Thứ hai, 16/8/2010, 15h08

Diễn đàn “Sinh viên yếu ngoại ngữ: vì sao?”: Tất cả… tự ở lòng mình!

Là một độc giả của báo, những ngày qua theo dõi diễn đàn “Sinh viên yếu ngoại ngữ: Vì sao?”, tôi nhận ra một điều rằng, giải thích lý do kém ngoại ngữ, hầu hết các bạn thường… đổ lỗi cho nhà trường, cho thầy cô hơn là tự nhìn thấy các khuyết điểm của mình. Khuyết điểm mà tôi muốn nói đến, đó là các bạn chưa thật sự cố gắng và xem “giỏi ngoại ngữ” như một mục tiêu phải đạt được của đời mình.
Bản thân tôi ngày xưa cũng từng ao ước nói và viết tiếng Anh giỏi giống như người bản xứ. Thế nhưng, khi bắt tay vào học tôi thường xuyên rơi trong cảm giác chán nản vì bộ môn này quá khó, vốn từ quá nhiều để tôi có thể học thuộc và ghi nhớ hết. Hễ gặp một chữ tiếng Anh “lạ” là tôi phải mở từ điển ra tra cứu, thậm chí nhiều từ không chỉ có một nghĩa duy nhất mà còn mang rất nhiều ý nghĩa, trong hoàn cảnh này nó thể hiện một nghĩa khác nhưng trong hoàn cảnh kia nó lại không còn ý nghĩa đó nữa. Và muốn biết nó mang nghĩa gì, trong hoàn cảnh nào thì chỉ có cách… giở từ điển ra. Một việc làm “vừa tốn công vừa tốn sức” như vậy thường khiến tôi lười tra cứu và thế là… đóng sách đi chơi!
Sau này, tôi nhận ra rằng học tiếng Anh đòi hỏi tính kiên nhẫn, phải chịu khó chứ không thể nóng vội, qua loa. Kinh nghiệm cho thấy, học qua một từ vựng khó tôi thường quên ngay. Lần sau gặp lại từ này, tôi tiếp tục mở từ điển. Lần thứ 3 gặp lại, tôi… ngờ ngợ nhưng không tài nào nhớ ra được nghĩa của nó và thế là… lại nhờ đến từ điển. Nhưng đến lần thứ 4, thứ 5 thì tôi đã có thể thuộc làu mặt chữ cũng như ngữ nghĩa của nó. Tôi nói vậy để thấy rằng học ngoại ngữ là một lộ trình “mưa dầm thấm sâu” mới có thể đạt được ý nguyện.
Thêm một lý do nữa khiến tôi “dốt” tiếng Anh, đó là thiếu động lực thực tế ràng buộc. Những năm tháng phổ thông, đại học, tôi (nói riêng và tất cả chúng ta nói chung) xem học ngoại ngữ chỉ như một cách ứng phó, học để thi và thi cho qua chứ không có động lực nhất định. Đây chính là lý do nhiều sinh viên thường sử dụng bằng “giả” để đối phó với nhà trường khi đến kỳ thi tốt nghiệp hơn là thực học.
Động lực thực tế ràng buộc, có nghĩa là “thấy mới tin”. Ở đây chính là những cơ hội việc làm khi tốt nghiệp ra trường. Thông thường, bộ phận tuyển dụng của hầu hết các công ty sẽ không chỉ dựa vào hồ sơ xin việc để xét tuyển, cho dù hồ sơ ấy có ấn tượng, được viết bằng 2, 3 ngoại ngữ khác nhau. Chính khâu phỏng vấn sẽ quyết định cơ hội việc làm và thực lực tiếng Anh là một trong những tiêu chí quan trọng để xét duyệt tuyển dụng. Lúc này, tin rằng bạn có đến… 10 chứng chỉ ngoại ngữ “giả” cũng phải chào thua. Khi chưa đứng trước một thực tế “Phải giỏi ngoại ngữ chúng tôi mới nhận bạn vào làm việc” thì có lẽ chúng ta sẽ chưa hết lòng muốn học ngoại ngữ.
Thực tế rất nhiều bạn tiếng Anh rất giỏi, phần lớn là do tự học bởi họ nhận thức được rằng giỏi ngoại ngữ là một chiếc chìa khóa mở cánh cửa thành công! Vì vậy, việc giỏi hay dở ngoại ngữ, theo tôi, tất cả tự ở lòng mình.
Du Khiết