐT đã nhanh chóng tham mưu dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy và kế hoạch của UBND TP nhằm triển khai thực hiện nghị quyết 29-NQ/TW. Dự thảo đã được góp ý rất nhiều lần nhằm hoàn thiện nội dung, nhất là những chỉ tiêu với mục đích giúp GD-ĐT TP tiếp tục phát triển vượt bậc, sớm hội nhập với khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của TP. Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 mà dự thảo đã đề xuất như sau:

GD MN: 100% trẻ từ 3 tuổi học mẫu giáo; 100% trẻ em trong các cơ sở GD MN không bị suy dinh dưỡng. GD phổ thông: 100% HS TH, 65% HS THCS và 40% HS THPT được học 2 buổi/ngày; 100% số người trong độ tuổi được học THCS; 100% HS được học tiếng Anh, được trang bị đủ 4 kỹ năng (nghe, đọc, nói, viết), đạt được trình độ chuẩn đánh giá theo khung năng lực ngoại ngữ do Bộ GD-ĐT ban hành; tỷ lệ phân luồng sau THCS vào GD nghề nghiệp là 35%. GD chuyên nghiệp - ĐH: GD nghề nghiệp thu hút 35% số HS tốt nghiệp THCS vào GD nghề nghiệp, có 80% người lao động đã qua đào tạo (trong đó trình độ trung cấp trở lên đạt 40%). GD ĐH có 100% các trường ĐH-CĐ trên địa bàn TP đạt chuẩn cơ bản theo quy định (có 15 trường và các khoa chuyên ngành đạt kiểm định trong khu vực ASEAN), có 5% trong tổng số SV của trường là SV các nước trong khu vực đến học tập; 95% SV tốt nghiệp có việc làm phù hợp ngành đào tạo. GD thường xuyên: Trình độ học vấn bình quân của người dân là lớp 12; tỉ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15-60 tuổi biết chữ là 99,5%, 100% người trong độ tuổi từ 15-35 tuổi biết chữ.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn trao bằng khen cho học sinh giỏi cấp TP

Đưa nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống

Có thể khẳng định, trong suốt thời gian qua, những định hướng đổi mới GD-ĐT của TP.HCM đều rất phù hợp với tất cả các nội dung của nghị quyết 29-NQ/TW. Với lợi thế đó, phát huy những thế mạnh của TP, là cơ quan tham mưu, quản lý hoạt động GD-ĐT TP, Sở GD-ĐT đã có những bước chuẩn bị chu đáo, tích cực để sớm đưa những nội dung của nghị quyết vào thực tiễn đời sống, góp phần giúp GD-ĐT TP tiếp tục phát triển, giữ vững ngọn cờ đầu của cả nước, từng bước hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng sự tin tưởng của các cấp lãnh đạo và sự kỳ vọng của người dân TP.

Đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy GD, tăng cường vai trò của Đảng và Nhà nước đối với quá trình đổi mới GD-ĐT: Xác định khâu tư tưởng, nhận thức là then chốt, là cơ sở cho mọi công cuộc đổi mới. Vì vậy, sở đã nhanh chóng và thường xuyên quán triệt những nội dung của nghị quyết, nhất là đổi mới tư duy của các CBQL GD mà xuất phát điểm chính là những cán bộ, chuyên viên của Sở GD-ĐT. Từ đó, tiếp tục lan tỏa đến từng CBQL GD của các đơn vị, đến từng GV, nhân viên trong mỗi nhà trường và cả HS, SV, các bậc phụ huynh. Bên cạnh đó, cũng tham mưu UBND TP chỉ đạo, quán triệt đến các sở ban ngành, đoàn thể TP.

Nội dung cần quán triệt gồm có: Đổi mới tư duy GD một cách nhất quán, từ khâu quán triệt đến tổ chức thực hiện các quan điểm, đường lối và chủ trương phát triển GD của Đảng; từ nhận thức mục tiêu GD đến các giải pháp, điều kiện đảm bảo để tạo chuyển biến căn bản và toàn diện GD-ĐT TP. Nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò của GD-ĐT đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ đất nước và phát triển con người; về các nguyên lý GD, mục tiêu GD toàn diện; việc phải chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế về GD; về GD trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo và CBQL GD đối với chất lượng GD. Đổi mới mạnh mẽ công tác thông tin và truyền thông để thống nhất về nhận thức, tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia của toàn xã hội vào công cuộc đổi mới và phát triển GD; tăng cường đầu tư, đẩy mạnh hoạt động phối hợp để phát triển kênh truyền hình GD nhằm tuyên truyền về các hoạt động đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp và hoạt động dạy nghề. Nâng cao vai trò và trách nhiệm của hệ thống Đảng và chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, đồng bộ đối với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đổi mới toàn diện nhà trường, xây dựng các mô hình trường học tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế.

