Thứ sáu, 15/5/2009, 08h05

Năm học 2009-2010: Thiếu giáo viên, “thừa” học sinh

Dự kiến năm học 2009-2010, ngành giáo dục cần khoảng 1.100 GV tiểu học

Chiều 13 và sáng 14-5 Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức Hội nghị giao ban hiệu trưởng các trường THPT và trưởng phòng GD-ĐT 24 quận - huyện. Hội nghị nhằm ghi nhận những mặt tốt và hạn chế, đồng thời triển khai các hoạt động cho thời gian tới.
Còn không ít tồn tại
Theo ông Lê Hồng Sơn, Chánh văn phòng Sở thì hiện nay ở các trường vẫn còn nhiều hạn chế. Trong điều kiện không ít trường mầm non, cơ sở vật chất chật hẹp, số cháu quá đông dẫn đến việc tổ chức nghỉ trưa và ăn trưa trong điều kiện chật chội, nóng bức. Có trường, mùng và gối không vệ sinh thường xuyên; chế độ ăn uống cho trẻ vẫn còn một số nơi chưa quan tâm đúng mức (như chia thức ăn không đều, sắp xếp chỗ ăn không hợp lý, mất vệ sinh…). Một số trường thực hiện tiết kiệm giảm điện, nước và nhân viên vệ sinh, điều này rất nguy hiểm cho việc phòng chống các dịch bệnh nhất là đang vào mùa khô, giai đoạn thường bùng phát các dịch, bệnh, đặc biệt là bệnh tay, chân, miệng. Một số trường có nhiều điểm lẻ nhưng không phân công các thành viên trong ban giám hiệu trực và ít quan tâm chú ý kiểm tra đột xuất tại các điểm lẻ dễ dẫn đến tình trạng giáo viên lơ là, thực hiện sai quy chế chuyên môn gây nguy hiểm cho trẻ (như ăn không đúng giờ quy định, ăn quá sớm, trẻ không ăn được thì nặng tay và bạo hành với trẻ…). Những trường có nhiều điểm lẻ cần phân công ban giám hiệu trực đầy đủ, tăng cường kiểm tra đột xuất vào các giờ sinh hoạt, ăn, ngủ của trẻ. Đối với các nhóm trẻ gia đình nhận số lượng trẻ đông hơn mức quy định mà không đảm bảo cơ sở vật chất, chế độ ăn uống, dinh dưỡng, không đảm bảo điều kiện phục vụ và an toàn cho trẻ, đề nghị phòng giáo dục các quận, huyện cần xử lý nghiêm khắc theo QĐ 49 của Bộ GD-ĐT về xử phạt hành chính. Đặc biệt một số quận còn duy trì việc tổ chức cho giáo viên mầm non tham gia nhiều cuộc thi kéo dài, gây áp lực không cần thiết cho giáo viên, làm giảm thời gian tập trung vào chuyên môn của giáo viên. Việc quản lý nề nếp, đạo đức của học sinh còn một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức, chưa kịp thời uốn nắn dẫn đến một vài trường hợp xảy ra đáng tiếc như tại Q.Tân Bình, H.Củ Chi.
Thiếu GV: Đương nhiên
Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ (TCCB) Sở GD-ĐT Văn Công Sang cho biết: “Tính đến thời điểm này, các phòng GD-ĐT quận huyện báo về Phòng TCCB là cần gần 1.000 GV mầm non, khoảng 1.100 GV tiểu học và trên 1.200 GV THCS. Đó là chưa kể GV THPT, GV các trường trung cấp chuyên nghiệp. Dự kiến, các môn cơ bản như toán, lý, hóa, văn sẽ tuyển đủ, nhưng các môn năng khiếu như nhạc, thể dục, tin học thì chắc chắn là thiếu. Đặc biệt là GV tâm lý học đường, các trường cần 38 GV nhưng chúng tôi không có khả năng tuyển…”.
Tình trạng thiếu GV diễn ra chủ yếu ở các quận, huyện có đông dân nhập cư. Ở huyện Bình Chánh, theo thầy Nguyễn Minh Châu - Trưởng phòng GD-ĐT thì “Năm học 2009-2010, ngành giáo dục Bình Chánh thiếu 113 GV tiểu học và 48 GV THCS”. Còn ở Q.Thủ Đức, theo thầy Nguyễn Trọng Cường - Trưởng phòng GD-ĐT thì chỉ riêng GV tiểu học thiếu ít nhất là 60 người; quận 11 thiếu khoảng 130 GV từ mầm non đến THCS…
