Thứ bảy, 26/12/2015, 22h29

Môn lịch sử: Nội dung dàn trải, hình thức sách khô cứng

Giáo dục TP.HCM số ra ngày 25-12-2015 có bài Phải cải cách hình thức sách lịch sử phản ảnh về hình thức và nội dung của SGK môn lịch sử không thu hút được người học lẫn người dạy. Sau bài viết, chúng tôi nhận được nhiều sự chia sẻ của giáo viên và học sinh, xin trân trọng trích đăng một số ý kiến đóng góp này...

Cô Ngô Thị Thanh Hải (Giáo viên lịch sử, Trường THPT Marie Curie)

SGK lịch sử phổ thông chỉ được in hai màu, thiếu nhiều hình ảnh nên khi cầm cuốn sách để đọc, học sinh không cảm thấy hứng thú. Chẳng hạn, cả chương trình lớp 10 từ thời Cổ đại đến Trung đại chỉ có 9 hình trắng đen, thiếu hình tượng nhân vật lịch sử trong khi SGK ở nước ngoài có rất nhiều hình ảnh, giấy đẹp, lại in nhiều màu sắc nên nhìn vào đã bắt mắt.

Chương trình lịch sử bậc THPT hiện nay thiên về lịch sử chính trị, các cuộc chiến tranh. Theo tôi chương trình cần nhấn mạnh thêm cho học sinh về văn hóa, kinh tế, xã hội; Ngoài ra, thời lượng chương trình hiện tương đối ổn nhưng kiến thức của lớp 10 rất rộng, dài, nói về lịch sử Việt Nam từ khi con người xuất hiện cho đến năm 1958 nhưng chỉ gói gọn trong 13 tiết. Với số tiết này giáo viên khó phân phối đủ thời gian để truyền đạt kiến thức cho các em. Vì thế, tôi nghĩ chương trình lịch sử phổ thông nên được thiết kế thành những chuyên đề riêng để giáo viên chủ động thời gian. Trong những chuyên đề đó, chẳng hạn như chuyên đề về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị... trong một giai đoạn lịch sử nhất định thì cần đính kèm các hình ảnh, trong đó có những hình ảnh nhân vật lịch sử để các em cảm thấy hấp dẫn hơn.

Thầy Nguyễn Đức Độ (Giáo viên lịch sử, Trường THCS-THPT Đức Trí)

Nội dung chương trình lịch sử phổ thông hiện có quá nhiều sự kiện, kiến thức nhưng lại chưa có sự thống nhất giữa các bậc học. Nội dung chương trình bậc THCS và THPT có nhiều đoạn trùng lắp dù ở bậc cao hơn đã có tính nâng cao hơn. Điều này làm cho học sinh cảm thấy nhàm chán, nặng nề khi học tập. Ngoài ra, cách ra đề thi cũng là một trong những lý do khiến bộ môn này không hấp dẫn được học sinh. Thời gian gần đây, các đề thi lịch sử đã có thay đổi, có nhiều câu hỏi mở, mang tính thời sự nhưng vẫn còn nặng về ngày tháng, sự kiện làm học sinh cảm thấy áp lực khi nhớ chi tiết thời gian, mốc sự kiện.

Từ những vấn đề này, tôi cho rằng Bộ GD-ĐT cần biên soạn nội dung SGK tinh gọn hơn, nhẹ nhàng hơn. Các đề thi nên tạo tính gợi mở, cho các em bộc lộ chính kiến, suy nghĩ của mình về vấn đề lịch sử. Đồng thời, giáo viên cũng cần cố gắng thay đổi phương pháp giảng dạy, đưa CNTT vào dạy học, chú trọng hình ảnh, clip mang tính lịch sử, hay đưa học sinh trải nghiệm ở các viện bảo tàng, di tích chiến tranh... để các em cảm thấy tiết học không còn nhàm chán, gò bó.

Nguyễn Kim Ngân (Học sinh lớp 12A1, Trường THCS-THPT Đức Trí)

Chương trình lịch sử có nhiều kiến thức, sự kiện khó nhớ. Em nghĩ ngoài việc áp dụng CNTT, giáo viên nên tổ chức cho học sinh làm các hoạt cảnh, hướng dẫn học sinh tìm các nguồn tài liệu khác nhau để thảo luận nhóm, thuyết trình... Còn đề kiểm tra nên đưa nhiều câu hỏi mở để chúng em thể hiện suy nghĩ, chính  kiến của mình hơn là đọc thuộc lòng. Nếu thay đổi bằng hình thức này, em nghĩ giờ học sẽ sinh động hơn, học sinh yêu thích môn lịch sử hơn.

Nguyễn Thị Yến Thương (Học sinh lớp 12A3, TT GDTX Q.1)

Em muốn có thêm nhiều hình ảnh thiết thực chứ không chỉ là số liệu dài, khó nhớ. Lớp 12 em học rất nhiều môn, môn lịch sử kiến thức quá dài, đến giờ kiểm tra lại phải học bài nhưng cách ra đề hiện nay khiến nhiều học sinh học thuộc lòng từng giai đoạn. Cách học vẹt này sẽ làm chúng em mau chóng quên các sự kiện lịch sử.

Minh Châu