Thứ sáu, 4/11/2011, 09h11

Kỉ niệm gia sư 20/11

Với vốn kiến thức sẵn có và tham khảo thêm một số sách hướng dẫn, bất kì bạn sinh viên nào cũng có thể làm gia sư. Hầu hết các gia sư đều có hoàn cảnh khó khăn, dạy kèm để “lấy ngắn nuôi dài”. Nếu chịu khó di chuyển xa, nhận nhiều “cua” dạy thì thu nhập cũng đủ sống và trang trải cho việc học. Tôi đến với nghề gia sư cách đây hơn 10 năm cũng như bao nhiêu sinh viên nghèo khác…

Thầy Nguyễn Văn Tiễn - Giám đốc Trung tâm

Cái xóm nghèo của tôi ở sát nghĩa trang Bình Hưng Hòa, bạn bè của tôi cùng năm đó lần lượt ra đi vì ma túy, chỉ còn tôi đi học, thấy hoàn cảnh tôi khó khăn, ông tổ trưởng cho tôi 50.000đ để mua 2 cái bàn dạy học. Tôi trở thành thầy giáo không chuyên từ đó.
Ban đầu tôi dạy cho mấy em nhỏ trong xóm và kiêm luôn lớp xóa mù chữ cho đám trẻ lượm ve chai gần đó. Đám trẻ đến lớp lúc nào cũng lấm lem, quần thì kéo lò xo đến tận háng, nói năng văng tục đủ kiểu và đặc biệt chẳng bao giờ chúng vệ sinh răng miệng trước khi đến lớp. Ngày đầu đi học, chúng quăng mấy bao ve chai trước hiên nhà cái “phịch” làm tôi hết hồn, rồi chúng vào thẳng lớp chẳng thèm chào tôi tiếng nào cả. Cái bàn tôi mua yếu xìu mà chúng ngồi tót lên, còn nhún nhún muốn gãy luôn… “Thầy ơi em không có viết”, “Thầy ơi em không có vở”, “Thầy đẹp trai quá”… lớp học có 5, 6 đứa mà như cái chợ. Tôi thấy hơi choáng nhưng rồi cũng ổn định được lớp. Một đứa trong nhóm lôi một đống tập cũ ra khoe. Nghe đâu bà chủ vựa ve chai nghe chúng khoe sắp đi học nên chuẩn bị cho chúng, còn viết thì… “đành tốn kém vậy”. Tôi chạy ra tiệm tạp hóa đầu ngõ mua cho chúng mỗi em 1 cây bút chì, coi như “một khoảng đầu tư nho nhỏ”. Có bút, có tập chúng vui vẻ và hào hứng lắm, tuy nhiên chúng không tương đồng về tuổi tác và không quen với trường lớp nên rất khó dạy. Rồi buổi dạy đầu tiên cũng kết thúc, chúng đã biết chào thầy lúc ra về. Tôi dọn dẹp lại bàn ghế thì hỡi ơi một cái ghế nhựa đã không cánh mà bay… Vậy là tổng thiệt hại không chỉ có 5 cây bút chì. Phải khó khăn lắm tôi mới chuộc cái ghế từ vựa ve chai tốn hết 1.500đ. Ngày thứ 2 chúng có vẻ ngoan hơn, nhưng tôi cũng rất đề phòng, dạy xong tôi bảo chúng xếp bàn ghế ngay ngắn rồi mới cho về. Tôi mừng thầm vì chúng đã vâng lời và ngoan ngoãn nhưng bất ngờ, tin sét đánh ngang tai khi tôi vừa ra cửa thì… đôi dép nhựa của tôi đã mất tích.
Một thời gian sau chúng cũng biết đọc, biết viết và trở nên ngoan hơn. Trước ngày 20/11 tôi dự định sẽ cho chúng liên hoan ít bánh kẹo và giới thiệu cho chúng biết về ngày Nhà Giáo Việt Nam. Nghe liên hoan chúng mừng lắm (dù chưa biết ngày 20/11 là ngày gì). Thế rồi sự cố xảy ra: tôi mất cái ổ khóa nhà, tra hỏi mãi không ra, tôi giận lắm, hủy buổi liên hoan của chúng. Ngày 20/11 các lớp dạy thêm khác của tôi đều được liên hoan, còn lớp xóa mù chữ thì không. Tuy nhiên, tôi định bụng nếu chúng có lãng vãng đến thì cũng kêu chúng vào để liên hoan chung. Quái lạ, từ sáng đến chiều chẳng thấy đứa nào, ngày thường chúng vẫn thường vác bao ve chai ở gần đây thôi mà. Phần bánh kẹo liên hoan tôi để dành cho chúng vẫn còn trên bàn, đợi đến tối tôi định khóa cửa đi thăm thầy cô cùng mấy đứa bạn thì…
- Thầy có nhà không?
- Thầy ơi, mở cửa…
- Sao giờ này tụi em mới tới, còn chưa chịu tắm rửa nữa? Vào nhà đi, bánh kẹo còn nhiều nè. Thấy tụi nhỏ có vẻ rụt rè tôi nghiêm giọng:
- Chuyện gì vậy?
Chúng ngại ngùng chìa mấy bông hoa dấu sau lưng…
- Em tặng thầy ngày “tết thầy cô”.
Tôi xúc động, nhìn mấy bông hoa. hơi lạ một chút, trên mấy bông hoa có vài tờ tiền 2.000đ, 5.000đ
- Ai bảo các em làm vậy? Thầy chỉ nhận hoa chứ không nhận tiền đâu!
- Thầy nhận đi thầy ơi, tiền đó tụi em lượm ve chai hồi sáng giờ đó, không phải chôm đồ đâu.
Tôi nhận những bông hoa mà thấy mắt mình cay cay, tôi cố kìm cảm xúc.
- Thằng Hiếu đâu, sao chỉ có 4 đứa?
- Nó tới rồi kìa thầy, nó đi chuộc ổ khóa cho thầy đó, tụi em không lấy, nhưng em biết chỗ mua nó.
Thằng Hiếu đến hai tay cầm cái ổ khóa, rụt rè… Món quà thật ý nghĩa !
Tôi ôm cả 5 đứa vào lòng. Đó ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi!!!
Hiện nay, tôi đã mở thêm nhiều trung tâm gia sư, vợ tôi cũng là gia sư, em tôi cũng là gia sư. Những học trò ngày nào bây giờ cũng là gia sư, thầy cô giáo dạy tại trung tâm.
Giáo dục phát triển, đời sống giáo viên được cải thiện nhiều, mỗi năm một lần người ta lại tổ chức ngày Nhà Giáo Việt Nam để tôn vinh công ơn thầy cô. Ít ai nhớ rằng có một bộ phận đang len lỏi vào từng ngóc ngách xã hội, cũng làm nghề dạy học nhưng có mấy ai nhớ đến những đóng góp của họ cho xã hội trong ngày lễ này.
Nhân dịp ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11, xin chúc quý thầy cô giáo tại Trung tâm Gia sư Ánh Dương và cả các gia sư khác một ngày lễ vui vẻ, ý nghĩa và hạnh phúc.
Thay mặt Trung tâm Gia sư Ánh Dương - Giám đốc NGUYỄN VĂN TIỄN.
Hữu Thành
Trung tâm Gia sư Ánh Dương
Số 6 Đường CN1, P.Sơn Kỳ, Q. Tân Phú, TP.HCM
Điện thoại: (08) 6653 4724