Thứ ba, 30/12/2014, 11h12

Nguồn vốn ODA góp phần đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế

Trong những năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được vay những khoản tín dụng có giá trị lớn dưới dạng Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ các tổ chức tài chính đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và nguồn vốn song phương từ các Chính phủ như Nhật Bản, Pháp, Đức...

Tổng giá trị vay ODA lũy kế đến nay đạt gần 10 tỷ USD. Nguồn vốn này có ý nghĩa rất lớn góp phần đảm bảo cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện đầu tư các dự án điện, đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Quản lý và sử dụng ODA hiệu quả

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các khoản vay từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển để thực hiện các dự án điện đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, đổi mới bộ mặt nông thôn nói riêng và phát triển kinh tế xã hội Việt Nam nói chung.

Hiệu quả từ sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam với các nhà tài trợ đã được ghi nhận và đánh giá cao.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam được đánh giá là một trong những đơn vị thực hiện tốt các quy định về quản lý và sử dụng ODA của Việt Nam và có tỷ lệ giải ngân cao.

Nguồn vốn hỗ trợ phát triển thông qua các tổ chức tài chính quốc tế đã giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng hàng loạt các công trình nguồn lưới điện và các cơ sở đào tạo, điều hành hệ thống điện... góp phần nâng cao năng lực sản xuất, truyền tải, phân phối, quản lý hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải cao (15-17%/năm).

Đến nay, hơn 70 chương trình, dự án điện sử dụng nguồn vốn và vay ưu đãi từ các tổ chức tài chính đa phương và song phương quốc tế, hơn 20 dự án Hỗ trợ kỹ thuật đã và đang được triển khai.

Đối với ngành Điện, nguồn vốn ODA thực sự mang lại hiệu quả thiết thực cho đầu tư phát triển, góp phần đáng kể vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đặc biệt là những kết quả các dự án điện khí hóa nông thôn từ năm 1998 đến nay, nâng số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia từ 62,5% lên đến 97,85%, số xã từ 75,1% lên 99,57%.

Đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế

Cũng theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, để thực hiện các dự án đầu tư theo các quy hoạch điện, việc duy trì và mở rộng quan hệ với các tổ chức quốc tế và các quốc gia, vay vốn ưu đãi cũng như thương mại đóng vai trò quan trọng.

Sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới đối với ngành điện từ năm 1995 đã có sự thay đổi theo xu hướng từ tăng cường khả năng đầu nối lưới điện (điện khí hóa nông thôn) sang cải thiện chất lượng dịch vụ (các dự án hiệu quả năng lượng) và năng lượng sạch bền vững (phát triển năng lượng tái tạo).
Hiện nay các lĩnh vực mà Ngân hàng Thế giới đang quan tâm hỗ trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam bao gồm tăng cường đảm bảo cung cấp năng lượng; tăng cường nguồn cung và quản lý hiệu quả; thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và thực hiện cải cách, tái cơ cấu ngành Điện.

Để phù hợp với định hướng ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, quy mô lớn, hiện đại nói chung và các chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới đối với ngành Năng lượng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xây dựng các chương trình hợp tác, trong đó bao gồm các chương trình, dự án đầu tư vay vốn từ Ngân hàng Thế giới.

Các chương trình, tập trung vào các lĩnh vực cụ thể như tăng cường hiệu quả vận hành hệ thống điện, thông qua ứng dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới; tiếp tục thực hiện lộ trình cải cách ngành điện thông qua Chương trình hỗ trợ phát triển chính sách quản lý vĩ mô và hỗ trợ sự phát triển thủy điện vận hành theo cơ chế lưu giữ năng lượng và được sử dụng, nâng cao hiệu quả của hệ thống cung cấp điện tiết kiệm năng lượng.

Cùng với Ngân hàng Thế giới, theo Chương trình Chiến lược đối tác quốc gia, trong thời gian tới, Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, cải cách phát triển thị trường điện, đáp ứng nhu cầu về điện với nguồn cung cấp tin cậy và bền vững về môi trường.

Đối với dự án đầu tư, Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ hỗ trợ các dự án về hiệu suất sử dụng năng lượng, năng lượng tái tạo và mở rộng mạng lưới truyền tải điện.

Danh mục hỗ trợ bao gồm hỗ trợ cho kết nối lưới điện liên kết khu vực trên cơ sở các hiệp định mua bán điện với các nước lân cận trong chương trình Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS).

Bên cạnh đó, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ưu tiên hợp tác việc cung cấp năng lượng ổn định tại Việt Nam. Là nhà tài trợ lớn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư các dự án nguồn điện, đảm bảo cung cấp năng lượng ổn định, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản cũng tập trung hỗ trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong các lĩnh vực tăng cường năng lực cấp điện thông qua các dự án nhà máy phát điện và xây dựng mạng lưới truyền tải và phân phối điện, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng và phổ biến tiêu chuẩn kỹ thuật điện, tiêu chuẩn an toàn, tăng cường cơ chế quản lý môi trường thông qua việc giới thiệu các kỹ thuật môi trường tiên tiến./.

Nguyễn Hồng Điệp

(TTXVN/Vietnam+)