Thứ sáu, 4/1/2013, 11h01

Ngành kinh tế - tài chính ngân hàng: Chỉ tiêu có thực sự giảm?

Xem điểm thi ĐH tại kỳ thi ĐH, CĐ năm 2012. Ảnh: N.H

Trước thềm tuyển sinh ĐH, CĐ 2013, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết sẽ giảm chỉ tiêu (CT) ngành tài chính, ngân hàng, kinh tế, quản trị kinh doanh và các trường mới thành lập cũng sẽ không được phép mở mã ngành này. Tuy nhiên, thực tế không hẳn như thế.
Chỉ giảm tại chức
Đại diện của ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, năm nay, trường xác định 5.700 CT, tăng 100 CT so với năm 2012. Trường cũng có thêm hai ngành mới là hệ thống thông tin và quan hệ công chúng. Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) sẽ tiến tới giảm hết, nhưng chỉ với hệ tại chức.
Là trường đào tạo các ngành kinh tế, ĐH Ngoại thương cho biết, năm 2013, trường sẽ giữ ổn định như năm 2012 với 3.300 CT ĐH và 100 CT CĐ.  Năm 2012, Học viện Tài chính tuyển 3.350 CT; năm 2013, sẽ không thay đổi. Giám đốc học viện - ông Ngô Thế Chi - cho biết việc giữ nguyên CT là vì nhu cầu xã hội vẫn lớn và các trường đào tạo chuyên sâu, có uy tín lớn từ lâu nên được Bộ GD-ĐT nghiên cứu để giữ vững đào tạo. ĐH Kinh tế quốc dân cũng sẽ giữ vững 4.500 CT. Ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo của trường cho rằng: Bộ GD-ĐT chỉ nên giảm CT đào tạo các ngành có dấu hiệu dư thừa đối với những trường mới và không có chuyên môn cao hoặc thuê từ giáo viên đến cơ sở vật chất, cũng như dừng mở ngành mới, trường mới đào tạo các ngành này.
Có cần siết chặt?
Thời gian qua, có rất nhiều luồng ý kiến trái chiều liên quan đến chủ trương mới của Bộ GD-ĐT về siết chặt CT các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh. Nhiều người cho rằng, việc làm này của bộ là không hợp lý, ảnh hưởng tới quyền tự chủ của các trường. Thậm chí có người còn ví von: Giống như kinh tế thị trường, nếu có lợi nhuận, có cấm vẫn cứ làm. Thực tế, nếu thực hiện theo thông tư 57, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường khi xác định CT phải đáp ứng được hai nội dung: Tỷ lệ sinh viên quy đổi trên giảng viên và diện tích sàn xây dựng trên sinh viên. Nếu các trường đáp ứng đủ điều này, tại sao bộ lại không cho phép tuyển. Còn tuyển được hay không đó là việc của các trường.
Chúng ta đang hướng theo cơ chế thị trường, cung và cầu do thị trường tự điều chỉnh. Thực tế trong mùa tuyển sinh 2012, cùng với sự suy thoái của kinh tế và khủng hoảng của hệ thống ngân hàng, số lượng thí sinh đăng ký vào ngành tài chính ngân hàng tại một số trường đã giảm hẳn. Như tại Trường ĐH Đại Nam, năm 2012, số sinh viên nhập học ngành tài chính ngân hàng ít hơn hẳn so với ngành kế toán. Điểm chuẩn đầu vào của ngành này cũng đã “hạ nhiệt” hơn so với những năm trước. Như ngành tài chính ngân hàng tại Học viện Ngân hàng, những năm trước thường có điểm đầu vào cao ngất thì năm 2012, đối với khối A chỉ còn 18 điểm, khối D1 chỉ trên 20 điểm. Điểm chuẩn đầu vào ngành tài chính ngân hàng ở ĐH Thương mại cũng chỉ 17 điểm.
Xét ở khía cạnh thị trường thì Bộ GD-ĐT nếu có “tham gia” cũng chỉ nên giữ vai trò dự báo. Nhưng thực tế, đến nay, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có được số liệu chính xác về nhu cầu nguồn nhân lực. Với thực tế này, trong viễn cảnh tới, chắc chắn, cứ ngành nào thừa thì bộ sẽ cấm và như vậy, những trường đã thành lập thì ung dung, còn những trường mới thành lập thì loay hoay không biết mình sẽ được đào tạo ngành nào.
Nghiêm Huê