Thứ bảy, 24/6/2017, 20h36

Một kỳ thi không có biến động

“Êm ả” là từ được nhiều trường dùng để nói về kỳ thi THPT quốc gia năm nay, kỳ thi với rất nhiều đổi mới, trừ môn văn tất cả các môn đều được thi trắc nghiệm; số ngày thi và thời gian thi rút ngắn (còn 2,5 ngày thay vì 4 ngày như năm ngoái), đặc biệt có 2 bài thi tổ hợp liên quan đến kiến thức của 6 môn.

Giám thị phát giấy thi cho TS tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM). Ảnh: M.Tâm

Gọn nhẹ hơn

Ông Nguyễn Thanh Giang (Giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, mặt được của kỳ thi năm nay là HS đỡ phải di chuyển xa, giảm tốn kém cho gia đình và xã hội. Tâm lý HS cũng thoải mái hơn khi được thi tại “sân nhà”. Đặc biệt với cách thức bố trí mỗi thí sinh (TS) một mã đề, có thể tin cậy vào kết quả trung thực của kỳ thi.

Tiến sĩ Trần Đình Lý (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, đơn vị phối hợp tổ chức thi cho TS tỉnh Long An) cùng chung nhận định: “Việc tổ chức thi 3 năm gần đây, năm sau tốt hơn năm trước. Đặc biệt, năm nay, kỳ thi diễn ra khá nhẹ nhàng, không còn cảnh phụ huynh phải lặn lội đưa con đi xa để “lai kinh ứng thí”. So với tổ chức thi độc lập từng môn, thời gian thi kéo dài 4 ngày gây mệt mỏi cho TS thì năm nay kỳ thi rút ngắn còn 2,5 ngày thông qua bài thi tổ hợp là hết sức vừa vặn. Kỳ thi có sự phối hợp của sở GD-ĐT và nhiều trường ĐH-CĐ, được tổ chức nghiêm túc nên các trường ĐH có thể yên tâm sử dụng kết quả để xét tuyển”.

Tuy nhiên, tiến sĩ Lý đề xuất năm tới nên cân đối lực lượng giáo viên coi thi giữa sở GD-ĐT địa phương và trường ĐH phối hợp theo tỷ lệ 50-50. Trong đó, cần cho phép sinh viên năm cuối đi coi thi để giảm áp lực cho các trường ĐH vì thực tế có một số trường “đưa quân” đi coi thi, lực lượng ở nhà không còn bao nhiêu, khó giải quyết hết công việc.

Còn áp lực ở bài thi tổ hợp, TS tự do

Có rất nhiều cái mới lần đầu tiên được áp dụng tại kỳ thi năm nay, trong đó việc tổ chức thi hai bài tổ hợp khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân) được cho là “làm khó” đơn vị tổ chức.

Bà Trương Thị Bích Thủy (Trưởng điểm thi Trường THCS Trần Văn Ơn, TP.HCM) cho hay, những phòng thi phổ thông bình thường mang tính ổn định cao. Áp lực đối với điểm thi tổ chức cho đối tượng TS tự do ở bài thi tổ hợp là rất lớn. Do trong đó, có em chỉ thi 1, 2 môn thành phần để bổ sung xét tốt nghiệp hoặc phục vụ xét ĐH. Qua thực tế kỳ thi, cán bộ coi thi ở điểm này vẫn còn lúng túng mặc dù đã được tập huấn rất kỹ.

Để thuận tiện dõi sát, tại điểm thi này, bài thi khoa học tự nhiên được chia ra 4 hệ thống phòng gồm: 13 phòng cho TS chỉ thi 2 môn lý - hóa; 4 phòng cho TS chỉ thi hóa - sinh; 3 phòng cho TS chỉ thi môn lý và 3 phòng cho TS thi cả 3 môn.

Tại điểm thi vừa có đối tượng TS tự do vừa có TS thuộc TT GDTX, bà Văn Thị Đông Xuân (Trưởng điểm thi Trường THCS Hoàng Văn Thụ, TP.HCM) chia sẻ, có 4 loại phòng đối với TS thi bài khoa học xã hội và 5 loại phòng đối với TS thi bài khoa học tự nhiên. “Ngay cả khi chỉ có 1 TS đăng ký thi 2 môn thành phần sử - GDCD vẫn được bố trí 1 phòng thi với 2 cán bộ coi thi và 1 giám sát mà không dám ghép phòng vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý TS khác”, bà Xuân chia sẻ.

