Thứ ba, 31/10/2017, 21h03

Lớp học Phần Lan tại TP.HCM

Gần 100 học sinh (HS) TP.HCM từ 7 đến 9 tuổi đã được trải nghiệm ở các lớp học theo kiểu giáo dục Phần Lan do chính giáo viên (GV) nước này giảng dạy. Điều đặc biệt là qua buổi học, nhiều HS thú nhận dù rất… mệt nhưng lại hứng khởi vì được vận động nhiều.

GV Phần Lan hướng dẫn HS trong tiết học

Những lớp học này vừa được Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam hỗ trợ Trường ĐH Tôn Đức Thắng tổ chức. Các GV Phần Lan dựa trên độ tuổi đã chia thành 2 nhóm HS lớn và nhỏ. Cách chia này giúp GV dễ thiết kế các hoạt động giảng dạy. Ở Phần Lan, việc chia nhóm HS được thực hiện theo nhiều tiêu chí, có lúc chia ngẫu nhiên, có trường hợp dựa vào sở thích của các em…

GV không đặt nặng kiểm tra, đánh giá

Trực tiếp đứng lớp, bà Emmi Herler (GV tiểu học tại Phần Lan) lý giải, so với những lớp học theo phương pháp GV là trung tâm thì ở lớp mà HS đóng vai trò trung tâm như thế này, ban đầu các em sẽ rất mệt vì phải tham gia nhiều hoạt động. Toàn bộ thời gian học, các em liên tục vận động, chỉ có 10 phút để ngồi xuống làm bài. Cụ thể, các em được học toán theo cách khác, vừa làm toán vừa chạy quanh lớp học và tham gia nhiều hoạt động khác nhau. “Trong buổi học, chúng tôi cho HS bài kiểm tra nhỏ nhưng GV sẽ không dựa vào đó để đánh giá các em làm tốt hay chưa tốt mà chính HS sẽ tự đánh giá mức độ mình hiểu bài sau nội dung học”, bà Emmi Herler chia sẻ.

Bà Tiina Malste (chuyên gia giáo dục Phần Lan) nhìn nhận, các HS TP.HCM đã tham gia buổi học thực thụ như HS Phần Lan với sự năng động, linh hoạt và sáng tạo. Bà Tiina Malste cũng cho biết đã giảng dạy dựa trên khả năng của từng em - HS được xem là trung tâm của lớp học. Đây là phương châm được chú trọng ở Phần Lan. Để làm điều này, trước tiên, GV tìm hiểu để biết khả năng HS đang ở mức độ nào, từ đó có chương trình dạy phù hợp. “Như trong lớp học này, tất cả HS đều có 1 quyển sách nhỏ giới thiệu động vật. Tùy khả năng của mỗi em, các GV sẽ đưa ra những dữ liệu, yêu cầu phù hợp, tương xứng. Cụ thể, có em sẽ chỉ được yêu cầu điền tên con vật vào sách, nhưng em khác phải viết thêm mô tả về động vật. Những HS có khả năng cao hơn nữa thì nhận được nhiều dữ liệu và nhiều yêu cầu hơn như phải đọc, hiểu, thể hiện lại thông tin… Với cách này, các em được học tập ở mức độ kiến thức phù hợp khả năng bản thân. GV không kiểm tra các em mà chỉ điều chỉnh nội dung giảng dạy cho vừa vặn”, bà Tiina Malste cho biết.

Ông Kari Kahiluoto (Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam) nhận định, giáo dục là món quà quý giá nhất cha mẹ dành cho con cái. Khi nói về giáo dục, cha mẹ thường ưu tiên con những điều tiến bộ nhất. Tại Phần Lan, tất cả trẻ em đều được giáo dục bình đẳng như nhau và GV có tự chủ, tinh thần trách nhiệm rất cao.

