Thứ hai, 9/8/2010, 14h08

Con voi chui lọt lỗ kim

Sau mỗi mùa thi tuyển sinh ĐH, CĐ, số thí sinh bị điểm 0 lại được tính bằng con số hàng nghìn. Ẩn số điểm 0 cho đến giờ Bộ GD-ĐT vẫn chưa có hướng giải quyết.
Chỉ tính riêng ĐH Thái Nguyên năm nay đã có tới gần 1.700 thí sinh đạt điểm 0. Trong số các bài thi bị điểm 0, môn toán chiếm cao nhất với 1.265 bài thi, gồm 775 bài thi toán khối A và 490 bài thi toán khối D; tiếp sau là môn sử với 335 bài thi, lý có 30 bài, địa với 23 bài và văn có bốn bài. Toàn trường, duy nhất có một bài thi đạt điểm 10 thuộc về môn hóa. Chỉ tính riêng một trường ĐH đã có hơn 1.000 bài thi bị điểm 0, đó là chưa kể số bài thi bị điểm 1 hoặc dưới điểm 1. Có thể thấy, với trên 200 trường ĐH, CĐ tổ chức thi, số lượng bài thi bị điểm 0 lên tới hàng nghìn, thậm chí hàng vạn. Năm 2007, lần đầu tiên, Cục CNTT Bộ GD-ĐT đã khiến dư luận giật mình khi công bố 6.200 thí sinh có tổng điểm 3 môn bằng 0 (tương đương với 18.600 bài thi bị điểm 0). Trong đó, khối A có khoảng 4.000 trường hợp bị 0 điểm/3 môn. Hơn 15.000 thí sinh chỉ đạt vỏn vẹn 1 điểm/3 môn và khoảng 18.000 thí sinh đạt 2,5 điểm/3 môn. Tình trạng trên cũng tương tự với khối B, C, D. Với hơn 1.000 trường hợp bị điểm 0 cả 3 môn. Đến năm 2007, có 70.000 bài thi đạt điểm 1 và điểm 0. Trong đó, có 41.117 bài thi điểm 1 và 25.037 bài thi chỉ điểm 0 (số lượng thí sinh bị điểm 0 này đã loại trừ tất cả những thí sinh bỏ thi). Năm nay, đề thi các môn được đánh giá là khó thì chắc chắn, số bài thi đạt điểm 0, điểm 1 không chỉ dừng lại ở con số 70.000.
Sau 3 năm tuyên chiến với bệnh thành tích trong giáo dục, năm 2010, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của cả nước đạt gần 93%, tăng gần 30% so với năm đầu tiên thực hiện cuộc vận động 2 không. Kết quả này cho thấy một phần nỗ lực của ngành giáo dục trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng bên cạnh đó, dư luận không khỏi đặt câu hỏi liệu bệnh thành tích có thật đã bị đánh “trọng thương” như năm đầu thực hiện cuộc vận động.
Trong khi đó, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đều cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ có tính chất khác nhau. Đúng là có khác nhau rất nhiều. Khác nhau về thời gian thí sinh làm bài, khác nhau ở mức độ đề thi. Nhưng ở tất cả các khối thi, đề các môn thi đều có một câu “gỡ điểm”. Đơn cử như đề toán của các khối (A, B, D, V…), câu 1 thường được coi là câu “dễ ăn điểm” nhất, tất cả các thí sinh nếu đã đỗ tốt nghiệp, chắc chắn sẽ giải được. Thế nhưng, không hiểu sao, trong số gần 93% thí sinh đỗ tốt nghiệp năm nay lại có nhiều bài thi ĐH bị điểm 0 các môn như thế.
Từ năm 2008, Bộ GD-ĐT không thống kê số lượng bài thi đạt điểm 0 mà chỉ cung cấp cho báo chí biểu đồ tỷ lệ đỗ tốt nghiệp và phổ điểm của thí sinh. Trên biểu đồ có thể thấy, đỉnh của 2 phổ điểm (thi tốt nghiệp và điểm thi ĐH, CĐ) ở rất xa nhau. Điều này cho thấy, việc học giả, điểm thật vẫn còn đang tiếp diễn ở đâu đó trên khắp cả nước.
Nghiêm Huê