Thứ năm, 18/8/2016, 22h07

Không có môn học nào là phụ!

“Không nên suy xét môn này hay môn kia là phụ bởi tất cả những môn phụ đều có thể có ích sau này nếu biết cách vận dụng”, đó là lời khuyên của Nguyễn Hoàng Hải (cựu học sinh Trường THPT Gia Định, TP.HCM - hiện đang học ngành kỹ thuật điện - điện tử Trường ĐH Nghiên cứu Tổng hợp  University of cincinnati) dành cho lớp đàn em tại buổi chia sẻ về ngành học và những kinh nghiệm săn học bổng du học.

Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ kinh nghiệm học tập với các em học sinh Trường THPT Gia Định

Ngành kỹ thuật cần phải định hướng rõ ràng

So với những ngành khác, những người có ý định xin học bổng du học thuộc các ngành khối kỹ thuật thường gặp khó khăn khi viết bài luận. Hoàng Hải thừa nhận, bản thân dù đạt điểm số rất cao trong kỳ thi IELTS nhưng khi viết bài luận bạn vẫn không biết phải bắt đầu từ đâu, viết như thế nào vì… nghèo ý tưởng. Cuối cùng, Hoàng Hải lựa chọn viết theo những gì mình nghĩ, chân chất, mộc mạc chứ không phô trương quá mức. Nhưng chính những suy nghĩ thật thà, câu từ không hoa mỹ lại giúp bạn có được “tấm vé” để vào trường ĐH mà mình mơ ước.

Dù ngoại ngữ vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa như hiện nay, nhưng nó vẫn chỉ là công cụ để đạt được mục đích, chuyên môn mới là yếu tố quyết định khi xin vị trí thực tập và việc làm trong môi trường quốc tế.

Chia sẻ về kinh nghiệm viết bài luận, Hoàng Hải khuyên các em học sinh Trường THPT Gia Định nên viết chân thực những gì mình nghĩ, không nên viết quá hoa văn bởi điều này sẽ khiến người nhận đơn nghi ngờ những gì mình viết và họ có thể sẽ liên lạc để kiểm định lại những nghi ngờ này. Bài luận cần nêu rõ được những định hướng của mình khi sang du học, nhất là với chuyên ngành mình chọn. “Nước ngoài thường định hướng nghề nghiệp từ rất sớm nên bài luận khi đăng ký ngành học phải thể hiện được mình hiểu biết về ngành học đó như thế nào? học cái gì? học ra làm gì? ngành học đó sẽ được ứng dụng vào thực tế như thế nào?, đồng thời phải viết chính xác lĩnh vực chuyên sâu mình muốn làm. Bài luận cũng nên đề ra các đóng góp mà mình có thể làm được trong trường sau này bằng những dẫn chứng cụ thể về những việc mình đã đóng góp được cho trường và xã hội hiện tại. Chỉ khi thấy được mục đích rõ ràng, đơn vị tuyển sinh mới nhận xét người viết bài luận này có xứng đáng để nhận được học bổng hay không”, Hoàng Hải phân tích.

Ngoại ngữ chỉ là một công cụ

Nói về kinh nghiệm học tiếng Anh, Hoàng Hải cho rằng: “Để trau dồi tiếng Anh không khó, các em cứ hòa mình trong môi trường hoàn toàn bằng tiếng Anh, mà việc đầu tiên nên làm là chỉnh giao diện máy tính, điện thoại, iPad bằng tiếng Anh. Khi có ý định học tiếng Anh nghiêm túc, các em nên ngưng hẳn việc truy cập vào các trang web tiếng Việt, thay vào đó chuyển qua tìm kiếm tài liệu, thông tin bằng tiếng Anh, học các lớp online như Coursera, EdX (những lớp học này có thể bổ sung cho kiến thức học trên lớp). Đồng thời, các em cũng nên thay toàn bộ kênh giải trí truyền thông bằng nguồn tiếng Anh dễ kiếm như Youtube, The Economist, BBC, Wall Street Journal, CNN, the Guardian... Ngoài tiếng Anh, sau này các em nên học thêm một ngoại ngữ khác bởi khi thực tập hay làm việc ở đất nước có nói ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh, việc biết thêm ngôn ngữ của họ sẽ giúp các em bớt đi cảm giác như mình bị câm, bị điếc, bị mù khi họ nói chuyện, đồng thời có nhiều cơ hội hơn trong khi làm việc”.

Tuy nhiên, dù ngoại ngữ vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa như hiện nay, nhưng nó vẫn chỉ là công cụ để đạt được mục đích, chuyên môn mới là yếu tố quyết định khi xin vị trí thực tập và việc làm trong môi trường quốc tế. Những môn học khi ngồi trên ghế trường phổ thông sẽ cho các em thêm nhiều kỹ năng mà chỉ sau này mới thấy được giá trị của nó. “Khi thực tập trong một tập đoàn sản xuất ô tô ở Đức, chính những kỹ năng khi học môn vẽ kỹ thuật ở trường phổ thông đã giúp tôi có một công việc đáp ứng được đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác, tính cẩn thận và nguyên tắc của người Đức. Vì thế, nếu những em nào đã có định hướng rõ ràng về ngành học, khối thi mà mình vào ĐH không nên xem thường các môn học khác vì tất cả các môn học bị cho là phụ đó đều có thể có ích sau này nếu biết cách vận dụng”, Hoàng Hải nhấn mạnh.

Bên cạnh những chia sẻ về cách xin học bổng, viết bài luận, học ngoại ngữ, Hoàng Hải cũng giúp các em học sinh có cái nhìn thực tế hơn về môi trường giáo dục ĐH. Bạn cho rằng, học ĐH là quan trọng nhưng không phải là tất cả bởi cốt lõi của giáo dục là giáo dục về tâm hồn chứ không chỉ về vật chất. “Nền kinh tế tư bản mang tính đào thải, chọn lọc rất nhanh nên đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực không ngừng nghỉ, nhịp độ làm việc nhanh mới đáp ứng được môi trường làm việc của các nước tư bản. Bởi vậy, dù học bất cứ bậc học, trường học nào thì mỗi người đều phải tự phấn đấu, trau dồi bản thân để không bị đào thải trước những thay đổi của nền kinh tế thế giới”, Hoàng Hải nói.

Bài, ảnh: Ngọc Anh