Thứ hai, 18/8/2014, 07h08

Thờ ơ với quy định bến phà, bến đò

Áo phao được xếp thành hàng, không một hành khách nào sử dụng tại bến phà Bình Quới
Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có hơn 30 bến phà, bến đò đang hoạt động. Có an toàn hay không khi đi trên những chuyến phà, chuyến đò luôn là nỗi lo của nhiều hành khách.
Vừa đi vừa lo
Trời gần về chiều, bến phà Bình Quới (nối từ phường 28, Bình Thạnh sang phường Linh Đông, Thủ Đức, TP.HCM) trở nên đông khách hơn. Những chiếc áo phao bạc màu bởi nắng mưa, được xếp thành một hàng dài, không một hành khách nào mặc chúng vào người. Đó cũng là điều dễ nhận thấy khi có mặt trên các chuyến phà ở các bến phà khác tại TP.HCM. Theo ghi nhận của chúng tôi, dường như áo phao được dùng để “trang trí” trên phà. Thông tư 15/2012/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định tất cả các phương tiện vận tải hành khách sang sông phải trang bị và bố trí đầy đủ áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cá nhân cho hành khách. Đã hơn 2 năm kể từ ngày thông tư số 15 có hiệu lực, nhưng cho đến nay, những quy định trong thông tư này đã bị chính các chủ phà và hành khách “phớt lờ”.
Khi chúng tôi vừa lên phà, một nhân viên của bến phà đưa cho chúng tôi dụng cụ nổi cá nhân (là thiết bị cứu sinh cầm tay hoặc đeo trên người có tác dụng giữ người nổi trên mặt nước). Quan sát xung quanh, chúng tôi nhận thấy có vài hành khách cầm trên tay dụng cụ nổi cá nhân, số đông hành khách còn lại đều không cầm trên tay bất kỳ dụng cụ cứu sinh nào. Chị Ngọc Mai (ngụ phường Linh Đông, Thủ Đức) cho biết: “Ngày nào tôi cũng đi phà qua sông để đến cơ quan ở Bình Thạnh làm việc. Hình như tôi chưa một lần mặc chiếc áo phao bao giờ. Nhiều hành khách thấy áo phao bẩn nên cũng ngại mặc. Tôi thấy nhiều người cũng chỉ cầm dụng cụ nổi cá nhân trên tay cho có vậy thôi”. Khi nghe chúng tôi hỏi có biết mức độ nguy hiểm khi tham gia các phương tiện vận tải hành khách sang sông hay không mà không mặc áo phao cứu sinh, chị trả lời: “Tôi có biết. Cũng lo sợ chứ nhưng thời gian đi phà chỉ khoảng 5 phút, mặc áo phao vào người mất công quá”. Đó cũng là câu trả lời rất “vô tư” của khá nhiều hành khách khi tham gia các phương tiện vận tải hành khách trên sông. 
Việc thực hiện quy định của thông tư số 15 ở bến phà Bình Khánh (nối liền Nhà Bè và Cần Giờ) và bến phà Cát Lái (nối liền quận 2 và huyện Nhơn Trạch - Đồng Nai) cũng còn nhiều hạn chế. Hiện nay, trung bình mỗi ngày bến phà Bình Khánh đưa 20.000 lượt người đi phà/ngày và bến phà Cát Lái đưa khoảng gần 50.000 khách đi phà/ngày. Vào những ngày cuối tuần hay các dịp lễ, tết, lượng hành khách đi phà còn tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, theo nhân viên của bến phà Bình Khánh, việc trang bị, nhắc nhở mặc áo phao đối với lượng hành khách quá đông như vậy là khó khăn vô cùng. Vì vậy, thông thường trên các chuyến phà chỉ thấy chủ phà và nhân viên mặc áo phao. Khi thấy hành khách không mặc áo phao hay cầm trên tay dụng cụ nổi cứu sinh, nhân viên nhiều khi cũng không hề nhắc nhở họ.
Cần nghiêm chỉnh thực hiện
Thông thường, sau khi các cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt tình hình thực hiện quy định thông tư số 15 tại các bến phà, bến đò, mọi việc lại trở về như cũ. Ý thức chấp hành của hành khách và các chủ bến phà chưa cao. Họ bất chấp những hiểm nguy rình rập trên các chuyến phà. Anh Trần Văn Tuấn (ngụ Q.2) cho biết: “Tôi đi phà nhiều lần nhưng không thấy nhân viên trên phà nhắc nhở hành khách mặc áo phao nên tôi cũng không để ý gì đến việc này nữa”. Dường như tấm biển quy định tất cả hành khách sang sông bắt buộc phải “cầm”, “đeo” dụng cụ nổi cứu sinh, áo phao được gắn trên phà cũng ít hành khách nào quan tâm.
Thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã có nhiều vụ chìm phà, va chạm trên sông gây thiệt hại về người và tài sản nhưng an toàn tại các bến phà dường như chưa được các chủ bến phà và hành khách quan tâm. Mọi việc đều được thực hiện mang tính chất đối phó với các cơ quan chức năng. Thực tế cho thấy khi có những vụ tai nạn trên sông xảy ra thì công tác kiểm tra mới được tăng cường nhưng sau một thời gian, ai cũng “phớt lờ”, thờ ơ với những quy định khi tham gia các phương tiện vận tải hành khách trên sông. Thiết nghĩ, việc thực hiện thông tư số 15 cần được nghiêm chỉnh chấp hành, có sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan chức năng, chủ phương tiện và hành khách để tránh xảy ra những điều đáng tiếc.
Bài, ảnh: Yên Hà
Theo Khu quản lý đường thủy nội địa thuộc Sở GTVT TP.HCM, hiện nay chỉ có bến đò Thủy Sơn (Q.9) do HTX Phước Bình Mỹ quản lý là chấp hành nghiêm chỉnh việc trang bị đầy đủ áo phao cứu sinh cho hành khách. Các bến đò, bến phà còn lại trên địa bàn TP.HCM đều thực hiện rất lỏng lẻo, chỉ khi có sự xuất hiện của đoàn thanh tra thì họ mới vội vàng nhắc nhở hành khách mang phao cứu sinh.