Thứ ba, 14/4/2009, 13h04

Hiềm khích giữa CĐV Hải Phòng và SLNA: Làm sao để không thành "truyền thống"?

Công an, cảnh sát cơ động rải dọc một đoạn quốc lộ 1 khi xe của CĐV Hải Phòng bắt đầu vào đất Nghệ An, lãnh đạo của Cục C22 (Bộ Công an) cũng vào tận Vinh để chỉ đạo, nhưng các phương án an ninh đó cũng không ngăn được máu đổ giữa CĐV Hải Phòng và SLNA.

> VÒNG 8 PETRO VIETNAM GAS V-LEAGUE 2009: Lại ẩu đả ở Nghệ An

CĐV Hải Phòng tụ tập dưới sân, chờ cảnh sát hộ tống rời sân Vinh

Những kẻ vi phạm sẽ bị trừng trị theo pháp luật, nhưng điều người ta quan tâm là, làm sao để xích mích này không trở thành mối thù hằn "truyền thống" giữa CĐV hai địa phương. Hôm qua, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã có cuộc trao đổi với báo chí:

- Dù phía tổ chức có tài thánh đến đâu cũng không thể lường được sự việc lại diễn ra cách SVĐ đến 50km. Theo tôi được báo cáo lại thì khi đoàn CĐV HP đi qua Diễn Châu, lực lượng an ninh kiểm tra và phát hiện trong một xe  có pháo sáng, gậy gộc và hình như cả đao, kiếm nên đã giữ lại. Thế là cả đoàn xe CĐV Hải Phòng gần 40 chiếc đã cùng ở lại để gây áp lực, gây ách tắc giao thông. Sau đó Công an Nghệ An đã quyết định yêu cầu 2 xe có vi phạm phải quay lại.

Thật ra, họ làm như vậy là có trách nhiệm với CĐV, chứ bình thường họ có quyền giữ xe lại. Mặc dù có sự cố này,  không thể không đánh giá BTC sân Vinh đã làm tốt nhiệm vụ. Ơ tại TP.Vinh và trong SVĐ, không có bất cứ trường hợp đáng tiếc nào xảy ra, mặc dù đoàn CĐV Hải Phòng đã xuống xe cách sân đến 1km và đi bộ vòng quanh sân với những tiếng hò hét ầm ĩ. Thú thực lúc đó đứng trên SVĐ, tôi chỉ lo có ai ném một cục gạch xuống thôi là mồi lửa bắt thành lửa rồi. Nhưng không sao cả. Phía Nghệ An đã huy động 800 cảnh sát cộng với lực lượng dân phòng, tổng cộng là hơn 1.000 người để đảm bảo an toàn.

Phía Hải Phòng có trách nhiệm như thế nào trong sự việc này?

- Chúng tôi và CLB XMHP đã bàn rất kỹ kế hoạch đưa CĐV vào, thế mà vẫn có gậy gộc ở trên xe, nếu giả sử không phát hiện được trước khi vào sân thì rất nguy hiểm. Tôi nghĩ rằng nếu đưa CĐV đi mà không kiểm soát được, không đảm bảo an toàn thì nên nghĩ lại, có cần thiết phải đi đến 30-40 xe thế không.

Ông có lo ngại rằng những hiềm khích này sẽ lặp lại? Làm thế nào để nó không trở thành mối hằn thù "truyền thống" giữa CĐV 2 đội?

- Tôi cho rằng giữa nhân dân hai địa phương không có vấn đề gì với nhau.  Hàng trăm nghìn người mới có 1-2 "con sâu làm rầu nồi canh". Chúng ta sẽ phải có giải pháp về vấn đề này. Còn cụ thể thế nào thì phải họp với 2 đội. Nhưng tôi nghĩ cần thiết phải phát động nhân dân, xây dựng một văn hoá cổ vũ thực sự - chứ không cách gì kiểm soát được mọi việc.

Liệu VFF có bao giờ nghĩ đến phương án đưa trận đấu giữa 2 đội này đến một sân trung lập cho yên chuyện?

- Tôi không nghĩ thế. Phải kiên trì. Không kiên trì không thể làm cho 2 địa phương hoà hợp được. Đưa ra sân trung lập là chọn phương án "ngon" nhất. Nhưng tại sao không nghĩ rằng phải từ thực tiễn mới giải quyết được vấn đề? Trong trận đấu vừa rồi, lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Hải Phòng  có mặt ở sân  rất đông, chứng tỏ họ rất quan tâm. Rất gian nan đấy, nhưng sẽ phải tìm ra phương án để đưa CĐV 2 đội đến gần nhau.

TTK VFF Trần Quốc Tuấn: Đề nghị xử lý theo pháp luật

Tất cả những CĐV có liên quan đến sự cố xảy ra ở Diễn Châu đều được coi là vi phạm trật tự an ninh xã hội và chúng tôi đề nghị công an xử lý theo pháp luật như một công dân. Trong tương lai, chỉ có các chế tài phạt và kiểm tra an ninh nghiêm ngặt mới kiểm soát được tình hình.

Tôi lấy ví dụ hồi chúng tôi đi Pháp với tư cách khách mời của Bộ Thể thao, vậy mà vẫn phải qua 3 vòng khám xét. Ở VN chưa có thói quen khám người khi vào sân. Nhưng đây là bóng đá chuyên nghiệp, điều đó là cần thiết. Ngay cả CĐV nữ cũng phải có chuyên gia nữ khám xét riêng, vì đôi khi người ta nhờ CĐV nữ mang pháo và các vũ khí khác vào sân. Thực ra, quy chế BĐVN đã có rồi, vấn đề bây giờ là phải đôn đốc thực hiện. 

Quang Minh (theo laodong)