Thứ hai, 10/5/2010, 08h05

Năm học mới, học phí mới?

Học sinh ở những vùng khó khăn như Cần Giờ có thể sẽ không phải đóng học phí

Chiều 7-5, Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP.HCM đã có buổi giám sát tại Sở GD-ĐT TP.HCM về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về nhiệm vụ giáo dục và đào tạo”. Theo đó, vấn đề mà Ban Văn hóa - Xã hội HĐND đặc biệt quan tâm là học phí mới của năm học mới…
Tăng học phí là đương nhiên
Từ 15-3 đến nay, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP đã làm việc với các phòng GD-ĐT quận, huyện, các trường từ mầm non đến THPT, qua đó nhận ra một thực tế là các khoản thu theo Quyết định 49 (năm 1998) của UBND TP đối với ngành GD-ĐT hoàn toàn không còn phù hợp với thời giá hiện nay.
Bà Trần Thị Ngọc Anh, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP tâm tư: “Các khoản thu theo Quyết định 49, nay đã quá lạc hậu gây rất nhiều khó khăn cho các trường. Đi giám sát, chúng tôi phát hiện có không ít quận, huyện và trường đã phải “xé rào” để thu cao hơn. Chẳng hạn như phí phục vụ bán trú có nơi thu 50 ngàn đồng, có nơi thu 60 ngàn đồng, thậm chí nơi thu 100 ngàn đồng, trong khi quy định chỉ có 30 ngàn đồng. Hay như vệ sinh phí, quy định là 5 ngàn đồng nhưng nhiều nơi phải thu lên 10 - 20 ngàn đồng. Ở những nơi “xé rào” thu cao hơn quy định (đương nhiên có sự thỏa thuận với phụ huynh học sinh) thì chất lượng giáo dục, chăm sóc học sinh rất tốt. Ngược lại, những nơi thu đúng quy định thì nhà trường gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí khó thực hiện các biện pháp giáo dục, nuôi dạy học sinh…”. Theo đó, bà Ngọc Anh cùng nhiều đại biểu trong đoàn giám sát đều cho rằng, việc tăng học phí cũng như điều chỉnh các khoản thu là đương nhiên…
Nhưng tăng như thế nào để nhà trường có thể hoạt động tốt với nguồn thu cũng như phụ huynh không “kêu trời” lại không phải là chuyện dễ dàng.
Ai cũng biết điều kiện sống của người dân thành phố không đồng đều. Có gia đình bỏ ra 5 - 7 triệu đồng/ tháng để đóng tiền học cho con cảm thấy rất nhẹ nhàng. Ngược lại cũng có những ông bố, bà mẹ bỏ ra vài chục ngàn đồng để con được cắp sách đến trường là cả một vấn đề. Chính vì vậy, việc quy định học phí cũng như các khoản thu khác không thể chỉ căn cứ vào tiêu chí nội thành và ngoại thành như hiện nay.
Bà Ngọc Anh cho rằng, có những khu vực cần phải miễn phí hoàn toàn. Trên thực tế khi đi khảo sát ở một số trường tiểu học thuộc xã nghèo, đoàn giám sát nhận thấy có những lớp 40 học sinh nhưng chỉ có 3 em đóng tiền học buổi thứ 2. Bên cạnh những khu vực miễn phí cũng cần có khu vực thu học phí cao như Trường THPT Lê Quí Đôn hiện nay, rồi khu vực thu học phí ở mức trung bình…
Bà Ngọc Anh cũng cho biết là HĐND TP đã “bật đèn xanh” để Sở GD-ĐT TP xây dựng đề án học phí mới cho năm học sắp tới.
Theo đó, TS. Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: Khi nào HĐND có văn bản chỉ đạo thì sở sẽ xây dựng khung học phí mới và trình lên trong thời gian sớm nhất để kịp với kỳ họp HĐND lần này (dự kiến từ ngày 6 đến 9-7).
Đời sống giáo viên sẽ được quan tâm hơn
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP chất vấn: “Đi giám sát ở một số nơi, nhất là các huyện ngoại thành, chúng tôi vô cùng cảm kích trước tấm lòng của các thầy, cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục. Nhiều giáo viên đi dạy rất xa - khoảng 30km, thế nhưng địa phương lại không có nhà công vụ cho các thầy cô. Bởi vậy, ở một số trường của huyện Cần Giờ đã xảy ra tình trạng trên lầu thì học sinh học, còn dưới đất trẻ con (con của giáo viên) chạy lung tung vì giáo viên ở trong trường. Từ lâu, thành phố đã có chủ trương về nhà công vụ cho giáo viên, ngành GD-ĐT cần quan tâm hơn đến vấn đề này…”.
Trả lời câu hỏi này, bà Trần Thị Kim Thanh - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết: “Từ nhiều năm nay, ngành GD-ĐT rất quan tâm đến vấn đề xây dựng nhà công vụ cho giáo viên. Riêng năm 2010, đã đầu tư 30 tỷ để xây nhà công vụ cho giáo viên ở huyện Cần Giờ. Ngoài ra, các giáo viên ở quận, huyện khác cũng đã quyên góp được 450 triệu đồng để xây nhà công vụ cho đồng nghiệp ở Doi Lầu…”.
Đại biểu Nguyễn Văn Ngai (nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP) lại quan tâm đến chế độ chính sách đối với giáo viên. Ông băn khoăn không biết có bao nhiêu giáo viên sống được bằng lương, nhất là giáo viên mầm non.
Ông Nguyễn Tiến Đạt - Chủ tịch Công đoàn ngành, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Với giáo viên mầm non đã được giải quyết chế độ phụ trội, tuy vậy xin 2 giờ/ ngày nhưng thành phố mới cho được 1 giờ”. “Sở GD-ĐT cần mạnh dạn “xin” thêm 1 giờ còn lại để tránh thiệt thòi cho giáo viên mầm non”, bà Ngọc Anh đề xuất.
Ban Văn hóa - Xã hội cũng đề xuất ngành GD-ĐT chăm lo đến đời sống của học sinh nghèo, khó khăn. Tháng 10-2009, thành phố đã có văn bản hỗ trợ mỗi học sinh thuộc xã đảo Thạnh An đang theo học tại Trường THPT Cần Thạnh, Cần Giờ 140 ngàn đồng/ tháng (tiền ăn) nhưng khi đi giám sát mới hay đến nay các em vẫn chưa được nhận. Về vấn đề này, Sở GD-ĐT cho biết là văn bản của thành phố nêu rõ Cần Giờ tự cân đối thu chi nhưng do không cân đối được nên Cần Giờ đã xin thành phố cấp. Theo đó, ngày 15-1-2010, Sở GD-ĐT có văn bản trình UBND TP, song chưa nhận được văn bản trả lời. Theo đó, bà Ngọc Anh hứa sẽ báo cáo với HĐND để thành phố quan tâm hơn đến đối tượng học sinh này…
Bài, ảnh: Kim Anh