Tăng cường công tác GD toàn diện HS, SV: Sở GD-ĐT luôn quan niệm GD phải mang tính toàn diện; dạy chữ phải song hành, hướng đến mục tiêu dạy người; GD phải đào tạo thế hệ trẻ sống có lý tưởng, có hoài bão, biết cống hiến, giàu nhiệt huyết, giỏi kỹ năng, chắc tay nghề, vững kiến thức để trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội, góp sức cho sự nghiệp xây dựng và phát triển TP. Để cụ thể hóa nội dung GD toàn diện của nghị quyết 29-NQ/TW, ngành GD-ĐT TP bước đầu đã thực hiện các nội dung sau: Tiếp tục triển khai hiệu quả, sáng tạo việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị gắn với đặc thù của ngành là thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” và chủ đề tư tưởng “Sống có trách nhiệm”. Đẩy mạnh các hoạt động biểu dương, tuyên truyền những gương thầy cô giáo tiêu biểu, điển hình trong dạy chữ, dạy người, những thầy cô có nhiều cống hiến cho sự nghiệp trồng người của TP (giải thưởng Võ Trường Toản, GV trẻ tiêu biểu, tuyên dương điển hình tiên tiến các giai đoạn…). Ngoài ra còn tổ chức tuyên dương các HS tiêu biểu, đạt nhiều thành tích cao về văn hóa, thể thao, âm nhạc… Đổi mới công tác GD chính trị tư tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống; tinh thần yêu nước bằng nhiều hình thức sinh động; tổ chức ký kết phối hợp với công an các cấp để tăng cường công tác quản lý, phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự trường học, phòng chống tội phạm, bạo lực, tệ nạn xã hội xâm nhập học đường. Xây dựng trường học an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh GD nghệ thuật; đổi mới mạnh mẽ công tác giảng dạy và học tập môn nhạc, họa; chú trọng đưa âm nhạc dân tộc vào nhà trường. Đẩy mạnh GD thể chất, chăm sóc sức khỏe HS, SV; đổi mới phương pháp giảng dạy môn thể dục và hoạt động thể thao học đường; chú trọng phát triển các môn võ dân tộc trong trường học, chương trình phổ cập bơi cho trẻ, các đề án đào tạo bóng đá trẻ... tiến tới mỗi HS tốt nghiệp THPT biết chơi ít nhất một môn thể thao. Chú trọng các hoạt động GD kỹ năng thích ứng cuộc sống cho HS nhằm trang bị những kiến thức để các em hòa nhập cộng đồng, tự giải quyết các vấn đề khó khăn của bản thân. Triển khai đề án Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ y tế trường học (đã được UBND TP phê duyệt), đảm bảo 100% trường có cán bộ y tế đạt chuẩn; Đề án nâng cao chất lượng công tác phổ biến GD pháp luật trong nhà trường. Tiếp tục xây dựng, mở rộng hệ thống tư vấn trường học ở tất cả các bậc học.

Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá ở tất cả các cấp học nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Đây là nội dung thế mạnh, là hoạt động mà ngành GD-ĐT TP đã tiên phong thực hiện từ sớm. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT nhận thấy việc đổi mới vẫn còn chưa được thực hiện một cách đồng bộ, chưa xứng tầm với những thuận lợi của một TP lớn, chưa phát huy hết những thế mạnh của ngành cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển TP. Thực hiện nghị quyết 29-NQ/TW, ngành đã tập trung thực hiện các giải pháp có tính đột phá như sau: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập, chú trọng cập nhật các phương pháp giảng dạy hiện đại của thế giới (STEM). Chú trọng hướng dẫn HS phương pháp tự học, tự nghiên cứu; tăng cường tổ chức cho các em học tập, nghiên cứu, làm việc nhóm; khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện để HS nghiên cứu khoa học, vận dụng các kiến thức đã học vào thực tế. Hiện nay hầu hết các trường THPT đã quan tâm việc tổ chức cho HS nghiên cứu khoa học, số lượng HS tham gia và số đề tài tăng lên theo từng năm, có rất nhiều HS đã đạt giải cấp quốc gia và thế giới. Chú trọng giảm tải chương trình nhằm khắc phục tình trạng quá tải, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành. Chủ động xin chủ trương và đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt chấp thuận cho phép biên soạn bộ SGK mới phù hợp với thực tiễn TP và bám sát chương trình khung quốc gia. Tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập GD TH đúng độ tuổi, phổ cập bậc trung học và đã được Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập GD MN cho trẻ 5 tuổi. Đã trình và được UBND TP phê duyệt ban hành tiêu chí xây dựng trường tiên tiến, hội nhập khu vực và quốc tế. Đã mở rộng mô hình (thêm 2 trường). Đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, đạo đức của HS, SV theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của người học, chuyển trọng tâm đánh giá nội dung học tập sang đánh giá phẩm chất và năng lực của người học. Chỉ đạo và tổ chức các kỳ thi cấp quốc gia và TP an toàn, nghiêm túc, đảm bảo kết quả thi thực sự khách quan, phản ánh đúng chất lượng dạy và học, tác động tích cực đến việc dạy và học, thực hiện các mục tiêu GD. Đã triển khai các chương trình đánh giá HS quốc tế: PISA, PASEC. Củng cố, phát triển GD thường xuyên, mở rộng hình thức đào tạo từ xa, vừa làm vừa học, tự học có hướng dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Triển khai có hiệu quả Đề án Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho HS phổ thông và chuyên nghiệp TP. Đã được UBND TP chấp thuận cho phép triển khai chương trình tích hợp dạy toán, khoa học bằng tiếng Anh dựa trên chương trình khung của Bộ GD-ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục Anh.

Đổi mới cơ chế quản lý GD: Trong các nội dung của nghị quyết 29-NQ/TW, đây là nội dung đã được ngành thực hiện từ nhiều năm nay nhằm tạo cơ chế thuận lợi cho sự phát triển của GD-ĐT TP. Cụ thể như sau: Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung nghị định 115/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về GD và thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT-BGDĐT-BNV của Liên bộ Bộ GD-ĐT - Bộ Nội vụ về phân cấp quản lý trong GD. Phân cấp quản lý mạnh mẽ cho các nhà trường trên nguyên tắc tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Bổ sung cơ chế để các phòng GD-ĐT tham gia quyết định trong quản lý nhân sự và các nguồn tài chính cho GD. Tăng cường quản lý Nhà nước về GD đối với các loại hình GD khác nhau, đặc biệt là các cơ sở GD có yếu tố nước ngoài. Tăng cường quản lý Nhà nước, đổi mới tổ chức và hoạt động công tác thanh tra GD. Tập trung chiều sâu các hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, chú trọng thanh tra công tác dạy thêm, học thêm; tăng cường thanh tra các cơ sở GD-ĐT ngoài công lập, có yếu tố nước ngoài; chấn chỉnh việc đào tạo liên kết với nước ngoài; tăng cường chỉ đạo công tác tự kiểm tra; kiện toàn tổ chức thanh tra GD và nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho thanh tra viên và cộng tác viên. Hướng dẫn chi tiết, tăng cường kiểm tra công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp hằng năm; đổi mới công tác tuyển sinh lớp 10. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công khai đối với các cơ sở GD; giám sát chặt quản lý thu - chi tại các cơ sở GD, xử lý nghiêm các vi phạm. Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý. Đặc biệt, với những thành công bước đầu và định hướng mở rộng, phát triển, đề án “Thanh toán học phí không sử dụng tiền mặt”, Đề án thẻ SSC, sẽ tạo bước đột phá trong việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý cũng như tăng cường các tiện ích hỗ trợ hoạt động giảng dạy của GV và học tập của HS. Đẩy mạnh phong trào thi đua phù hợp với từng đối tượng. Đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo hướng thiết thực, hiệu quả. Đảm bảo khen thưởng đúng đối tượng, chính xác và kịp thời. Quản lý chất lượng đầu ra; quản lý quá trình đào tạo và chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng. Xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng độc lập về chất lượng GD-ĐT.

Xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQL GD: Sớm nhận thức được tầm quan trọng của khâu then chốt tạo bước đột phá nhằm thực hiện thành công nghị quyết 29-NQ/TW, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tổ chức, quy hoạch cán bộ, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo và CBQL GD. Cụ thể như sau: Thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành GD-ĐT TP giai đoạn 2012-2020. Tổ chức đánh giá, xếp loại nhà giáo, CBQL ở các bậc học, cấp học theo các chuẩn của Bộ GD-ĐT. Xây dựng và triển khai thực hiện đề án “Đào tạo, bồi dưỡng GV TP”, đảm bảo cung cấp đầy đủ GV các cấp học, ngành học (nhất là GV MN và TH), lập kế hoạch xây dựng trung tâm bồi dưỡng GV nhằm làm tốt công tác. Tiếp tục triển khai bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng giảng dạy tiếng Anh cho GV các bậc học theo đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho HS phổ thông và chuyên nghiệp TP” theo phương thức đào tạo trong và ngoài nước. Thường xuyên thực hiện công tác rà soát, sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo và CBQL GD phù hợp. Tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, đánh giá, sử dụng và bổ nhiệm nhà giáo, CBQL GD. Trên cơ sở tham mưu của Sở GD-ĐT, Hội đồng Nhân dân TP và Ủy ban Nhân dân TP đã ban hành các quyết định thực hiện một số các chế độ đặc thù hỗ trợ ngành học MN TP:

Đối với CBQL, GV: Tại các cơ sở GD MN công lập, hỗ trợ thêm 25% tiền lương do tính chất công việc. Như vậy tổng mức hỗ trợ là 60% (35% theo quy định Trung ương và 25% TP hỗ trợ thêm). Đối với CBQL và GV trực tiếp giảng dạy nhóm lớp 6 đến 18 tháng tuổi: Hỗ trợ thêm 35% tiền lương, bằng với mức hỗ trợ của trường chuyên biệt được hưởng phụ cấp ưu đãi 70%. Như vậy, mức phụ cấp của CBQL, GV giảng dạy nhóm lớp 6 đến 18 tháng tuổi là 70% tiền lương, bằng với mức phụ cấp ưu đãi GV trường chuyên biệt (gồm 35% phụ cấp ưu đãi, 35% do tính chất công việc). Mức phụ cấp đối với CBQL và GV trường MN không dạy nhóm lớp 6 đến 18 tháng tuổi là 60% tiền lương (gồm 35% phụ cấp ưu đãi, 25% do tính chất công việc).

Đối với nhân viên các trường MN: Hỗ trợ thêm 25% tiền lương. Đối với GV MN mới ra trường được tuyển dụng mới: Hỗ trợ thêm cho GV mới ra trường về công tác tại các trường MN từ năm học 2014-2015 đến năm học 2016-2017, theo mức như sau: Năm đầu: Hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng; Năm thứ hai: Hỗ trợ 70% lương cơ sở/người/tháng; Năm thứ ba: Hỗ trợ 50% lương cơ sở/người/tháng; Từ năm thứ tư thực hiện chế độ tiền lương theo quy định hiện hành. Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cho CBQL và GV, giảng viên các bậc học. Triển khai thực hiện đề án “Bồi dưỡng CBQL, GV các cấp của TP.HCM giai đoạn 2012-2020”.

Công tác kế hoạch, tài chính và tăng cường CSVC: Tiếp tục chỉ đạo để thực hiện tốt công tác kế hoạch, tài chính và tăng cường CSVC trường học, một trong những thế mạnh của ngành GD-ĐT TP.HCM. Cụ thể như sau: Triển khai thực hiện các nội dung của nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng đối với cơ sở GD thuộc hệ thống GD quốc dân và thông tư liên tịch số 20/2014/TTLT-BGĐT-BTC-BLĐTBXH của Liên Bộ GD-ĐT - Bộ Tài chính - Bộ LĐ-TB&XH về hướng dẫn một số điều của nghị định 49 và nghị định số 74/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi một số điều của nghị định 49. Đảm bảo nguồn chi ngân sách cho GD-ĐT TP không dưới 26%. Thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm học phí, các chính sách xã hội nhằm đảm bảo mọi HS có hoàn cảnh khó khăn có khả năng học tập đều được đi học. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp theo Đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp (có điều chỉnh) đã được UBND TP phê duyệt, đặc biệt thúc đẩy tiến độ xây dựng các trường MN tại các KCX, KCN và hệ thống trường lớp các xã tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống thiết bị dạy học, chú trọng trang bị các thiết bị tiên tiến, hiện đại (bảng tương tác, máy tính, máy chiếu, các trang bị hiện đại ở các phòng thí nghiệm…).