Đã quá quen với việc tuyển không đủ GV nên cô Hoàng Thị Hồng Hải - Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Phú khẳng định: “Chúng tôi sẽ chưa chấp thuận cho GV cũ chuyển đi quận, huyện khác khi chưa có GV mới về, trừ những trường hợp thật đặc biệt”.
Về công tác tuyển dụng GV, ông Văn Công Sang cho biết: “Trước đây, Sở đã đưa ra 3 phương án: thứ nhất là giao cho quận, huyện tuyển; thứ hai là giao cho phòng GD-ĐT quận, huyện tuyển; thứ ba là giao cho trường tuyển. Sau khi bàn bạc, cuối cùng quyết định chọn phương án hai, giao cho phòng GD-ĐT tuyển (chỉ tuyển GV mầm non, tiểu học và THCS)”. Theo đó, từ 1-6-2009, các ứng viên sẽ đăng ký trên mạng và đăng ký luôn nhiệm sở. Ứng viên đăng ký ở địa phương nào sẽ nộp hồ sơ tại địa phương đó…
Tuy nhiên, hầu hết các trưởng phòng GD-ĐT đều cho rằng như vậy là quá trễ và gây nhiều khó khăn cho quận, huyện. Nhất là các quận ven và huyện ngoại thành sẽ rất ít ứng viên đăng ký, trong khi những địa phương này lại thiếu nhiều GV.
Do vậy, Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Công Minh chỉ đạo: “Trước mắt, năm nay Phòng TCCB của Sở vẫn tiếp tục tuyển dụng GV cho các quận, huyện như mọi năm. Việc giao cho phòng GD-ĐT quận, huyện sẽ chờ quyết định của UBND TP, nếu được thì áp dụng từ năm 2010”…
Nhiều quận, huyện than… quá tải
Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch (TCKH) Sở GD-ĐT Lê Hoài Nam cho biết: “Vừa qua chúng tôi đã làm việc về công tác tuyển sinh với Q.Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp và huyện Bình Chánh nhận thấy số học sinh (HS) ra lớp 1 tăng từ 15 - 25% so với năm học trước”…
Ở Q.Bình Tân, năm học 2008-2009 chỉ có 2.500 HS lớp 5 lên lớp 6, nhưng năm học 2009-2010 lại có tới 7.000 trẻ 6 tuổi vào lớp 1. Trong đó chỉ có 30% là diện thường trú, còn lại là KT3 và tạm trú. “Trường lớp hầu như không tăng, còn HS lớp 1 tăng gần 3 lần so với HS lớp 6, chúng tôi rất lo lắng trong việc sắp xếp chỗ học cho các em”, thầy Trần Hữu Vĩnh - Trưởng phòng GD-ĐT quận lo lắng.
Còn ở Thủ Đức, theo thầy Cường thì: “Năm học mới 2009-2010, đầu ra tăng 200 em (3.600 HS), trong khi đầu vào tăng tới 800 em (6.000 HS). Với số HS chênh lệch là 2.400 em, chúng tôi phải cần ít nhất 60 GV tiểu học và 60 phòng học”…
Số HS ra lớp 5 và vào lớp 1 ở Q.Tân Phú trong năm học tới là 4.100 em và 6.900 em. “Mặc dù chúng tôi có xây dựng thêm trường lớp nhưng không thể đáp ứng kịp nhu cầu của người dân. Vì vậy giải pháp trước mắt của Tân Phú là tăng sĩ số HS/lớp, dù sĩ số bình quân hiện nay đã khá cao (45 HS/lớp). Ngoài ra, phải xóa lớp bán trú. Có như vậy mới đảm bảo đủ chỗ học cho các em”, cô Hồng Hải tâm tư.
Thầy Nguyễn Trọng Chức - Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh cũng cho biết: “Năm học tới, số HS vào lớp 1 và ra lớp 5 chênh lệch gần 1.000 em. Việc quy hoạch, xây dựng trường lớp thì chậm chạp, cho nên chỉ còn cách giảm số lớp học 2 buổi/ngày, tăng sĩ số HS/lớp”.
Tình trạng quá tải cũng diễn ra ở Bình Chánh, số trẻ vào lớp 1 năm học 2008-2009 tăng 1.500 em so với năm học trước, năm học tới tăng 2.500 em so với năm học này. Ở Q.7 cũng tăng trên 600 HS vào lớp 1…
Bức xúc về vấn đề quá tải, ông Huỳnh Công Minh đã đề nghị Phòng TCKH báo cáo gấp với UBND TP để ủy ban chỉ đạo các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp.
Thanh Quang - Kim Anh