Chủ nhật, 29/9/2013, 21h09

Vài kỷ niệm nhỏ với một nhân cách lớn

1. Thời sinh viên, tôi không có cái may mắn được GS.NGND Hoàng Như Mai giảng dạy. Nhưng thầy của tôi, GS.TS Trần Hữu Tá lại là học trò của thầy Mai. Thầy Tá thường cho chúng tôi biết: “Trong các mối quan hệ với bè bạn, đồng nghiệp và học trò, thầy Mai luôn đối xử rất có tình. Vì vậy các thế hệ học trò phục thầy về tài năng, nhưng quan trọng hơn, rất quí trọng thầy về đức độ”.
Cũng qua lời kể của thầy Trần Hữu Tá về những chuyện nghề, chuyện đời của thầy Mai đã khiến cho tôi cũng như nhiều sinh viên khác yêu mến và trân trọng người thầy đáng kính này. Từ đó, tôi tự cho mình là một học trò nhỏ của thầy. Khi về công tác tại Báo Giáo Dục TP.HCM, tôi được phân công phụ trách mục Thời đi học của người nổi tiếng, nhân vật tôi nghĩ đến phải thực hiện đầu tiên cho chuyên mục này chính là GS.NGND Hoàng Như Mai. Nhờ sự giới thiệu của thầy Trần Hữu Tá mà tôi được thầy Mai cho một cái hẹn gặp tại nhà riêng của thầy trên đường Trần Quốc Tuấn (Q.Gò Vấp, TP.HCM). Vừa gặp tôi, thầy đã nói ngay: “Tôi không nhận mình là người nổi tiếng. Tôi chỉ trò chuyện cùng các bạn về thời đi học của mình với tư cách là một người lớn tuổi, một nhà giáo lâu năm. Điều này giúp tôi nhìn lại một thời đã qua, may ra có đôi điều bổ ích để giúp cho các bạn trẻ”. Rồi thầy đọc cho tôi nghe hai câu thơ nhắc lại kỷ niệm thời đi học của mình: Bạn nhỏ có thằng hiền quá đất/ Cuộc đời nổi mấy trận phong ba. “Đây là bài thơ tôi viết gửi cho người bạn của tôi đang học ở nước ngoài. Hai câu thơ ấy nhắc lại thời tôi là một anh học sinh hiền như đất cục chỉ biết ăn rồi học, không biết chơi bời lêu lổng gì cả. Và cái thời tôi tham gia cách mạng kháng chiến thì tôi là một người rất gan dạ trước sóng to gió cả…” - thầy Mai cho biết như thế.
2. Như một mối nhân duyên, nghề báo giúp tôi thân thiết với TS.NSND Bạch Tuyết, cũng chính là học trò của thầy Mai. Sau đó nhiều lần, tôi tháp tùng NSND Bạch Tuyết đến hầu chuyện thầy. Là một GS văn chương nhưng thầy Mai đặc biệt rất yêu thích nghệ thuật sân khấu. Qua NSND Bạch Tuyết, tôi được biết thầy đã từng cùng với các nghệ sĩ Đào Mộng Long, Thu Hà, Phan Ninh… thành lập Đoàn kịch Độc Lập để tham gia phong trào Nam tiến sau Cách mạng tháng Tám, đồng thời viết vở kịch Dòng sông biên giới nói về nỗi đau chia cắt đất nước. Sau ngày đất nước thống nhất, vào TP.HCM công tác, thầy lại viết vở kịch Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu để ca ngợi nhà thơ Nam bộ Nguyễn Đình Chiểu. Thầy cũng rất yêu cải lương, đã viết nhiều sách nghiên cứu về cải lương, về soạn giả Trần Hữu Trang nổi tiếng. “Năm 1987, tôi đi thực tập đạo diễn ở Sô-phia (Bungari) với vở Kim Vân Kiều nhận điểm tối ưu. Trở về nước, tôi dàn dựng vở này phát trên Đài  Truyền hình TP.HCM. Thầy xem xong đã viết một bài bình luận mà tôi xem đó là “khuôn vàng thước ngọc”: “Khán giả đã được dự một buổi dạ tiệc hiếm có. Nhưng đối chiếu vở diễn với Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du thì có điều phân vân, nói thẳng là tôi chưa hài lòng. Người ta thấy thiếu đoạn Kiều báo ân báo oán, người ta muốn có đoạn tái hợp đoàn viên, chưa tán thành tính cách Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Từ Hải trong vở… Nhưng nếu không “say” với nghề đạo diễn và không thiết tha mến viên bảo ngọc vô giá của văn chương dân tộc là Truyện Kiều chắc là Bạch Tuyết không dại gì mạo hiểm đem “cái chuông” ấy đi đánh ở nước ngoài, lại càng không cả gan đánh cái trống ấy qua cửa nhà… đồng bào mình thuộc Kiều vanh vách như lòng bàn tay. Nghệ thuật là lĩnh vực tình cảm thật đấy, nhưng tình - lý cứ cần phải phân minh”. Thầy Mai là như vậy, luôn khen - chê thật lòng”.
3. Trong chương trình Một thời dấu yêu lần 2, tôi được Ban tổ chức phân công mời thầy Mai đến dự. Thầy đại diện cho các thế hệ thầy cô giáo trong cả nước phát biểu nhân ngày 20-11 và đánh tiếng trống khai mạc chương trình. Tôi đề xuất cho ô tô đến nhà đón thầy nhưng thầy từ chối: “Cứ để thầy tự túc cho tiện, Ban tổ chức còn phải lo nhiều việc khác quan trọng hơn”. Đêm ấy, thầy đến rất sớm, những lời phát biểu chân tình của thầy đã nhận được những tràng pháo tay vang dội.
Rất nhiều lần, thầy Mai kể về người thầy mà mình vô cùng yêu kính - thầy Trần Văn Khang và xưng hô là “Ba Khang”. Năm 1969, thầy Khang mất, thầy Mai có làm một bài thơ Ai điếu thầy mà khi đọc lên ai cũng khóc: “Công ba hoa lý hoa đào/ Khắp trong thiên hạ ngạt ngào tung hương/ Đời ba là lớp là trường/ Lòng ba rộng mở yêu thương học trò/ Người ham chức lớn quyền to/ Ba say mê với cơ đồ Việt Nam/ Đầu ba cúi xuống mặt bàn/ Ba mươi năm lẻ ba làm giáo sư/ Canh khuya lau cặp kính mờ/ Tay ba lần giở từng tờ sử sanh/ Ba rằng: Bộ sử hoàn thành/ Thì ba nhắm mắt cũng đành đời ba/ Đời ba mỗi tuổi một già/ Chúng con nhớ mãi ba là ba Khang”… Hôm nay thầy Mai đã ra đi, tôi tin sẽ có rất nhiều bài Điếu thầy của rất nhiều thế hệ học trò dành cho thầy.
Với tôi, dù thầy đã đạt các danh hiệu cao nhất trong sự nghiệp giáo dục: Được Nhà nước phong học hàm GS, được tặng danh hiệu NGND, Huân chương Lao động hạng nhất… nhưng tôi vẫn muốn mãi được gọi thầy bằng hai tiếng thân thương: Thầy Mai.
Vĩnh biệt người thầy đáng kính!
Song Minh