Thứ ba, 23/5/2017, 19h57

Khó truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Ngày 23-5, Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP.HCM đã phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) từ gốc ở TP.HCM - Thực trạng và giải pháp”. Tại đây, nhiều đại biểu cho rằng thực phẩm tại thành phố chủ yếu được nhập từ các tỉnh, thành nên rất khó quản lý, sử dụng chất phụ gia tràn lan, quản lý chồng chéo…

Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM kiểm tra nguồn gốc thực phẩm ở chợ tại một buổi khảo sát. Ảnh: M.Châu

Cần tập trung quản lý 3 chợ đầu mối

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, nguồn thực phẩm sản xuất tại thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu của người dân, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh và nhập khẩu qua nhiều đường khác nhau. Vì vậy, thành phố gặp khó khăn trong việc quản lý và truy xuất nguồn gốc khi có sự cố về ATTP nông, lâm thủy sản.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh Chợ nông sản Thủ Đức nêu lên thực trạng: “Chúng tôi rất trăn trở trong hoạt động quản lý kinh doanh ở chợ do không chủ động được nguồn hàng, chủ yếu thương lái ở các tỉnh đưa về. Nói về ATTP tại chợ, chúng tôi chưa dám khẳng định, bước 1 chỉ có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, còn trồng gì, tưới nước như thế nào, bảo quản ra sao khi thu hoạch… chúng tôi chưa nắm được hết”.

Phần lớn thực phẩm cung cấp cho người dân thành phố được nhập khẩu, do đó nhiều đại biểu cho rằng tốt nhất là nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất và nhà phân phối. Hiện TP.HCM có 240 chợ truyền thống kinh doanh thực phẩm, trong đó có 3 chợ đầu mối lớn. Ông Nguyễn Nguyên Phương, đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết, nguồn thực phẩm thành phố chủ yếu phân phối qua 3 chợ đầu mối lớn là chợ nông sản Thủ Đức, chợ Bình Điền và chợ Hóc Môn (chiếm 80% thực phẩm nhập từ nơi khác về), còn lại phân phối ở các hệ thống như siêu thị, chợ truyền thống. “Nếu quản lý được nguồn thực phẩm ở 3 chợ đầu mối này và các siêu thị thì 95%  nguồn thực phẩm đã kiểm soát được”, đại diện Sở Công thương khẳng định.

Về vấn đề này, ông Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế Công cộng TP.HCM đồng tình, 3 chợ đầu mối là nguồn gốc thực phẩm của thành phố vì cung cấp tới 80% lượng thực phẩm cho người dân. Vì vậy tập trung vào quản lý ở 3 chợ đầu mối này thì sẽ hạn chế được những vấn đề về thiếu ATTP.

Bà Nguyễn Thị Nhã Trúc, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Ban Quản lý ATTP TP.HCM cũng cho rằng: “Để làm tốt công tác quản lý ATTP trong giai đoạn hiện nay, thành phố cần tăng cường hơn nữa việc liên kết, phối hợp với các tỉnh trong kiểm soát chất lượng ATTP từ gốc và xây dựng các quy chuẩn chất lượng sản phẩm đưa vào tiêu thụ tại thành phố”.

“Bó tay” với chất phụ gia

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng vấn đề đau đầu nhất hiện nay là tình trạng sử dụng chất phụ gia, hóa chất vào thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Ông Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế Công cộng TP.HCM đồng tình, 3 chợ đầu mối là nguồn gốc thực phẩm của thành phố vì cung cấp tới 80% lượng thực phẩm cho người dân. Vì vậy, tập trung vào quản lý ở 3 chợ đầu mối này thì sẽ hạn chế được những vấn đề về thiếu ATTP.

Bà Nguyễn Thị Nhã Trúc cho biết: “Các cơ quan chức năng đã phát hiện những trường hợp sản xuất kinh doanh không đảm bảo an toàn như chất Auramine O (vàng O) trong măng, thịt heo chứa chất tạo nạc, phẩm màu trong ruốc; chất bảo quản, phụ gia không được phép dùng trong bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm… đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng”.

Chất phụ gia, chất tạo nạc, hóa chất được trộn vào thức ăn… là nỗi sợ lớn nhất của người tiêu dùng. Vậy nhưng, tại hội thảo này nhiều đại biểu nhìn nhận các chất phụ gia, hóa chất vẫn được sử dụng tràn lan.

“Các cơ sở chế biến thức ăn nhỏ lẻ hàng ngày như cửa hàng kinh doanh phở, hủ tiếu… thường dùng  hóa chất để ninh nấu cho mềm lại được mua tự do ở chợ Kim Biên mà không có sự hướng dẫn”, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm thành phố nêu rõ.

Về vấn đề này, ông Lê Trường Giang cũng cho rằng vấn đề đau đầu nhất hiện nay là tình trạng buôn bán lẫn lộn giữa hóa chất trong phụ gia thực phẩm và trong công nghiệp tại chợ Kim Biên. Ông Giang cho rằng hóa chất, phụ gia là những mặt hàng kinh doanh có điều kiện nhưng đến nay việc quản lý gần như “bó tay”. Vì vậy, cần phải ban hành quy định quản lý hóa chất phụ gia trong thực phẩm.

Minh Châu