Thứ tư, 28/7/2010, 09h07

Diễn đàn “Sinh viên yếu ngoại ngữ: vì sao?”

Tìm công thức để nâng cao chất lượng ngoại ngữ

Trong khi SV thờ ơ với môn NN thì ở bậc THPT, nhiều em HS lại rất đam mê. Trong ảnh là em Tạ Vũ Ngọc Bảo - một HS đến từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đoạt giải nhất cuộc thi hùng biện “Vương quốc Anh - nơi tôi sẽ đến” do Hội đồng Anh tổ chức năm 2009. Ảnh: T.Tr

Việc dạy và học ngoại ngữ (NN) ở các trường ĐH đang thiếu một tiếng nói chung từ nhiều phía và thiếu một nền tảng khoa học để xây dựng hoặc lựa chọn các chiến lược phù hợp. Dù ngành giáo dục đã có những nỗ lực cải cách nhưng do thiếu tập trung, tản mạn... vì thế mà hiệu quả không cao.
Thiếu tiếng nói chung
Hiện nay việc phát triển năng lực NN cho sinh viên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động có thể xét cụ thể trong vai trò và thái độ của các bên có liên quan như sau:
Sinh viên (SV): Hầu hết các bạn trẻ đều nhận thức được rằng, NN (đặc biệt là tiếng Anh) rất quan trọng trong tương lai của họ nhưng giờ học tiếng Anh tại các trường ĐH lại thường thiếu vắng họ do việc học không đem lại hiệu quả mong muốn và ý thức học tập của SV chưa cao. Giảng viên (GV): Theo tôi, lực lượng GV hiện nay có hai thành phần chính. Thành phần thứ nhất là những người chỉ lên lớp giảng cho đủ giờ, bám chặt vào một giáo trình bắt buộc, không cần viết và cũng không bị buộc phải chịu trách nhiệm hiệu quả giảng dạy của mình ra sao. Thành phần thứ hai, ngược lại, đó là những người rất cố gắng tự mình tìm tòi, sáng tạo ra những cách làm mới để thu hút SV tham gia học tập. Phần thưởng duy nhất dành cho họ là sự say mê và kết quả đạt được của SV, ngoài ra không còn bất kỳ cái gì khác. Tuy nhiên, những người này nhiều lúc cũng cảm thấy rất mệt mỏi, cô đơn và nản lòng vì cảm thấy thiếu vắng sự hỗ trợ và công nhận của hệ thống đối với những nỗ lực của mình. Tôi chỉ sợ rằng, đến một lúc nào đó một số người lại chuyển sang thành phần thứ nhất. Nhà quản lý: Họ lại có quá nhiều cái khó và thiếu khác: Thiếu năng lực (vì không được đào tạo chuyên nghiệp), thiếu thời gian (công việc của các nhà lãnh đạo hiện đang quá tải), thiếu điều kiện vật chất và tài chính. Vì thế, dù có biết những nỗi khổ của GV và sự thất vọng của SV thì họ cũng bế tắc vì không biết phải làm như thế nào.
Ngoài ra, trong một thời gian dài chúng ta đã phát triển tự phát và hoàn toàn không chú trọng đến đào tạo những người quản lý chuyên môn cho đúng tầm cỡ. Đa số các trưởng bộ môn, trưởng khoa không được đào tạo bài bản về chuyên môn dành cho những người quản lý đào tạo NN mà chỉ sử dụng những người có kinh nghiệm quản lý theo kiểu cũ (tuân thủ theo chương trình có sẵn từ trên đưa xuống hoặc từ người trước để lại) rồi chạy theo số lượng ồ ạt (nhu cầu học tiếng Anh như một NN tăng vọt từ sau khi mở cửa) dẫn đến việc quản lý theo kinh nghiệm (người này bắt chước người kia), thiếu chuyên nghiệp đã trở thành một thói quen cố hữu và chấp nhận như một chuẩn mực. Một số người được đào tạo chuyên môn sâu về quản lý đào tạo NN vì nhiều lý do lại không được phát huy đúng sở trường mà chuyển sang làm những công việc khác tạo ra một sự thiếu hụt về đội ngũ này. Nhà tuyển dụng: Họ đã có thái độ bó tay chấm com với việc đào tạo NN trong các trường ĐH từ lâu. Vì thế, doanh nghiệp nào có điều kiện thì đưa ra những chuẩn riêng của mình. Chẳng hạn như chọn “chuẩn” TOEIC, có lẽ là học kinh nghiệm của Nhật Bản từ cách đây vài thập kỷ hoặc vì không biết đến một chọn lựa nào khác hoặc tự đào tạo sau tuyển dụng… Nói tóm lại, đây cũng là một bức tranh không mấy khả quan.
Cần thay đổi đồng bộ
Để thay đổi tình trạng này thì cần có sự thay đổi đồng bộ ở đội ngũ quản lý chuyên môn tại các khoa, trường (tức là trưởng khoa, trưởng bộ môn hoặc giám đốc trung tâm NN tại các trường). Những người này phải có đủ trình độ và kinh nghiệm quản lý, được trao quyền chủ động tối đa để thiết kế chương trình, lựa chọn giáo trình, xây dựng đội ngũ, lựa chọn các chuẩn kiểm tra đánh giá và được cung cấp các điều kiện vật chất thiết bị đầy đủ để làm việc. Tất nhiên, bên cạnh việc trao quyền thì phải có một hệ thống giám sát chặt chẽ và minh bạch, thưởng phạt phân minh của các nhà quản lý. Một khi có được điều này thì chính các nhà quản lý chuyên môn (cấp khoa, bộ môn hay các trung tâm) sẽ là những người tạo ra sự thay đổi rõ ràng sau một thời gian dài nhất định. Tôi nghĩ, chỉ cần 5 năm sẽ thấy rõ sự thay đổi này.
Ngoài ra, ở Việt Nam đang có sự nhầm lẫn giữa giảng dạy NN như một lĩnh vực chuyên nghiệp (professional, tương tự như các ngành điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe, luật…) mà quá trình đào tạo vốn đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm thực tế và phải được hướng dẫn theo kiểu kèm cặp học việc và nghiên cứu ngôn ngữ như một lĩnh vực hàn lâm (academic) vốn có thể học được hoàn toàn qua sách vở, lý thuyết, tư duy trong cô đơn và trao đổi về mặt lý luận với đồng nghiệp. Hiện nay, đa số các lãnh đạo chuyên môn trong giảng dạy NN đều thuộc nghiên cứu ngôn ngữ còn đi về hướng chuyên nghiệp thì rất ít.
Để thay đổi thì nhất thiết phải thay đổi quan niệm ở chỗ này, theo tôi có một công thức cho sự thay đổi hiện nay để nâng cao chất lượng giảng dạy NN ở các trường đại học là: Tính chuyên nghiệp (professionalism) + nguồn lực đầy đủ (adequate resources) + tự chủ (autonomy) = cải cách thành công (reform success).
TS. Vũ Thị Phương Anh
(Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng giáo dục - ĐHQG TP.HCM)