Chủ nhật, 1/12/2013, 12h12

Không nên “thần thánh” thực phẩm chức năng

TPCN được bày bán rất nhiều ở các nhà thuốc, người tiêu dùng nên hiểu đúng và sử dụng đúng

Ngày 30-11, tại TP.HCM, Bộ Y tế phối hợp với Liên đoàn Lao động Việt Nam, Báo Lao Động đã tổ chức hội thảo “Thực phẩm chức năng (TPCN): Vai trò trong dự phòng, thực trạng quản lý và định hướng trong thời gian tới”. Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khuyến cáo người tiêu dùng: “Không nên “thần thánh” hay tẩy chay TPCN...”.
“Bùng nổ” TPCN
Theo bà Tiến: “TPCN được biết đến là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh. TPCN bắt đầu phát triển từ những năm 80 của thế kỷ trước tại một số nước như Nhật, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU... Bằng nhiều cách khác nhau, người ta đã chủ động áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật trong sản xuất, điều chế TPCN như lấy bớt những phần không có lợi và bổ sung các thành phần có lợi vào các sản phẩm (SP) tùy theo yêu cầu, mục đích trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe”.
Tại Việt Nam, từ chỗ chỉ có khoảng 30 loại SP TPCN được nhập khẩu vào năm 2000 thì đến nay đã tăng lên 10 ngàn loại SP. Bên cạnh đó, cả nước cũng có gần 1.800 doanh nghiệp tham gia sản xuất TPCN. Số liệu của Bộ Y tế cho thấy, năm 2011, cả nước có 3.208 loại SP TPCN, trong đó sản xuất trong nước là 2.107 SP, nhập khẩu - 1.171 SP; năm 2012 tăng lên 4.920 SP: Sản xuất - 3.208 SP, nhập khẩu - 1.737 SP; 6 tháng đầu năm 2013 - 2.569 SP: Sản xuất - 1.720 SP, nhập khẩu - 849 SP. Phần lớn các loại TPCN nhập từ Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, Canada. Song số SP mà ngành y tế “nắm” được chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi hàng xách tay, nhập lậu ở nước ngoài về Việt Nam rất khó kiểm soát. Rồi hàng giả, hàng nhái tràn lan, “ruột” thì của Trung Quốc nhưng vỏ lại ghi “made in USA”.
Không những vậy, “Nhiều TPCN luôn được quảng cáo quá công dụng thực tế. Bằng chứng là trong tháng 10-2013, Thanh tra Bộ Y tế đã kiểm tra 95 cơ sở kinh doanh, sản xuất TPCN. Kết quả có 48 cơ sở bị xử phạt với số tiền 734 triệu đồng, 4 cơ sở bị thu hồi giấy chứng nhận tiêu chuẩn SP... Trong các lỗi xử phạt có tới 53% là vi phạm về quảng cáo”, ông Nguyễn Thanh Phong - Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết.
Và chính những lời quảng cáo “có cánh” đã khiến không ít người tiêu dùng coi TPCN như “thần dược”. Họ sẵn sàng bỏ ra một số tiền khổng lồ, hoàn toàn không tương xứng với giá trị SP để mua TPCN về sử dụng. Sau khi sử dụng thấy hiệu quả không như quảng cáo thì bắt đầu tẩy chay với tất cả các loại TPCN.
Vấn đề đặt ra cho ngành y tế hiện nay là phải làm sao đưa TPCN về đúng vị trí của nó?
Cho phép bác sĩ kê toa TPCN?
Về vấn đề quản lý TPCN, theo PGS.TS Lê Văn Truyền - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia cao cấp dược học, thì: “Ở nhiều nước trên thế giới không cho phép ghi công dụng, đối tượng sử dụng trên nhãn các loại SP TPCN nhưng bác sĩ được phép kê đơn, chỉ định, hướng dẫn cho bệnh nhân sử dụng. Một số ít nước lại cho phép ghi trên nhãn tác dụng, công dụng của TPCN. Tại những nước này, TPCN được bày bán tự do ở siêu thị, nhà thuốc mà không cần đơn của bác sĩ. Ở nước ta, ngành y tế cho phép ghi nhãn hướng dẫn sử dụng cụ thể (về công dụng, đối tượng sử dụng) nhưng doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Việt Nam hiện cấm bác sĩ kê toa TPCN trong đơn thuốc. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng phần lớn người tiêu dùng sử dụng TPCN thông qua quảng cáo, truyền miệng và thậm chí có cả kênh phân phối, tư vấn của những người không có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực y tế”.
Dẫn chứng cho thực trạng này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tiêu dùng và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam kể: “Một bệnh nhân ở Hà Nội bị liệt nửa người do tai biến mạch máu não, đọc quảng cáo trên một tờ báo chính thống biết được “Tâm não khang” có tác dụng chữa khỏi bệnh cho người bị tai biến mạch máu não lâu ngày, chỉ cần dùng 3 liệu trình có thể đứng dậy, chạy được. Theo đó đã đến cửa hàng để khám và mua thuốc về uống. Nhưng uống được 4 hộp thì chân phải bị phù nề, sưng to dần. Sau khi thắc mắc, được nơi bán hàng tư vấn, bệnh nhân lại uống tiếp 2 hộp nhưng chẳng những không khỏi mà chân còn sưng to thêm. Một bệnh nhân khác nghe quảng cáo trên “TVShopping” đã mua TPCN Trà túi Đan Sâm dùng cho người cao huyết áp nhưng uống vào huyết áp lại tăng lên”. Và đây chỉ là 2 trong số rất nhiều người tiêu dùng tìm tới Hội Tiêu dùng và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam để khiếu nại về TPCN.
“Để bảo vệ người tiêu dùng, liệu có nên cho phép bác sĩ kê toa TPCN hay không?”, đó là câu hỏi được nhiều đại biểu đặt ra đối với lãnh đạo Bộ Y tế.
Trả lời câu hỏi này, ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết: Theo thông tư 04 của Bộ Y tế thì bác sĩ không được kê toa TPCN, bởi đã từng xảy ra tình trạng lạm dụng kê đơn TPCN trong khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Hướng sắp tới của Bộ Y tế là sẽ cho phép bác sĩ hướng dẫn, tư vấn cho người bệnh trong việc sử dụng TPCN.
Ông Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm: “Trong thông tư sắp ban hành về TPCN, bác sĩ được phép kê đơn TPCN nhưng tùy vào đối tượng người bệnh. Và TPCN không kê chung với đơn thuốc để tránh tình trạng các công ty sản xuất TPCN tiếp thị với bác sĩ, người dân quá tin vào TPCN...”.
Bài, ảnh: Hòa Triều