Tăng cường hỗ trợ cho các HS có điều kiện khó khăn: Quán triệt sâu sắc khẩu hiệu “TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, ngành GD-ĐT TP luôn quan tâm hỗ trợ cho HS có hoàn cảnh khó khăn với phương châm “Không để bất kỳ HS nào không thể đến trường vì hoàn cảnh khó khăn”. Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả “Đề án thực hiện các chính sách xã hội qua công tác GD” nhằm chăm lo cho trẻ em nghèo ở các vùng ven, vùng ngoại thành, khu dân cư lao động, kể cả trẻ em ở vùng tái định cư nhằm đảm bảo công bằng trong GD, đảm bảo không có trẻ em nào không được đến trường vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Có cơ chế học bổng, miễn - giảm học phí, hỗ trợ SGK và dụng cụ học tập cho HS, SV người dân tộc thiểu số và thuộc diện chính sách xã hội; hỗ trợ GD đặc biệt cho người khuyết tật, trẻ em các dân tộc rất ít người, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV và trẻ em lang thang đường phố; học bổng cho các HS, SV xuất sắc. Triển khai chương trình đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt tại các xã xây dựng nông thôn mới. Tập trung thực hiện thí điểm việc giữ trẻ 6-18 tháng tuổi, đặc biệt chú trọng đối tượng con công nhân trong các KCX, KCN, người lao động.

Đẩy mạnh xã hội hóa, xây dựng xã hội học tập: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa GD, tăng cường huy động các nguồn lực phát triển GD. Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”, đề án “Xóa mù chữ giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn TP”, phấn đấu đến năm 2020 TP.HCM đạt các tiêu chí của “TP học tập”. Củng cố, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng.

Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về GD: Sở GD-ĐT đã ký kết với Bộ GD-ĐT và Cộng đồng Bang New South Wales - Úc chương trình hợp tác đào tạo nghề (chương trình TAFE) cho HS các trường CĐ, TCCN. Các trường tham gia dự án gồm: CĐ KT-KT TP.HCM (ngành tin học ứng dụng; công nghệ may và thời trang; bảo trì và sửa chữa ô tô); CĐ CN Thủ Đức (ngành công nghệ thông tin, du lịch và quản trị du lịch); TC KT-KT Nguyễn Hữu Cảnh (ngành cơ khí chế tạo và bảo trì sửa chữa thiết bị nhiệt)… Sở GD-ĐT cũng đã thảo luận với Tổ chức Temasek Foundation - Singapore ký kết Đề án bồi dưỡng CBQL; cán bộ phát triển chương trình; về đổi mới phương pháp giảng dạy GD chuyên nghiệp. Đã ký bản ghi nhớ hợp tác đào tạo nghề và xây dựng trung tâm bồi dưỡng GV với ĐH Dongyang (Hàn Quốc); ký bản ghi nhớ về việc triển khai dự án “Phát triển GD Việt Nam” với Công ty Vina Edu (Hàn Quốc).

Kết quả bước đầu đã chứng minh với sự chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt của lãnh đạo TP, sự huy động nguồn lực mạnh mẽ cả hệ thống chính trị, với sự tham gia ủng hộ của nhân dân TP cộng với truyền thống tích cực, chủ động của ngành GD-ĐT, việc triển khai thực hiện các nội dung nghị quyết 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” tại TP.HCM bước đầu có nhiều thuận lợi, đã sớm cụ thể hóa những nội dung của nghị quyết vào thực tiễn đời sống, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của TP giúp sự nghiệp GD-ĐT TP tiếp tục phát triển bền vững để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo thế hệ trẻ, nguồn nhân lực trẻ TP “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của TP mang tên Bác.