Thứ tư, 4/5/2011, 15h05

Nhức nhối tình trạng lao động trẻ em

Làm thế nào để đến năm 2016, Việt Nam có thể xóa bỏ được vấn đề lao động trẻ em như đã hoạch định? Đây là bài toán trăn trở của rất nhiều nhà quản lý trong thời gian qua. Tại sao vấn đề này lại khó?
Nhiều chuyên gia lao động trong nước và quốc tế bày tỏ quan điểm lo lắng về tình trạng trẻ em phải bỏ học sớm hoặc có nguy cơ phải bỏ học để tham gia lao động. Đáng nói, các em đều đang làm việc trong những môi trường lao động nặng nhọc, độc hại, mức lương khá bèo bọt, thậm chí không có lương, chế độ đãi ngộ, có em bị bóc lột vài năm trời mà không ai hay biết hoặc có nhiều bé gái rơi vào tình trạng bị cưỡng bức… Đó là bé Hào Anh, bé Nguyễn Thị Bình với những đòn roi vọt hung tàn trên thân thể còn non nớt, tâm hồn còn ngây thơ, trong sáng. Đó là những em bé bị vắt kiệt sức lao động nhưng chỉ đủ để nuôi ba bữa ăn trong ngày, không được nổi đồng lương nào. Đó là những trẻ em từ 5 đến 17 tuổi phải bỏ học ngay từ khi còn chưa học hết THCS để kiếm mỗi tháng vài trăm ngàn đồng mang về cho bố mẹ (chỉ có 41% số trẻ được hỏi được nhận tiền lương, tiền công). Đâu đấy trên đường phố Hà Nội, chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ lên 6, lên 7 cầm nón đi ăn xin cùng với bố mẹ. Đáng lẽ chúng được cắp sách đến trường, được ăn ngon, mặc đẹp, nhưng kém may mắn khi chính bố mẹ các em bắt em phải lao động thì mới được ăn. Tại kết quả khảo sát tình trạng trẻ em lao động sớm của Sở LĐ-TB-XH Hà Nội trên một số quận, huyện trong giai đoạn 2009-2010, có gần 85% trẻ em tham gia lao động nặng nhọc, độc hại đang đi học, đặc biệt trong số đó có 18,3% đang học tiểu học, 54,57% đang học THCS và 27% đang học THPT. Có gần 60% trẻ em trong diện điều tra phải làm việc sau giờ đi học, gần 40% làm việc cả trước và sau giờ đi học, hầu hết trẻ em phải làm việc quanh năm. Nói như vậy có nghĩa là số học sinh từ 6 đến 14 tuổi chiếm phần lớn trong số lao động trẻ em sớm hiện nay.
Nguyên nhân trẻ bỏ học để lao động sớm thì có nhiều nhưng vấn đề từ các ông bố, bà mẹ của các em được đặc biệt quan tâm. Phần lớn các gia đình có con lao động sớm là hoàn cảnh nghèo nên chính họ bắt các con phải lao động để đóng góp vào chi tiêu cho gia đình. Bản thân một số em do học kém, lười học nên không còn lựa chọn nào khác là đi làm để giúp đỡ gia đình. Có tới 2/3 trẻ em (62%) trong số được điều tra sử dụng tiền kiếm được từ lao động đã góp vào chi tiêu chung của gia đình, khoảng 19% trẻ sử dụng tiền lương vào chi tiêu riêng hoặc để tiết kiệm riêng, chỉ có 8% sử dụng tiền lương để mua sắm đồ dùng học tập; có khoảng 4% lao động không nhận trực tiếp lương của chủ nhà vì họ đưa cho bố mẹ các em.
Như vậy, có thể thấy, đa số trẻ em lao động là do áp lực từ phía gia đình. Nhiều ông bố bà mẹ chửi mắng con cái là đồ ăn bám, không giúp đỡ bố mẹ nên gây áp lực cho các em là phải bỏ học để kiếm tiền. Thậm chí nhiều người còn bắt con phải đi làm thêm tại quán ăn này, cửa hàng kia. Vô hình trung, chính bố mẹ các em là người bắt buộc các em phải lao động sớm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hải Hữu,Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH thì nhiều người vẫn chưa ý thức được đó là điều xấu, là sai phạm, mà nếu có biết đó là sai thì cũng chưa có luật nào quy định bắt phạt bố mẹ đã bắt con lao động sớm.
Thiên Lam