Chủ nhật, 29/9/2013, 21h09

Nhiều quy định chưa xác thực với nhà giáo

Bà Phạm Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, Q.3 - phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 28-9

Ngày 28-9, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi tiếp xúc cử tri ngành GD-ĐT TP. Tại đây, nhiều cử tri tỏ ra bức xúc trước những quy định pháp luật trong ngành giáo dục (GD)...
Nhiều nhà giáo bị từ chối quyền lợi
Có thể nói, vấn đề được nhiều đại biểu có ý kiến nhất là phụ cấp thâm niên (PCTN) cho nhà giáo. Ông Nguyễn Hữu Danh - Phó chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.HCM - bức xúc: “Sau một thời gian “đấu tranh”, những nhà giáo đã nghỉ hưu cũng được hưởng PCTN. Nhưng theo quy định thì những nhà giáo đó phải có thời gian trực tiếp giảng dạy, GD, hướng dẫn thực hành tại các cơ sở GD công lập từ đủ 5 năm trở lên. Trong khi đó những người tham gia cách mạng như chúng tôi, khi còn chiến tranh thì làm gì mà được đứng lớp. Đến thời bình, do yêu cầu của cấp trên nên làm cán bộ quản lý, muốn đứng lớp cũng không được. Và bây giờ chiếu theo quy định thì không được hưởng PCTN. Tôi tự hỏi không biết những người như mình nếu không phải là nhà giáo thì là cái gì?”.
Không chỉ đối với những người nghỉ hưu mà cả những người đang công tác trong ngành GD cũng bị từ chối quyền lợi được hưởng PCTN. Bởi theo nghị định 54/2011 của Chính phủ thì chỉ những nhà giáo trong biên chế, đang giảng dạy mới được hưởng.
Bà Võ Ngọc Thu - Trưởng phòng GD-ĐT Q.5 - tâm tư: “Khi lên Phòng GD-ĐT, chúng tôi bị mất PCTN, phụ cấp đứng lớp...”.
Những người công tác ở vai trò bảo mẫu, cấp dưỡng, giám thị, phòng thí nghiệm... ở các trường học cũng không được hưởng PCTN. Trong khi đó những người này cũng có đóng góp không nhỏ cho hoạt động GD hàng ngày tại các trường. “Những người làm ở ngành GD, rõ ràng là phải được hưởng PCTN. Dù là ở trường, ở phòng hay ở sở; dù là GV hay những người làm công tác gián tiếp trong trường học. Quy định như hiện nay khiến nhiều người nản lòng” - ông Đặng Văn An (Hiệu trưởng Trường TH Đặng Trần Côn, Q.4) bức xúc.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Nhà giáo (đã được dự thảo) để khẳng định nhà giáo không chỉ là những người trực tiếp đứng lớp mà còn có rất nhiều người làm những công việc gián tiếp. Và khi Luật Nhà giáo được ban hành thì tất cả những người làm trong ngành GD đều được hưởng các chế độ như GV...
Quy định “trói chân” nhà giáo
“Trong điều lệ ban đại diện cha mẹ HS thì lại cấm không được sử dụng tiền của phụ huynh để hỗ trợ hoạt động GD. Đơn cử, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước cổng trường giờ tan học, nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương để dân phòng hỗ trợ. Tuy là hỗ trợ nhưng mình cũng phải trả tiền xăng xe cho người ta. Tiền này lấy ở đâu ra? Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh nói là lấy tiền của phụ huynh đóng góp, tôi trả lời không được. Anh ta nổi cáu: “Tiền ở chúng tôi chứ có phải tiền của cô đâu mà không cho chúng tôi chi”. Tôi trả lời: “Tôi chỉ làm theo quy định. Nếu tôi thuận theo ý anh thì sẽ bị thanh tra, kiểm điểm”... Và còn rất nhiều những quy định gây khó khăn cho hoạt động của nhà trường. “Theo quy định của Bộ Tài chính, chúng tôi phải trích lại 40% tiền phúc lợi để giải quyết việc tăng lương thay vì ngân sách phải trả. Vì vậy mà nhiều quyền lợi của GV bị cắt giảm” - bà Phạm Thị Huệ (Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, Q.3) nói.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hương - Hiệu trưởng Trường Mầm non 10, Q.5 - tâm tư: “Nếu ngân sách cấp đủ thì chúng tôi không phải lo chuyện cơm áo gạo tiền. Làm Hiệu trưởng mà lúc nào cũng lo lắng chuyện thu chi, nhất là đầu năm học”... Bà Hương cũng đề nghị cần phải nâng hệ số lương của GV mầm non, nhân viên phục vụ lên, chứ như hiện nay là quá thấp hoàn toàn không tương xứng với công sức mà người lao động bỏ ra.
Rồi những quy định về dạy thêm - học thêm cũng gây bất bình trong đội ngũ nhà giáo. Việc cấm GV sống bằng nghề dạy học là cực kỳ vô lý. Nếu cấm chỉ là cấm những người bắt ép HS phải học thêm...
Từ những ý kiến của các nhà giáo, ông Huỳnh Thành Lập - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - khẳng định: “Những ý kiến của các nhà giáo là rất xác đáng, đó là những bức xúc đang tồn tại trong ngành GD. Chúng tôi cam kết sẽ trung thực chuyển tải những ý kiến này đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết”...
Bài, ảnh: Hòa Triều