Cũng theo bà Xuân, việc tổ chức thi tại điểm có TS tự do phải cẩn thận hơn, lo xảy ra thi hộ nên phải kiểm tra kỹ càng nhưng trên tinh thần cố gắng không tạo áp lực cho các em. Đối với cán bộ coi thi, được tập huấn nhiều lần và rất kỹ.

Bắt đầu rọc phách, chấm thi

Ngay sau khi kết thúc kỳ thi, chiều 24-6, nhiều sở GD-ĐT đã bắt tay vào khâu rọc phách, chấm thi. Tiến sĩ Trần Đình Lý thông tin, khâu rọc phách tại cụm thi tỉnh Long An đã được nhanh chóng tiến hành ngay sau buổi thi cuối. Kể cả ngày chủ nhật, đơn vị vẫn tổ chức họp triển khai, khẩn trương tiến hành chấm. Các bài trắc nghiệm sẽ được chấm bằng máy, riêng bài tự luận, sở này sẽ bố trí lực lượng giáo viên chấm cho hơn 13.000 bài thi văn. Dự kiến đến 30-6, địa phương này sẽ hoàn thành công tác chấm thi.

Đổi mới thi trắc nghiệm, TS vi phạm giảm

Nhờ đổi mới phương thức thi THPT quốc gia 2017 theo hình thức trắc nghiệm, mỗi TS trong cùng một phòng có riêng một mã đề nên số vi phạm quy chế giảm nhiều so với những năm trước. Toàn đợt thi chỉ có 72 TS bị đình chỉ trong khi con số này năm 2016 tới 328 em.

Đây là đánh giá của Bộ GD-ĐT chiều 24-6, sau khi cả nước khép lại kỳ thi THPT quốc gia 2017. Số cán bộ coi thi bị vi phạm quy chế cũng giảm nhiều do được tập huấn kỹ, cả đợt chỉ có 2 cán bộ vi phạm.

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có khoảng 866.000 TS đăng ký dự thi, được tổ chức tại 2.364 điểm với gần 90.000 cán bộ tham gia; trong đó số cán bộ, giảng viên đến từ các trường ĐH, CĐ gần 40.000 người, ít hơn so với năm 2016.

Kỳ thi hầu như không gây áp lực nào lên cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại ở các thành phố lớn. Do TS không phải lên thành phố lớn nơi có các trường ĐH để dự thi như trước đây nên không gây quá tải về đi lại, lưu trú. Trong những ngày thi mọi hoạt động ở các thành phố lớn diễn ra như bình thường, khác với cảnh giao thông ùn tắc, đi lại hối hả như trước đây…

Theo Bộ GD-ĐT, phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ được giữ ổn định về cơ bản cho những năm sắp tới.

Thục Trân

Phối hợp tổ chức thi cho TS tỉnh Tây Ninh, ThS. Phạm Thái Sơn (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) cho biết, từ 26-6, địa phương này bắt đầu triển khai chấm 7.600 bài thi tự luận ngữ văn và khoảng 25.000 bài thi trắc nghiệm các môn còn lại. Dự kiến 30-6 sẽ hoàn tất.

Tại TP.HCM, ông Phạm Thanh Nam (Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TP) cho biết, công tác chấm thi tại TP.HCM bắt đầu từ ngày 27-6. Năm nay, sở huy động 1.000 giám khảo và phục vụ cho công tác chấm thi. Dự kiến ngày 3-7, sở sẽ tổng kết công tác chấm thi và gửi dữ liệu về Bộ GD-ĐT. Dự kiến ngày 7-7 sẽ công bố kết quả thi, chậm nhất ngày 14-7 công bố kết quả tốt nghiệp THPT.

Theo ông Nguyễn Thanh Giang, vào ngày 26-6, Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiến hành chấm khoảng 11.000 bài thi tự luận ngữ văn, đồng thời chấm cả các môn trắc nghiệm còn lại.

M.Tâm - M.Châu