Chủ nhật, 17/3/2024, 11h40

Mạnh tay sử dụng công cụ pháp lý trong bảo vệ bản quyền báo chí

Cần mạnh tay sử dụng công cụ pháp lý đối với những cá nhân, tổ chức ngoài ngành báo chí - truyền thông, kể cả với bất kỳ báo - đài đồng nghiệp nào có hành vi khai thác trái phép tác phẩm của mình nhằm thu lợi riêng.


Các nhà quản lý nói về bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số hiện nay

Nội dung này được nhà quản lý nêu ra tại phiên bảo vệ bản quyền báo chí, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2024, diễn ra tại TP.HCM từ ngày 15 đến 17-3.

Theo các nhà quản lý, sự bùng nổ của mạng xã hội mang đến nhiều lợi ích cho việc chia sẻ thông tin, nhưng đồng thời cũng nảy sinh vô vàn vấn đề tiêu cực, trong đó vi phạm bản quyền báo chí là một vấn đề nhức nhối.

Thời gian vừa qua, mặc cho nỗ lực của nhiều cơ quan báo chí trong việc chủ động phát hiện, đấu tranh, cùng sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý, tình trạng vi phạm bản quyền các tác phẩm báo chí vẫn đang ngày ngày diễn ra phổ biến, ngày càng phức tạp và tinh vi.

“Báo chí dù đã cho thấy vai trò, vị thế quan trọng của mình trong tiến trình phát triển của đất nước, được Đảng và Nhà nước ghi nhận nhưng đang không thể bảo vệ chính mình khỏi vi phạm công nhiên, trắng trợn, có hệ thống và tổ chức của nhiều đối tượng trục lợi trái phép”, ông Phạm Tuấn Anh - Tổng biên tập Báo Dân trí cho hay.


Theo các nhà quản lý, cần mạnh tay sử dụng công cụ pháp lý trong bảo vệ bản quyền báo chí

Chỉ ra các hình thức vi phạm, ông Tuấn Anh nhấn mạnh đến hành vi sao chép và chia sẻ nội dung báo chí trái phép. Hành vi vi phạm bản quyền có thể đến từ những trang web không rõ ràng, nhưng vi phạm nhiều nhất hiện nay là các trang mạng xã hội. Điển hình những group - page như Theanh28, Không sợ chó, Chuyện của Hà Nội, Hà Nội 24h… Hành vi vi phạm đã phát triển theo hướng tinh vi hơn, đặc biệt trên các nền tảng sử dụng video ngắn như Tiktok, Facebook Reels và Youtube. Những đối tượng này thay vì dẫn lại toàn bộ thì trích dẫn, đăng tải một phần nội dung. Rất nhiều trường hợp, khi phóng viên hoặc người có trách nhiệm của báo liên hệ nhắc nhở, họ lập tức chặn - cắt liên hệ, để người có trách nhiệm không thể phản hồi, tố cáo sai phạm.

“Cần chủ động áp dụng các giải pháp công nghệ để tự bảo vệ và cảnh báo khi tin, bài của bên mình bị lấy mà chưa được sự đồng ý. Chủ động đấu tranh công khai, trực diện các cá nhân và tổ chức có hành vi vi phạm bản quyền trên báo chí. Hình thành trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí có sự tham gia của các bên báo chí, công nghệ và cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Tuấn Anh nói.

Đồng quan điểm, ông Dương Quang - Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động nhấn mạnh: “Cần mạnh tay sử dụng công cụ pháp lý đối với những cá nhân, tổ chức ngoài ngành báo chí - truyền thông, kể cả với bất kỳ báo - đài đồng nghiệp nào có hành vi khai thác trái phép tác phẩm của mình nhằm thu lợi riêng.

Theo ông Dương Quang, tại Việt Nam hiện nay, bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí được quy định tại nhiều luật và văn bản dưới luật, như: Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Luật Báo chí 2016, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP, Nghị định số 22/2018/NĐ-CP… “Chỉ cần thực hiện thật nghiêm những quy định đó thì chuyện xâm phạm bản quyền báo chí không xảy ra, hoặc diễn ra rất ít”, ông Dương Quang nói.

ThS. Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cũng nhấn mạnh bảo vệ bản quyền - vấn đề cấp bách đối với các cơ quan báo chí  đòi hỏi các giải pháp phải được thực hiện tổng thể, đồng bộ để đạt hiệu quả cao nhất. 

Theo Luật sở hữu trí tuệ (SHTT), các tổ chức, cá nhân có quyền áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để tự bảo vệ quyền SHTT của mình và có trách nhiệm tôn trọng quyền SHTT của tổ chức cá nhân khác theo quy định của Luật SHTT và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Còn theo Luật Báo chí thì tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền SHTT trong lĩnh vực báo chí thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về SHTT.

Do đó, chủ thể quyền tác giả có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm các quyền của mình theo quy định của Luật SHTT và các quy định pháp luật khác có liên quan. Khởi kiện tại toà án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

N.Trinh