Thứ bảy, 6/4/2024, 10h37

Máy bay cánh liền thân có thể thay thế máy bay Boeing

Một mẫu máy bay có hình dáng hoàn toàn mới được cấp phép cất cánh trên bầu trời California, hứa hẹn tiết kiệm nhiên liệu và thải ít khí hơn máy bay thông thường.
Cuối tháng 3, công ty JetZero ở Long Beach thông báo Pathfinder, máy bay thử nghiệm cánh liền thân bằng 1/8 kích thước thật, được Cục quản lý hàng không liên bang Mỹ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bay và sẵn sàng bay thử, CNN hôm 4/4 đưa tin.
Máy bay cánh liền thân có hình dáng khác hẳn các máy bay thân rộng hiện nay.
Máy bay cánh liền thân có hình dáng khác hẳn các máy bay thân rộng hiện nay.
Trong khi tìm cách giảm khí thải chứa carbon, ngành công nghiệp hàng không đối mặt thách thức lớn hơn những lĩnh vực khác do công nghệ cốt lõi quá khó để thay đổi. Thiết kế cánh liền thân tương tự thiết kế "cánh bay" mà máy bay quân sự sử dụng như máy bay ném bom B2, nhưng phần cánh liền chiếm thể tích lớn hơn ở giữa thân. Mốc phát triển mới của JetZero đưa công ty tiến gần hơn tới mục tiêu đưa loại máy bay này vào hoạt động sớm nhất năm 2030.
Theo Tom O’Leary, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành JetZero, khung máy bay cánh liền thân có thể đốt ít nhiên liệu và thải ít khí hơn 50%. Một thách thức lớn về mặt kỹ thuật khiến các nhà sản xuất chùn bước là điều áp phần thân không phải hình trụ. Máy bay dạng ống dài xử lý tốt hơn chu kỳ giãn nở và co lại đi kèm mỗi chuyến bay. Ngoài ra, hình dáng mới cũng khiến nội thất máy bay khác hẳn máy bay thân rộng ngày nay. Cùng một lượng hành khách có thể ngồi ở 15 - 20 hàng đặt ngang qua cabin tùy theo cấu hình từng máy bay thay vì chia theo ba dãy như thông thường.
O’Leary cho biết phiên bản gần nhất về mặt kích thước với máy bay cánh liền thân là Boeing 767, máy bay thân rộng 2 động cơ ra đời vào thập niên 1980, có thể chở 210 hành khách. Phương tiện vẫn được sản xuất để chở hàng, nhưng bị thay thế bởi Boeing 787 trong hoạt động chở khách. Nó cũng có một phiên bản quân sự hiện đại mang tên KC-46 mà Không quân Mỹ dùng để tiếp nhiên liệu trên không.
Tương tự, JetZero muốn phát triển đồng thời 3 phiên bản, gồm máy bay chở khách hơn 200 chỗ ngồi, máy bay chở hàng và máy bay tiếp nhiên liệu. Năm ngoái, không quân Mỹ chi 235 triệu USD cho JetZero để phát triển máy bay thử nghiệm kích thước thật và kiểm nghiệm hiệu suất của thiết kế. Phiên bản quân sự này sẽ giúp mở đường và hỗ trợ phát triển các phiên bản thương mại.
Máy bay thử nghiệm Pathfinder có sải cánh 7m, nhỏ bằng 12,5% bản kích thước thật, dự kiến cất cánh năm 2027. Phương tiện được thiết kế để tương thích 100% với nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) và có thể tích bên trong để chứa hydro. JetZero chưa thông báo đơn đặt hàng nào dành cho mẫu máy bay, nhưng chia sẻ các hãng hàng không rất hứng thú khi nghe về mức tăng hiệu suất.
HT (theo khoahoc.tv)