Chủ nhật, 8/11/2015, 09h53

Không tiêm chủng: Nhiều dịch bệnh đã “thanh toán” sẽ tái xuất

Trong 2 ngày 20 và 27-10, đã xảy ra 2 vụ tử vong sau tiêm vaccin Quinvaxem. Trường hợp thứ nhất là một bé trai 3 tháng tuổi (xã Quang Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An), sau tiêm vaccine (ngày 20-10) khoảng 1 giờ đã tử vong. Trường hợp thứ hai là một bé gái hơn 4 tháng tuổi đã tử vong (ngày 27-10) sau 2 ngày tiêm vaccine tại Trạm y tế xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương.

Điều này đã gây không ít hoang mang cho dư luận, nhiều bà mẹ có con nhỏ không dám đưa con đi tiêm chủng. Hành động này của các bà mẹ sẽ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng không chỉ cho sức khỏe của đứa trẻ mà còn có nguy cơ nhiều dịch bệnh đã được “thanh toán” tái xuất hiện. Theo đó, cuối tuần qua Bộ Y tế đã cung cấp cho báo chí một số thông tin về việc sử dụng vaccin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR).

Chương trình TCMR được triển khai từ năm 1985. Qua 30 năm triển khai, hàng trăm triệu liều vaccin đã được tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ để phòng 12 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, sởi, bại liệt, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn, rubella và bệnh do vi khuẩn Hib. Nhờ vậy, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005, tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, sởi… đã giảm hàng ngàn lần so với trước khi triển khai chương trình này.

Riêng về vaccin Quinvaxem là vaccin phối hợp phòng 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và bệnh viêm màng não/viêm phổi nặng do vi khuẩn Hib gây ra. Đây là loại vaccin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiền thẩm định về chất lượng. Với mong muốn giảm thiểu số mũi tiêm cho trẻ em, từ tháng 6-2010, vaccin này đã được Bộ Y tế đưa vào chương trình TCMR. Sau hơn 6 năm triển khai, đã có khoảng 24,9 triệu liều vaccin Quinvaxem được tiêm cho trẻ vào lúc trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi. Trong đó, từ đầu năm 2015 đến nay đã sử dụng 3.489.295 liều. Với tỷ lệ tiêm chủng vaccin này hàng năm đạt trên 90% đã góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và bệnh viêm màng não/viêm phổi nặng do vi khuẩn Hib gây ra, trong khi tại một số nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp đang bùng phát một số bệnh dịch bạch hầu, ho gà…

Cũng theo Bộ Y tế, về nguyên tắc các vaccin đều phải đảm bảo tính an toàn, hiệu lực và kiểm định nghiêm ngặt mới được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, giống như thuốc, không có một loại vaccin nào dù tốt đến đâu có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối 100% như mong muốn. Mỗi cá thể phản ứng với vaccin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24 giờ. Ngoài ra cũng có một số rất ít có phản ứng mạnh với vaccin như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc phản vệ và tử vong. Việc tử vong sau tiêm chủng có thể xảy ra ở tất cả các loại vaccin chứ không phải chỉ có Quinvaxem. Quan trọng hơn là không phải tất cả các trường hợp tử vong sau tiêm chủng là do nguyên nhân phản ứng quá mẫn cá thể đối với vaccin mà còn có nguyên nhân trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác sẵn có của trẻ tại thời điểm sau tiêm. Tại Việt Nam, mỗi ngày có khoảng 70 trẻ em dưới 1 tuổi bị tử vong do các nguyên nhân khác nhau như nhiễm trùng huyết, viêm não-màng não, viêm phổi, suy hô hấp, bệnh tim bẩm sinh, chết đột tử, sặc sữa...

Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân: Mục đích của tiêm chủng là bảo vệ toàn thể cộng đồng, nên nếu tỉ lệ phản ứng sau tiêm chủng nằm trong thống kê của WHO thì nhất thiết vẫn phải duy trì tiêm chủng để tránh dịch bệnh bùng phát. Nếu trẻ em không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, tiêm chủng muộn thì nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn. Ví dụ trong thời gian qua dịch sởi bùng phát tại Việt Nam, Mỹ, Úc và một số quốc gia châu Âu mà phần lớn những người mắc bệnh do không tiêm chủng. Hiện nay dịch bạch hầu đang bùng phát tại Lào do tỷ lệ tiêm phòng bệnh bạch hầu thấp...

Hòa Triều