Thứ ba, 5/12/2017, 23h01

Mâu thuẫn ảo, hậu quả thật

Hạn chế bạo lực học đường từ việc định hướng sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh là mục đích chính của phiên tòa giả định vừa được Trường THCS Lê Lợi (Q.Tân Phú, TP.HCM) phối hợp với Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, TAND Q.Tân Phú tổ chức.

Rất đông học sinh tham dự phiên tòa giả định

Không còn là những kiến thức khó hiểu, khô khan về pháp luật, thay vào đó là những hình ảnh trực quan thực tế, mức án phạt cụ thể, những tác hại liên đới đến gia đình, phiên tòa giả định có sức nặng trong việc răn đe, từ đó giúp học sinh điều chỉnh hành vi của mình khi sử dụng mạng xã hội.

Chọn bạo lực để giải quyết mâu thuẫn

Vụ án được đưa ra xét xử là một vụ bạo lực học đường phát sinh từ một mâu thuẫn nhỏ trong việc bình luận, nhận xét mang tính chủ quan của hai người bạn trên mạng xã hội. Thay vì giải quyết mâu thuẫn trong êm đẹp bằng hòa giải thì hai người lại chọn cách rủ rê, lôi kéo thêm bạn bè, hẹn nhau ngoài đời thật, dùng bạo lực để “dằn mặt” nhau. Kết quả, một người bị thương ở vùng đầu, lưng, chịu thương tật 55%; còn một người vừa vướng vào vòng lao lý, vừa khiến gia đình phải lao đao bồi thường cho những thiệt hại do sai trái mình gây ra.

Theo luật sư Trần Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM), qua những hình ảnh, trường hợp cụ thể, phiên tòa giả định cho học sinh dễ hình dung hơn về tác hại của việc sử dụng sai mạng xã hội. Từ đó, định hướng các em cách sử dụng mạng xã hội một cách đúng đắn, không bình luận, nhận xét người khác một cách miệt thị và cảm tính. “Rất nhiều vụ bạo lực học đường đau lòng xảy ra trong thời gian qua mà nguyên nhân chủ yếu lại phát sinh từ những mâu thuẫn ảo rất nhỏ. Thế nhưng, các em lại không biết cách giải quyết hoặc xí xóa mâu thuẫn đó một cách văn minh, lành mạnh. Chọn bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn ảo, không chỉ khiến bản thân chịu mức hình phạt mà còn khiến cha mẹ, gia đình phải tổn thất về tinh thần, kinh tế”, luật sư Nữ nhấn mạnh.

Lần đầu tiên được chứng kiến một phiên tòa giả định, rất nhiều học sinh trong trường tỏ ra thích thú, chăm chú theo dõi. Bùi Văn Nam (học sinh lớp 9) cho biết phiên tòa mang lại những kiến thức hữu ích cho em về ngành tòa án, từ quá trình xét xử, tranh luận đến kết án. Bên cạnh đó còn giúp em và các bạn nhận ra hậu quả ngay trong việc bình luận, kết bạn bừa bãi trên mạng xã hội. Mạng xã hội là ảo nhưng hậu quả để lại là rất thật.

Sẽ có phiên tòa giả định vụ Mầm Xanh

Đây là khẳng định của TAND Q.Tân Phú trước vụ bạo hành trẻ của các cô giáo tại Trường Mầm non tư thục Mầm Xanh vừa qua. “Vụ Mầm Xanh chỉ là bề nổi, trước đó cũng đã có rất nhiều vụ bạo hành trẻ. Một phiên tòa giả định sẽ tuyên truyền, trang bị cho các giáo viên mầm non trên địa bàn quận về kiến thức pháp luật trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Từ đó giúp hạn chế không chỉ bạo lực học đường mà còn cả những vụ bạo hành trẻ. Dự kiến, phiên tòa giả định này được tổ chức vào ngày 29-12 tới”, luật sư Trần Ngọc Nữ cho biết.

“Các em chỉ nên sử dụng mạng xã hội để học tập, trao đổi lành mạnh, tránh bị hùa theo những bình luận tiêu cực”, luật sư Trần Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) nói.

Theo cô Trần Thị Thuận (Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi), bằng phiên tòa giả định, học sinh sẽ dễ dàng tiếp cận với những kiến thức pháp luật. Qua đó giúp các em nhận ra ranh giới giữa cái đúng cái sai, cái thiện và cái ác ngay trong những ứng xử của mình. Từ đó, hạn chế bạo lực học đường. “Mạng xã hội không xấu, nó chỉ xấu khi các em sử dụng sai cách, để những bình luận, nhận xét khiếm nhã dẫn dắt hành động của mình. Khi sử dụng mạng xã hội, các em nên biết lựa chọn từ kết bạn, bình luận hay ngay việc đưa những chia sẻ cá nhân”, cô Thuận nhắn nhủ.

Đưa ra lời khuyên với học sinh trong việc sử dụng mạng xã hội, theo luật sư Nữ, các em chỉ nên sử dụng mạng xã hội để học tập, trao đổi lành mạnh, tránh bị hùa theo những bình luận tiêu cực. “Xúc phạm người khác qua mạng xã hội bằng những bình luận, nhận xét tiêu cực đều có thể bị xử phạt. Tùy theo mức độ, tính chất và hậu quả gây ra mà hành vi đó có thể bị xử phạt về hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Nữ cho biết.

Trần Yến