Thứ hai, 24/1/2011, 08h01

Lò gạch gây ô nhiễm vây trường

Khói từ lò gạch không ngừng xả vào khu dân cư địa bàn Q.9. (Ảnh chụp ngày 12-1)
Theo quy định của UBND TP.HCM, hết ngày 31-12-2010, tất cả các lò gạch trên địa bàn Q.9, TP.HCM sẽ chính thức đóng cửa để người dân nơi đây không còn phải hít khói độc và đường phố sẽ bớt bụi bặm, tiếng ồn. Tuy nhiên, đã qua nửa tháng 1-2011, chúng tôi chứng kiến nhiều lò gạch vẫn còn hoạt động như chưa có điều gì xảy ra.
“Rừng” khói đen vây trường
Hiện nay, trên địa bàn Q.9 có 99 lò gạch ngói bằng đất sét nung, tập trung chủ yếu ở phường Long Bình và Long Thạnh Mỹ. Đây là mô hình sản xuất gạch ngói thủ công, tồn tại nhiều năm nay và thường xuyên gây ô nhiễm môi trường. Bà N. T. T ngụ ở phường Long Bình cho hay: “Khói hôi dữ lắm, không riêng gì nhà tôi mà mấy gia đình ở khu này cũng chịu không nổi. Người lớn còn đỡ chứ mấy đứa nhỏ cứ bị viêm mũi hoài”.
Dọc theo đường Hoàng Hữu Nam, đoạn từ ngã ba Mỹ Thành đến quốc lộ 1A có hàng chục lò gạch. Nhìn bên ngoài tưởng như những lò gạch này đã đóng cửa, nhưng người dân nơi đây cho biết là chưa tới giờ hoạt động. Đi sâu vào các con đường số 1, 2, 4, 14… lò gạch xuất hiện mỗi lúc một nhiều.
Tại giao lộ Nguyễn Xiển – đường 21, phường Long Thạnh Mỹ, một lò gạch “lộ thiên” bất chấp quy định vẫn đốt lò nung gạch, xả khói thẳng vào khu dân cư.
Ngay trong phạm vi chịu ảnh hưởng của các lò gạch là khá nhiều ngôi trường: Trường Tiểu học Nguyễn Minh Quang, Trường Tiểu học Long Bình, Trường THCS Long Bình, Trường Mầm non Tân Phú… Men theo đường số 4 thuộc phường Long Thạnh Mỹ, chúng tôi không khó nhận ra con đường bị cày nát bởi xe ben chạy ngày, chạy đêm chở gạch và đất. Bụi bám đầy cây cối hai bên đường. Những lò gạch nằm san sát thay nhau xả khói đen. Ngạc nhiên hơn, nhiều lò gạch cách trường học chỉ bằng cái hàng rào. Nhân viên bảo vệ Trường Tiểu học Nguyễn Minh Quang bức xúc: “Trời nắng gắt là ngộp thở luôn, mấy phòng học phải đóng cửa, thả rèm. Mong sao chính quyền sớm di dời mấy lò gạch này để bớt gây ô nhiễm môi trường”. Trường Tiểu học Long Bình ở khu phố cầu Ông Tán cũng chung “số phận”, học sinh phải thường xuyên hít khí độc từ các lò gạch bao vây xung quanh.
Chưa thể di dời
Lý giải cho việc chậm trễ di dời các lò gạch trên địa bàn quận, bà Trần Thị Thu Hoài, Phó phòng TN-MT Q.9 cho biết: “Đề án di dời các lò gạch đến nay vẫn chưa thống nhất. Hiện Phòng TN-MT đang kết hợp với các sở ban ngành liên quan tiến hành kiểm tra, khảo sát lại tình hình hoạt động để phục vụ cho đề án hỗ trợ di dời. Vừa qua, có hơn 70 chủ lò gạch làm đơn tập thể kiến nghị giãn thời gian từ 3 đến 6 tháng để các lò gạch sử dụng hết nguyên liệu đã mua. Hơn nữa, đây là thời điểm cận Tết, nếu ngưng hoạt động sẽ ảnh hướng lớn đến thu nhập của bộ phận công nhân”.
Theo quy hoạch, các chủ lò gạch muốn hoạt động phải sử dụng công nghệ không gây ô nhiễm và sẽ được tập trung tại cụm sản xuất vật liệu xây dựng rộng hơn 20 ha ở phường Long Bình. Chủ lò gạch T.C trên đường Nguyễn Xiển lý giải vấn đề chưa thể di dời: “Chi phí thuê đất và chuyển sang công nghệ mới từ 15 đến 20 tỉ đồng, những lò gạch nhỏ như chúng tôi lấy đâu ra kinh phí để dời đi”. Bà Hoài cũng thừa nhận: “Hầu hết các lò gạch ở đây có từ lâu đời, thuộc làng nghề truyền thống. Nghề này đã tạo công ăn việc làm cho gần 3.000 lao động do đó việc di dời các lò gạch là rất khó. Nếu chuyển qua công nghệ phù hợp thì số tiền quá cao không phải đơn vị nào cũng thực hiện được. Chỉ tính riêng giá tiền thuê mặt bằng cũng là cả vấn đề”.
Bài, ảnh: Hoàng Thuận

“Tinh thần của UBND quận 9 là kiên quyết chấm dứt các lò gạch đang hoạt động. Lò gạch nào cố tình vi phạm sẽ xử phạt theo quy định hành chính và không chấp nhận giãn thời gian di dời. Tuy nhiên, việc triển khai di dời đồng loạt vẫn còn nhiều khó khăn bởi nó ảnh hưởng đến nhiều người”, bà Hoài chia sẻ.