Nhiều phụ huynh có mặt đã thắc mắc, việc không đặt nặng kiểm tra đánh giá HS như Phần Lan liệu có thể áp dụng ở Việt Nam không. Các GV Phần Lan nhận định, đây là câu hỏi thường nhận được từ các nước châu Á. Trước đây có GV ở Thái Lan cũng đặt vấn đề phải dạy thế nào để không nặng nề kiểm tra, đánh giá trong khi cuối năm HS của họ sẽ phải tham gia kỳ thi quốc gia. Thực tế, tại Phần Lan, GV vẫn kiểm tra đánh giá HS nhưng theo cách riêng. Và thay vì GV áp dụng các bài kiểm tra để đánh giá HS theo tiêu chí đạt hay không đạt, HS được tự thực hiện việc đánh giá bản thân. Trước khi GV tổ chức buổi gặp phụ huynh, các em đã phải tự đánh giá trung thực việc học của mình. Vì HS đã được dạy đánh giá trước khi vào tiểu học nên các em thực hiện rất chính xác.

HS tự đặt mục tiêu học tập

Trước nhiều câu hỏi quan tâm của phụ huynh, những khác biệt trong giáo dục Phần Lan cũng được các GV chỉ ra thêm. Điểm nổi bật trong đó, mọi công dân Phần Lan đều được giáo dục bình đẳng. Mỗi HS được giảng dạy dựa vào khả năng và nhu cầu của bản thân các em. Lý do phụ huynh chọn trường cho con nằm ở khoảng cách địa lý chứ không phải chương trình đào tạo. Cha mẹ chỉ việc cho con đến trường gần nhất vì chất lượng giữa các trường không quá chênh lệch nhau. Hầu như HS Phần Lan đều học trường công. Hiện giáo dục Phần Lan phát triển mạnh nhưng không đặt nặng chuyện xếp hạng cao hay thấp mà coi trọng chất lượng. Bên cạnh đó, hệ thống chăm sóc trẻ em trước khi đến trường tại Phần Lan rất được chú ý. Chất lượng GV và vị trí nhà giáo được đề cao. Toàn bộ GV đều phải có bằng thạc sĩ, được đào tạo trong 5 năm, áp dụng tất cả các cấp kể cấp tiểu học. Và để đảm bảo có GV giỏi, đào tạo sư phạm luôn có mức độ cạnh tranh mạnh mẽ.

Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan tuyển sinh thời gian tới

Bà Nguyễn Thị Thu (Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) cho biết ngày 7-11-2016, UBND TP.HCM đã ký quyết định đồng ý cho Trường ĐH Tôn Đức Thắng thành lập Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (trực thuộc Trường ĐH Tôn Đức Thắng). Bà kỳ vọng đây sẽ là một trong những chương trình quan trọng không chỉ góp phần nâng tầm giáo dục của Trường ĐH Tôn Đức Thắng mà còn góp phần bổ sung thêm một phương pháp giảng dạy mới trong ngành giáo dục nước ta, đặc biệt tại TP.HCM.

Xem đây là một trong những mô hình mới để có thể nhân rộng trên địa bàn TP.HCM, bà Thu mong muốn trường sẽ sớm được khởi công và triển khai tuyển sinh trong thời gian sớm nhất.

Một điều quan trọng khác là tại Phần Lan, HS tự đề ra kế hoạch, mục tiêu cho năm học mới. Sau đó, GV và phụ huynh cùng ký vào bảng cam kết mục tiêu của các em. “Chúng tôi luôn cố gắng để việc giảng dạy ở trường thống nhất với việc dạy con ở nhà của phụ huynh. Đơn cử, trong chương trình đào tạo căn bản của Phần Lan có sự đóng góp của phụ huynh, và phụ huynh cũng đóng góp vào chương trình đào tạo cụ thể ở địa phương”, một GV cho biết.

Các GV phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để hỗ trợ HS làm tốt những bài tập về nhà. Nếu học sinh mất trên 30 phút để làm một bài tập, phụ huynh cần liên hệ GV để điều chỉnh vì điều đó đồng nghĩa bài tập GV đưa ra có thể quá sức, quá khả năng các em.

Mê Tâm