Thứ bảy, 25/3/2017, 21h20

Loạn giá tân dược

Đi chợ mua mớ rau, con cá, người dân có thể kỳ kèo bớt một vài giá. Nhưng khi vào tiệm thuốc, người bán hàng “hét” bao nhiêu thì đưa bấy nhiêu, không ai trả giá. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá thuốc mỗi nơi một khác, người bệnh mà không “khôn ngoan” thì chịu thiệt...

Bệnh nhân mua thuốc tại nhà thuốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: M.Bình

Mỗi nơi báo giá mỗi kiểu

Cùng một loại bệnh, cùng một đơn thuốc nhưng dạo quanh 3 tiệm thuốc trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi được báo 3 mức giá khác nhau.

Theo đơn thuốc bác sĩ Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM kê cho người nhà, gồm 4 loại thuốc là Daflon (56 viên), Ginkgo Biloba 120mg (56 viên), Cilostazol 100mg (28 viên), Pamejon (56 viên) để điều trị về mạch máu, chúng tôi đến nhà thuốc Eco Pharmacy trên đường Hai Bà Trưng, Q.1 thì được báo giá là 1.035.000 đồng. Cũng với đơn thuốc này, chúng tôi đến tiệm thuốc Khánh Hà ngay hông Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM thì được báo giá lên đến 1.145.000 đồng (cao hơn 110.000 đồng so với nhà thuốc Eco Pharmacy). Một tiệm thuốc khác gần tiệm Khánh Hà báo giá thấp hơn chút 1.137.000 đồng.

Khi chúng tôi băn khoăn về giá cả tại sao cao hơn những nơi khác, nhân viên tiệm thuốc Khánh Hà lý giải: “Đây là biệt dược, nơi nào nhập nhiều thì giá cả sẽ rẻ hơn một ít. Hơn nữa, tùy vào thời điểm, nhà phân phối cung cấp có thể chênh giá một ít”.

Một đơn thuốc khác gồm các loại: Diltiazem 200mg, Losartan 25mg, Isosorbid mononitrat 60mg, Rosuvastatin 10mg, Acetylsalicylic acid 81mg của Viện Tim TP.HCM bán chỉ có 780.444 đồng/3 tháng, nghĩa là mỗi tháng chỉ có 260.000 đồng. Tuy nhiên tại những tiệm thuốc tư nhân, giá cao hơn nhiều, thậm chí gần gấp đôi. Với đơn thuốc này, sáng 23-3, nhân viên bán thuốc ở tiệm Hữu Khang (kế Bệnh viện Bình Dân) báo giá lên đến 477.000 đồng/tháng (cao hơn Viện Tim TP 217.000 đồng/tháng), tiệm thuốc Xuân Chi (sau Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM) báo giá 390.000 đồng/tháng. Chúng tôi hỏi tại sao giá thuốc ở đây lại cao hơn nhiều so với giá thuốc của bệnh viện, nhân viên tiệm thuốc Xuân Chi trả lời với giọng điệu rất chảnh: “Ở đây bán giá đó, muốn mua ở tiệm khác với giá rẻ hơn thì đi chỗ khác mà mua”.

Không chỉ ở các tiệm thuốc tư nhân, thuốc ở bệnh viện cũng mỗi nơi một giá. Cùng khám về mạch máu ở chân nhưng giá thuốc tại Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM thường cao hơn nhiều so với Bệnh viện Chợ Rẫy. Nhiều lần đến khám bệnh tại Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM và thắc mắc về điều này, bác sĩ lại giải thích là có thể cùng loại bệnh, cùng loại thuốc nhưng bệnh viện này kê thuốc ngoại, bệnh viện kia kê thuốc nội thì giá cả chắc chắn chênh lệch.

Đó là chưa kể, bác sĩ cũng có thể kê thêm những loại thực phẩm chức năng cho bệnh nhân như dưỡng não, an thần… Trong khi đó, bệnh nhân không phải là bác sĩ, chỉ khi về nhà nghiên cứu thêm mới biết được.

Tránh việc đầu cơ tăng giá thuốc bất thường

Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện trên địa bàn TP có 6.455 cơ sở kinh doanh thuốc. Trả lời phóng viên Báo Giáo dục TP.HCM về những nguyên nhân dẫn đến chênh lệch giá thuốc, ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Quản lý dược, Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Hiện nay chưa có quy định giá bán lẻ tại các nhà thuốc, các cơ sở bán lẻ tự định giá bán theo cơ chế thị trường. Hơn nữa, giá thuốc của cùng một hoạt chất (nhưng khác tên biệt dược) có thể khác nhau do các cơ sở sản xuất có sự đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị sản xuất, nguồn gốc và tiêu chuẩn nguyên nhiên vật liệu khác nhau...”.

Về giá thuốc ở các bệnh viện, Sở Y tế cho biết nhà thuốc bệnh viện thực hiện theo Thông tư số 15/2011/TT-BYT quy định thặng số bán lẻ tại các nhà thuốc bệnh viện. Hơn nữa, việc cung ứng thuốc tại các bệnh viện công lập hiện nay được thực hiện thông qua đấu thầu thuốc theo Thông tư 11/2016/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập. Theo đó, việc đấu thầu này nhằm đảm bảo mua thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả, giá cả hợp lý, thống nhất.

Nhằm thắt chặt quản lý giá thuốc trên địa bàn TP.HCM, Sở Y tế thường xuyên theo dõi biến động thuốc tại các trung tâm bán sỉ dược phẩm và tại các cơ sở điều trị để nắm bắt tình hình, tránh việc đầu cơ tăng giá thuốc bất thường. Đặc biệt, năm 2016, TP có 14 doanh nghiệp dược đăng ký tham gia chương trình bình ổn với 563 mặt hàng, 176 hoạt chất và 21 nhóm điều trị.

Ông Dũng cho biết thêm: “Giá thuốc các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn tại các nhà thuốc tham gia bình ổn thấp hơn giá thuốc các mặt hàng tương tự tại các nhà thuốc không tham gia chương trình từ 5-10%. Giá thuốc này sẽ được giữ ổn định trong suốt thời gian tham gia chương trình. Các nhà thuốc tham gia chương trình bình ổn được trang bị băng rôn và bảng giá các thuốc bình ổn để người dân dễ nhận biết”.

Mỹ Bình